Hà Giang: Lãnh đạo "đáo tụng đình", cả trăm công nhân đồng thanh kêu cứu

(Dân trí) - Suốt 2 năm ròng xảy ra tranh chấp giữa các thành viên trong HĐQT Công ty CP xi măng Hà Giang cho đến cuối năm 2013, khi đã có bản án của TAND Tối cao, hoạt động của công ty này vẫn đình trệ do không có con dấu hoạt động khiến cả trăm công nhân rơi vào cảnh "sống dở chết dở".

Theo đơn kêu cứu khẩn cấp của cả trăm công nhân Công ty CP xi măng Hà Giang gửi báo Dân trí, sau 2 năm xảy ra tranh chấp giữa các thành viên hội đồng quản trị đã đẩy công ty vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn dẫn đến cả trăm công nhân không có việc làm.

"Do hoạt động sản xuất đình trệ nên các khoản nợ nhà nước, đối tác, khách hàng ngày càng chồng chất, các thành viên HĐQT hợp pháp phải đi vay tiền để duy trì sự tồn tại của nhà máy, giữ lực lượng công nhân chờ đến ngày tờ phán xét để nhà máy tiếp tục sản xuất. Tất cả những hậu quả và tồn tại trên đã làm cho công ty và toàn thể công nhân vô cùng khổ cực, khốn đốn", hàng trăm công nhân có ý kiến.

Đến ngày 13/9/2013, sau một thời gian dài ròng rã "đáo tụng đình", TAND Tối cao đã chính thức có bản án phúc thẩm số 169/2013/KDTM-PT đưa ra phán xét để HĐQT hợp pháp của công ty trở lại hoạt động theo quy định pháp luật.

Theo bản án của TAND Tối cao, nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài tại Công ty CP xi măng Hà Giang là do tranh trấp, bất đồng giữa các cổ đông trong công ty. Cụ thể, theo Công ty CP Đồng Tâm cho rằng đã góp vốn tại Công ty xi măng Hà Giang là 63,37% vốn điều lệ trên thực tế, còn theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 58,37% vốn điều lệ trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty CP xi măng Hà Giang.

Tuy nhiên, ngày 22/10/2012, Ban kiểm soát Công ty CP xi măng Hà Giang tiến hành cuộc họp đại hội cổ đông  đã tự ý hạ tỷ lệ góp vốn của Công ty CP Đồng Tâm xuống còn 6,104%. Vì những lý do trên, Công ty Đồng Tâm đề nghị Tòa xem xét hủy quyết định của Đại hội cổ đông ngày 22/10 mà công ty này cho là trái quy định pháp luật.

 Lãnh đạo công ty đáo tụng đình, cả trăm công nhân đồng thanh kêu cứu.
 Lãnh đạo công ty đáo tụng đình, cả trăm công nhân đồng thanh kêu cứu.
TAND Tối cao phán quyết hủy bỏ nghị quyết của đại hội cổ đông Công ty CP xi măng Hà Giang ngày 22/10/2012.

Theo bản án, sau khi xem xét các khía cạnh vụ việc, HĐXX nhận thấy đại hội cổ đông của của Công ty CP xi măng Hà Giang ngày 22/10/2012 đã vi phạm về trình tự, thủ tục tiến hành và nội dung nghị quyết của đại hội là trái các quy định của Luật doanh nghiệp. Do đó, Tòa quyết định hủy bỏ toàn bộ Nghị quyết (quyết định) của Đại hội cổ đông Công ty CP xi măng Hà Giang ngày 22/10/2012. Đồng nghĩa với việc, mọi hoạt động công ty trở lại bình thường với bộ máy lãnh đạo được thừa nhận theo quy định pháp luật.

Những tưởng câu chuyện đã được tháo gỡ thì cả công ty nháo nhác bởi không còn con dấu để hoạt động. "Chúng tôi khẩn thiết mong muốn Công an tỉnh Hà Giang trả lại con dấu cho công ty để công ty có thể trở lại sản xuất kinh doanh bình thường, giúp công nhân chúng tôi có thể ổn định cuộc sống",công nhân Công ty CP xi măng Hà Giang bày tỏ nguyện vọng.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, hiện con dấu của Công ty CP xi măng Hà Giang đang nằm tại Công an tỉnh Hà Giang dưới danh nghĩa "giữ hộ" theo nhờ cậy của các cổ đông, HĐQT Công ty CP xi măng Hà Giang.

Con dấu của Công ty CP xi măng Hà Giang đang được Công an tỉnh Hà Giang giữ hộ.
Con dấu của Công ty CP xi măng Hà Giang đang được Công an tỉnh Hà Giang "giữ hộ".

Theo Công văn số 464/PC 64 của Công an tỉnh Hà Giang gửi Công ty CP xi măng Hà Giang, đến ngày 7/7/2014, Phòng PC 64 chỉ nhận được đơn xin lại con dấu, chưa nhận được Quy chế và báo cáo có đầy đủ chữ ký của các thành viên HĐQT công ty gửi phòng PC 46 trước đó nên phòng PC 64 chưa trả lại con dấu cho Công ty CP xi măng Hà Giang được.

Như vậy, sau 2 năm lãnh đạo công ty xi măng "đáo tụng đình", cả trăm công nhân đã phải "thoi thóp" chờ đợi. Và câu chuyện về số phận của hàng trăm công nhân này vẫn chòn chưa được quyết định chừng nào con dấu của công ty vẫn còn đang bị "phong tỏa" trở thành vô hiệu.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm