Hành trình bà mẹ Hà Nội chi hơn 10 triệu đồng cho con khám hậu Covid-19

Hải Hà

(Dân trí) - Đại dịch đã diễn ra suốt 2 năm nhưng chỉ trong vài tháng gần đây, vấn đề hậu Covid-19 mới được đề cập tới nhiều khiến nhiều bệnh nhân vừa thoát F0 lại vướng nỗi lo mới.

Hậu Covid-19 đeo đẳng người bệnh

Gia đình 5 người của chị Thanh Hòa (Hoài Đức - Hà Nội) vừa khỏi F0 được 3 tuần thì 2 con gái của chị thi thoảng lại kêu đau bụng và nhức đầu. Lo ngại con bị hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (mis-C) nên chị cho các con đi khám. Tới bệnh viện quốc tế T. theo lời quảng cáo, chị phải chi hết 6 triệu cho 2 bé để lấy máu và làm xét nghiệm một vài chỉ số.

Khi có kết quả, bác sĩ thông báo chỉ số định lượng D-Dimer của các cháu hơi cao và để điều trị tình trạng này thì có thể phải nhập viện để dùng thuốc chống đông máu. Bác sĩ cho biết hiện bệnh viện chưa được tập huấn điều trị hậu Covid-19 cho trẻ, mới chỉ có Viện Nhi trung ương có phác đồ điều trị bệnh này, bác sĩ khuyên gia đình đưa các con sang đó.

Hành trình bà mẹ Hà Nội chi hơn 10 triệu đồng cho con khám hậu Covid-19 - 1

Sau khi sang viện Nhi làm xét nghiệm lại, bác sĩ cho biết các chỉ số của con chị Hòa không đến mức phải nhập viện và uống thuốc chống đông máu (Ảnh: NVCC).

Lo lắng nên chị Hòa ngay lập tức chuyển các con đến Bệnh viện Nhi trung ương. Tại đây, bác sĩ yêu cầu xét nghiệm lại toàn bộ các chỉ số cần thiết và kết luận các con về nhà chỉ việc uống nhiều nước tránh đông máu và kê thêm men tiêu hóa, kẽm để các con tăng sức đề kháng cho đường ruột.

Vậy là tổng chi phí cho đợt khám bệnh hậu Covid-19 của 2 con, chị Hòa tiêu hết hơn 10 triệu đồng. Chị cho rằng việc bỏ tiền ra để khám và điều trị cho các con không có gì đáng ngại nếu tìm được đúng bệnh và phương pháp điều trị. Tuy nhiên, với những gia đình không có điều kiện kinh tế, mất cả một khoản tiền lớn như vậy để giải tỏa nỗi lo hậu Covid-19 là không đơn giản.

"Bệnh viện T. được quảng cáo là viện quốc tế lớn với trang thiết bị hiện tại và y bác sĩ giỏi, nhưng yêu cầu người bệnh bỏ ra số tiền lớn chỉ để khám và xét nghiệm nhưng lại không có khả năng điều trị, tôi thấy thật bức xúc. Việc đi khám, lấy mẫu xét nghiệm rồi chờ đợi rất mất thời gian, với trẻ nhỏ lại càng vất vả hơn mà lại phải đi tới 2 viện như nhà tôi thì quả thật là không đáng. Nếu chẳng may các con có vấn đề gì hậu Covid-19, tôi khuyên các gia đình nên đưa con đến thẳng bệnh viện chuyên môn cao để đỡ tốn kém và mất thời gian", chị Hòa chia sẻ.

Chị Mai An (Tây Hồ) cũng chia sẻ rằng chị thật sự hoang mang giữa rừng tin tức bây giờ. Nhà chị cả người già, trẻ nhỏ đều nhiễm SARS-CoV-2, đang trong quá trình điều trị còn chưa xong, mà lên mạng đọc toàn tin "hậu Covid" khiến chị lo lắng thật sự. 

Cùng cảnh ngộ như chị Hòa, chị Thanh Nga ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết chị bị mệt mỏi, tim đập nhanh sau khỏi Covid-19, đi khám tổng quát hết một số tiền khá lớn và đơn thuốc có 5 loại thì 4 loại là thực phẩm chức năng.

"Tất cả cũng chỉ vì lo lắng cho hậu Covid-19 khi nghe tuyên truyền quá nhiều. Giờ ôm mớ thuốc về nhà nếu uống đủ như bác sĩ kê thì no căng bụng không ăn uống được gì nữa, bỏ thì lại tiếc tiền", chị Nga than.

"Ma trận" hậu Covid, ngừa Covid, chữa Covid...

Chia sẻ về tình trạng hậu Covid-19, Tiến sĩ - bác sĩ Quan Thế Dân, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Cấp cứu và Điều trị Tích cực Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành (Thanh Hóa) cho biết, không cứ Covid-19, bất cứ một bệnh truyền nhiễm nào sau khi khỏi cũng cần một thời gian hồi phục. Ai từng bị sốt xuất huyết đều biết, sau khi hết sốt sẽ còn mệt mỏi, thở không ra hơi đến vài tháng. Nhưng xưa nay, không ai ầm ĩ lên về chuyện "hậu sốt xuất huyết". Nói rộng ra, sau bất cứ một khủng hoảng nào cũng có cái "hậu" của nó, ví dụ sau chiến tranh có "hậu chiến", sau ly hôn có "hậu ly hôn"...

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết phần lớn người mắc Covid-19 sẽ hồi phục hoàn toàn, chỉ 10-20% có các triệu chứng gọi là "hậu Covid-19" hoặc "Covid-19 kéo dài". WHO định nghĩa "hậu Covid-19" là những bất thường còn tồn tại sau ba tháng mắc bệnh, bao gồm các triệu chứng mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, ho dai dẳng, hồi hộp, tim đập nhanh, đau mỏi cơ, thay đổi vị giác, rối loạn tiêu hóa, khó ngủ, hay quên, khó tập trung, buồn bã, lo âu.

Hành trình bà mẹ Hà Nội chi hơn 10 triệu đồng cho con khám hậu Covid-19 - 2

Sau khi mắc Covid-19, trẻ cần được theo dõi thời gian dài để kịp thời phát hiện và điều trị những dấu hiệu bất thường (Ảnh minh họa: Hải Long).

Các triệu chứng này xảy ra do tổn thương đa cơ quan trong thời gian mắc Covid-19, cũng có thể do rối loạn các phản ứng miễn dịch trong quá trình cơ thể chống lại virus. Phần lớn các rối loạn này chỉ ở mức độ nhẹ và dần dần sẽ cải thiện theo thời gian. Thời gian hồi phục tùy theo tình trạng nặng khi mắc bệnh cũng như sức khỏe của mỗi người, thường mất vài tuần đến vài tháng.

Tuy không nên chủ quan, nhưng người dân cũng tránh sa đà vào "ma trận" hậu Covid-19 để ôm lấy những nỗi sợ hãi không đáng có. Không phải bất kỳ bất thường nào của cơ thể cũng do liên quan đến Covid-19, khiến người bệnh mang tâm lý hoang mang. Đây là một triệu chứng thuộc về tâm lý của người đã bình phục sau Covid-19.

Một bạn đọc chia sẻ hài hước: "Theo tôi thấy chẳng có cái gọi là hậu Covid gì cả, chỉ toàn tâm lý bản thân mà ra. Bản thân tôi và gia đình tôi bị nhiễm Covid-19, sau 1 tuần là âm tính và hàng ngày tôi vẫn chạy lên xuống 3 tầng nhà, bố tôi 64 tuổi hàng ngày vẫn đi bộ 5 km, 2 con tôi vẫn nô nghịch hò hét như bình thường. Vợ và mẹ tôi thì vẫn quát bố tôi và bọn trẻ con như chưa từng bị Covid-19... Tôi có hỏi một số người đã khỏi bệnh đi khám hậu Covid về thì 100% họ đều nói chẳng sao cả nhưng vẫn ho nhiều"

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm