Hà Nội:

Hàng ngàn hộ dân vẫn phải "gặm nhấm" nỗi đau mang tên sổ đỏ

(Dân trí) - Sau khi nhận được đơn của các hộ dân tại thị trấn Cầu Diễn đề nghị cấp sổ đỏ, tháng 7/2012, UBND huyện Từ Liêm ban hành văn bản báo cáo lên UBND TP. Hà Nội. Từ đó đến nay, Thành phố vẫn giữ thái độ im lặng lạ lùng.

Năm 2011, báo điện tử Dân trí đã thực hiện loạt bài về nỗi gian truân của các hộ dân sinh sống tại tổ 14, thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội trong hành trình làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Qua điều tra, PV Dân trí ghi nhận được các hộ dân trên sinh sống ở đây đã từ 35- 40 năm, một số ít nhất cũng trên 10 năm, có giấy tờ mua bán đất được chính quyền địa phương xác nhận, hàng năm các hộ dân đều đóng thuế đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.
 
Nhiều hộ dân ở thị trấn Cầu Diễn vẫn đau đáu chờ được xác nhận chủ quyền
Nhiều hộ dân ở thị trấn Cầu Diễn vẫn đau đáu chờ được xác nhận chủ quyền
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Giấy tờ mua bán nhà và đất ở của các hộ dân ở đây đều được UBND thị trấn Cầu Diễn xác nhận là đất không có tranh chấp. Các hộ dân vẫn nộp thuế đầy đủ diện tích đất ở trên theo quy định của nhà nước. Theo quy định, các hộ dân trên đủ tiêu chuẩn được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, khi kê khai hồ sơ để xin cấp sổ đỏ, các hộ dân lại bị “ngâm” hồ sơ suốt cả chục năm nay.

Tại Kết luận Thanh tra số 1128/KLTTr-BTNMT ngày 8/4/2011, của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chỉ rõ việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký làm GCNQSDĐ của huyện Từ Liêm còn có nhiều thiếu sót: Sổ giao nhận hồ sơ luân chuyển về nghĩa vụ tài chính không đúng quy định; Có 20 đợt xét cấp GCNQSDĐ trong danh sách niêm yết công khai của UBND thị trấn Cầu Diễn và UBND xã Xuân Đỉnh chỉ có tên các trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận mà không có tên các trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận là không đúng với trình tự thủ tục quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 135, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP và Mục I, Thông tư số 06/2007/TT-BTNMT ngày 15/6/2007 của Bộ TN&MT.

Để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân, báo Dân trí có công văn số 33/BBĐ-2011 ngày 1/8/2011 chuyển đơn của các hộ dân trên đến UBND huyện Từ Liêm xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, phải đến ngày 12/9/2011, huyện Từ Liêm mới có công văn hồi âm với nội dung đã nhận được công văn số 33/BBĐ-2011 ngày 1/8/2011 của báo Dân trí và yêu cầu Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xem xét, đề xuất ý kiến giải quyết, báo cáo UBND huyện.
 
Gần 1 năm sau văn bản hồi âm, UBND huyện Từ Liêm mới có báo cáo gửi TP. Hà Nội
Gần 1 năm sau văn bản hồi âm, UBND huyện Từ Liêm mới có báo cáo gửi TP. Hà Nội

Gần 1 năm sau khi nhận được lá đơn đề nghị khẩn thiết của các hộ dân, đến ngày 23/7/2012, UBND huyện Từ Liêm mới ra văn bản số 1003/UBND-TNMT gửi lên UBND TP. Hà Nội và Sở Tài nguyên & Môi trường xem xét giải quyết nguyện vọng của các hộ dân tại tổ 14 Cầu Diễn.

Nội dung công văn của huyện Từ Liêm nêu: “Ngay sau khi nhận đơn, UBND huyện đã giao các cấp các ngành có liên quan kiểm tra hồ sơ, kiểm tra quy hoạch, kiểm tra thực địa, kết quả như sau:

Ngày 31/10/2002, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 7398/QĐ-UB về việc thu hồi 27.520m2 đất tại thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, do Công ty Giống gia súc Hà Nội ( Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) quản lý; giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Ba Đình để đầu tư xây dựng khu nhà ở bán . Tuy trích yếu quyết định 7398/QĐ-UB không nêu nội dung thu hồi đất của các hộ dân tổ 14 nhưng theo Bản đồ quy hoạch mặt bằng QH-01, tỷ lệ 1/500 do Công ty Kiến trúc Việt Nam lập; Kiến trúc sư trưởng thành phố chấp thuận ngày 4/6/2002; Giám đốc Sở địa chính Nhà đất hà Nội xác nhận ngày 20/9/2002 được duyệt kèm theo Quyết định 7398/QĐ-UB có 14 thửa đất có một phần( về phía đông) nằm trong vị trí, ranh giới, diện tích khu đất thu hồi và hai thửa đất nằm hoàn toàn trong vị trí ranh giới , diện tích khu đất thu hồi. Tuy nhiên, trong quá trình giải phóng mặt bằng , Công ty xây dựng nhà Ba Đình chưa kê khai kiểm đếm lập phương án bồi thường, tái định cư đối với phần đất này. Vì vậy hiện các hộ dân vẫn đang trực tiếp sử dụng đất.

Theo Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi số 4/4/2011 và các chỉ tiêu mặt cắt thiết kế Sông Nhuệ, chỉ giới hành lang bảo vệ sông Nhuệ đoạn chảy qua huyện Từ Liêm thành phố Hà Nội đối với đoạn có đê (đê trùng với đường giao thông) được tính từ mái ngoài bờ sông Nhuệ trở ra về phía đồng là 5m. Như vậy các thửa đất nêu trên có một phần (về phía Tây các thửa đất) nằm trong hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi Sông Nhuệ.
 
TP. Hà Nội chưa đưa ra hướng giải quyết dù cấp dưới báo cáo lên gần 3 tháng
TP. Hà Nội chưa đưa ra hướng giải quyết dù cấp dưới báo cáo lên gần 3 tháng
TP. Hà Nội chưa đưa ra hướng giải quyết dù cấp dưới báo cáo lên gần 3 tháng

Theo quy hoạch sử dụng đất huyện Từ Liêm đến năm 2020 được UBND Thành phố phê duyệt tại quyết định số 14/2000/QĐ-UB ngày 14/02/2000, phần còn lại của các thửa đất nằm trong quy hoạch mở rộng đường K2. Tuy nhiên, nếu đối chiếu quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 của dự án tại khu vực lân cận thì cả tuyến đường K2 chỉ còn lại phần đất của các hộ có đơn khiếu nại là chưa có quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hay quyết định thu hồi đất.

Về nguồn gốc sử dụng đất: Các trường hợp tại khu vực này hầu hết là mua lại đất tự sử dụng và cơ quan phân từ những năm trước 15/10/1993.

Đồng thời, UBND Huyện cũng đã mời các hộ dân lên làm việc và giải thích các nội dung liên quan đồng thời hướng dẫn các hộ liên hệ với UBND thị trấn Cầu Diễn kê khai cấp giấy Chứng nhận cho phần đất còn lại không nằm trong chỉ giới hành lang công trình thuỷ lợi Sông Nhuệ và phần đất đã có Quyết định thu hồi đất. Sau một thời gian suy nghĩ , các hộ dân đã liên hệ lại với huyện và đề nghị được trả lời về việc Công ty cổ phần Tập đoàn Ba Đình có thực hiện giải phóng mặt bằng phần đất các hộ dân đang sử dụng nằm trong Quyết định 7398/QĐ-UB nữa hay không.

Ngày 12/4/2012, Công ty cổ phần tập đoàn Ba Đình có văn bản số 70/CV-CT báo cáo việc thực hiện dự án theo trong Quyết định 7398/QĐ-UB. Nội dung công văn có nêu do khó khăn khi giải phóng mặt bằng phần đất của các chộ dân nên Công ty cổ phần tập đoàn Ba Đình đã có các văn bản số 597/CV-CT ngày 22/12/2004 gửi UBND thành phố Hà Nội Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội; Văn bản số 171A/CV-CT gửi Ban chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội để báo cáo và đề nghị UBND thành phố, Sở Tài nguyên Môi trường và nhà đất xem xét điều chỉnh nội dung diện tích đất thu hồi tại điều I cho đúng với phần đất công ty đã GPMB nhưng đến nay chưa được xem xét.

Từ những nội dung trên, UBND huyện Từ Liêm báo cáo và kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các ban ngành chức năng xem xét giải quyết nguyện vọng của các hộ dân tại tổ 14 thị trấn Cầu Diễn”.

Như vậy, phải mất hàng năm UBND huyện Từ Liêm mới ra được công văn xin ý kiến chỉ đạo của TP. Hà Nội. Trong thời gian này, có những người đã mang về thế giới bên kia cả nỗi đau mang tên sổ đỏ mà chưa được cầm trên tay cuốn sổ.

Chờ đợi UBND huyện Từ Liêm ra văn bản đã gian nan, đến lúc văn bản ban hành những người dân tổ 14 thị trấn Cầu Diễn tiếp tục phải mòn mỏi ngóng đợi động thái từ lãnh đạo TP. Hà Nội và Sở Tài nguyên & Môi trường. Đã gần 3 tháng trôi qua kể từ khi nhận được văn bản xin ý kiến chỉ đạo của huyện Từ Liêm, đến lúc này (5/10/2012), TP. Hà Nội vẫn chưa đưa ra bất cứ văn bản nào với nội dung đề ra phương hướng giải quyết những quyền lợi chính đáng của các hộ dân cư nơi đây.

Trong lúc các cơ quan chức năng vẫn “bình chân như vại”, các hộ dân ở tổ 14 thị trấn Cầu Diễn tiếp tục phải gặm nhấm nỗi gian truân mang tên sổ đỏ ngay giữa Thủ đô.
 
Trước lời kêu cứu của hàng ngàn hộ dân đang sống tại các khu tái định cư trên địa bàn TP. Hà Nội, cuối tháng 9/2012, Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã lập đoàn giám sát làm việc với Công ty Quản lý và Phát triển nhà về quyền lợi của các hộ dân thuộc diện tái định cư, đặc biệt là mong muốn được cấp giấy chứng nhận QDSĐ đối với ngôi nhà đang sở hữu. Lãnh đạo Công ty Quản lý và Phát triển nhà thừa nhận hiện có khoảng 4000 căn hộ/gần 10.0000 căn hộ đã được bàn giao cho người dân chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Theo giải thích của Công ty Quản lý và Phát triển nhà, nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ là do các quận, huyện thụ lý giải quyết hồ sơ còn chậm chạp, việc xác định phần diện tích sử dụng chung và riêng chưa rõ ràng.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương