Hà Nội:
Hàng trăm doanh nghiệp tại quận Cầu Giấy đang bị “làm khó”
Thời gian qua, Báo Điện tử Xây dựng liên tục nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của hàng trăm doanh nghiệp đang kinh doanh trên địa bàn quận Cầu Giấy phản ánh những bức xúc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
UBND quận Cầu Giấy làm “khó” doanh nghiệp ?!
Nội dung đơn nêu rõ: Chúng tôi là những Công ty đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội cùng các công ty, đơn vị hợp tác khai thác trực tiếp tại khu vực bố trí trụ sở các Tổng công ty thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy xin trình bày và kêu cứu với quý báo một số nội dung sau:
Sau khi có văn bản số 3719/UBND-KT ngày 24/5/2013, về việc quản lý mặt bằng khu đất bố trí trụ sở các Tổng công ty tại khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy của UBND thành phố Hà Nội cùng với các quyết định của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico), về việc hợp tác khai thác kinh doanh tại khu đất, trước chủ trương đúng đắn, khoa học, hiệu quả và hợp lòng dân của UBND TP Hà Nội cùng Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội. Chúng tôi đã dám nghĩ, dám làm bất chấp những khó khăn về thời gian hợp tác, mặt bằng khai thác, cũng như tình hình kinh tế xã hộikhó khăn… Chúng tôi đã triển khai làm: kho bãi lưu giữ hàng hóa, bãi đỗ trông giữ xe, sân bóng, gara bảo dưỡng sửa chữa xe ô tô, … với tổng số vốn đầu tư lên đến gần trăm tỷ đồng bằng vốn vay ngân hàng, trong giai đoạn kinh tế đầy khó khăn, đây là cơ hội để tạo công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp, giảm gánh nặng về thất nghiệp cho xã hội, đồng thời góp phần đóng góp cho ngân sách nhà nước, tạo sự ổn định cho xã hội.
Trong quá trình triển khai hợp tác kinh doanh chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm giúp đỡ của UBND Quận Cầu Giấy, UBND phường Yên Hòa và Tổng Công ty ĐT và PT nhà Hà Nội. Đến nay đã hơn một năm, mặc dù còn vô vàn khó khăn, công việc kinh doanh vẫn bị thua lỗ nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hết sức duy trì hợp đồng hợp tác, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động biến khu đất hoang hóa, thường xuyên bị lấn chiếm, đổ trộm phế thải, tạo thành những ổ tệ nạn gây sự sợ hãi, hoang mang, bức xúc cho dân cư trong khu vực cũng như dư luận. Đất đai bị bỏ hoang gây lãng phí tiền quản lý trông coi, tiền phí sử dụng đất của nhà nước và thường xuyên đóng góp tài trợ cho các phong trào cũng như kế hoạch của UBND quận và phường sở tại cụ thể là chúng tôi đã có những giấy đề nghị đóng góp và giấy khen của UBND phường Yên Hòa về những việc trên.
Dù có nhiều cố gắng và trách nhiệm nhưng vì rất nhiều yếu tố khách quan nên không tránh khỏi sai phạm nhỏ. Chúng tôi nhận thức được trách nhiệm của mình trong sai phạm trên đang cố gắng khắc phục các tồn tại. Nhưng ngay sau khi xảy ra sai phạm nhỏ, Điện lực Cầu Giấy đã cắt điện toàn bộ khu vực, khiến cho các hoạt động kinh doanh cũng như khắc phục sự cố bị trì trệ, hàng ngàn lao động bỗngdưng mất việc làm, tạo dư luận bất bình và đến nay đã gần ba tháng việc cắt điện vẫn tiếp tục. Việc chỉ đạo cắt điện như trên đồng nghĩa với việc sẽ xóa sổ các cơ sở kinh doanh tạiô đất, đẩy gần trăm doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, hàng ngàn lao động mất việc làm, kéo theo hàng trăm gia đình bố mẹ, vợ chồng, con cái không có nguồn sống trong khi không có trợ cấp xã hội, tạo dư luận bức xúc, gây hoang mang nghiêm trọng, đẩy các hộ kinh doanh vào bước đường cùng của cuộc sống.
Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu giải quyết dứt điểm
Trước các nội dung kêu cứu trên, ngày 17/12/2014, TS Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành công văn số 700/TTr-TD gửi UBND quận Cầu Giấy nêu rõ:
Để đảm bảo đời sống của hàng nghìn lao động, tránh khiếu kiện bức xúc, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND quận Cầu Giấy :
Với các tổ chức, cá nhân vi phạm gây cháy nổ, mất an toàn trong khu vực phải được xử lý nghiêm túc theo đúng quy định pháp luật;
UBND quận Cầu giấy chỉ đạo UBND phường Yên Hòa thực hiện nghiêm túc văn bản số 3719/UBND-KT, ngày 24/5/2013 của UBND TP Hà Nội để các hộ dân tiếp tục được kinh doanh cho đên khi UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi đất, sử dụng theo yêu cầu.
Mặc dù Thanh tra Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND quận Cầu Giấy yêu cầu giải quyết dứt diểm các nội dung kêu cứu trên, nhưng đến nay UBND quận Cầu Giấy vẫn không thực hiện văn bản chỉ đạo trên. Toàn bộ khu đất E4, E5, 23-E3 vẫn chưa được UBND quận Cầu Giấy cấp điện để các đơn vị có thời gian thực hiện việc tháo dỡ, chuyển đổi, kinh doanh theo đúng cam kết.
Được biết, liên quan đến vụ việc trên Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội cũng có văn bản số 1750/TCT-PTDA ngày 31/12/2014 gửi UBND quận Cầu Giấy và Công ty Điện lực Cầu Giấy đề nghị các cơ quan này khẩn trương đóng điện trở lại cho các doanh nghiệp để khắc phục sự cố cháy nổ, ổn định sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 16/1/2015, trao đổi với PV Báo Điện tử Xây dựng, đại diện các doanh nghiệp tại đây cho biết: Gần ba tháng nay mặc dù chúng tôi có hợp đồng mua và bán điện với chi nhánh Điện lực Cầu Giấy, nhưng UBND quận và chi nhánh điện vẫn cắt điện dẫn đến việc khắc phục sự cố và kinh doanh hầu như dừng hoạt động, gây tổn thất vô cùng lớn đối với chúng tôi.
Với những lời kêu cứu trên, chúng tôi mong rằng: UBND quận Cầu Giấy, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, UBND phường Yên Hòa, Điện lực Cầu Giấy, cùng các cơ quan chức năng cần có phương án, trách nhiệm, thực tế hợp lòng dân, tính đến lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp, của người lao động một cách hợp lý. Để giải quyết lời kêu cứu của chúng tôi được thấu tình đạt lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi đã bỏ ra gần trăm tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất kinh doanh hoạt động trên khu đất bỏ hoang trên. Cụ thể là cho phép cấp điện trở lại ngay để được tạm khai thác kinh doanh tại ô đất theo đúng chủ trương của UBND TP Hà Nội.
Báo Điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Theo Mạnh Cảnh - Minh Nguyệt
Báo Xây dựng