Hà Nội:

Hàng loạt “uẩn khúc” tại dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình

(Dân trí) – Mặc dù Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra TP.Hà Nội kết luận: Dự án công viên hồ điều hòa Hạ Đình quy hoạch không đúng sự thật và đề nghị quận Thanh Xuân điều chỉnh phù hợp. Song, lãnh đạo quận này vẫn “phớt lờ” chỉ đạo trên khiến dư luận bất bình.

13 năm vẫn treo lơ lửng...
 
Dự án công viên cây xanh, hồ điều hòa Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) được khởi động cách đây 13 năm, nhưng đến nay vẫn “treo” lơ lửng. Gần đây UBND quận lại cho phép lấp hơn 3.000m2 hồ để mở đường ven hồ rộng 17,5m gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của hàng trăm hộ dân đang sinh sống ổn định trong khu vực này. 13 năm nay cuộc sống của các hộ dân nơi đây “treo” theo “dự án treo” khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn cùng, trong đó không ít các gia đình quân nhân đã phục vụ trong quân đội hơn nửa đời người.

Theo quy hoạch sử dụng đất quận Thanh Xuân năm 1999 thì tỷ lệ sử dụng là 1/2000, theo đó trên địa bàn phường Hạ Đình có công viên cây xanh, hồ điều hòa. 2 năm sau dự án công viên hồ điều hòa Hạ Đình được khởi động. Tuy nhiên, dự án vừa “ló” ra đã phải “co” lại do có quá nhiều bất cập trong quá trình “lập dự án” gây bức xúc cho những người trong cuộc, khiến dư luận bất bình.

Trước vụ việc trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đã vào cuộc, tại kết luận thanh tra số 542/KL-TTr ngày 21/12/2007 của Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ: Không kiểm tra thực tế, ngày 19/02/2002, Văn phòng KTS trưởng Thành phố có công văn 206/KTST-QH xác nhận “vị trí mà BQLDA đề nghị giới thiệu địa điểm hiện là đất trống và hồ thuộc địa bàn phường Hạ Đình”.

Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị UBND TP. Hà Nội: Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 quận Thanh Xuân theo quy định tại Luật xây dựng và nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ trước khi cho phép tiến hành phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án. UBND quận Thanh Xuân ban hành văn bản thông báo về việc hủy bỏ các nội dung trái với quy định của pháp luật tại văn bản số 61/UB-ĐCNĐ, ngày 4/2/2002.

Tuy nhiên, UBND quận Thanh Xuân vẫn “phớt lờ” chỉ đạo trên, sự việc đã được Thanh tra Bộ xây dựng và Thanh tra TP. Hà Nội “cầm tay chỉ việc” nhưng lãnh đạo quận vẫn “im hơi lặng tiếng” trước những bất cập nghiêm trọng này.

Hàng loạt “uẩn khúc” tại dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình - 1

Trong khi con đường chính là phố Hạ Đình với chiều rộng chỉ khoảng 7m, không có vỉa hè,...
Hàng loạt “uẩn khúc” tại dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình - 2
Thì ngách cụt này lại được UBND quận Thanh Xuân mở rộng 17,5m, dài trên 350m,... khiến dư luận bất bình

Hàng loạt “uẩn khúc” tại dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình - 3
Hàng loạt “uẩn khúc” tại dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình - 4
Theo đó, những ngôi nhà kiên cố như thế này sẽ bị phá dỡ gây tổn hại nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân đã sinh sống ổn định nhiều năm tại khu vực này

Tiếp đó, ngày 22/12/2008, Thanh tra TP. Hà Nội có kết luận số 1375 nêu rõ: “Ban QLDA công viên hồ điều hòa Hạ Đình phản ánh sai sự thật, gây bức xúc, khiếu kiện trong quần chúng nhân dân,…”. Trên thực tế khu vực đất được xác định thực hiện Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình đã có khoảng 350 hộ dân đang sinh sống nhưng BQLDA quận Thanh Xuân, Sở Quy hoạch – Kiến trúc chỉ căn cứ trên bản đồ quy hoạch nên cho rằng đây là “đất trống và hồ”.

Dự án công viên hồ điều hòa Hạ Đình với quá nhiều bất cập, vô lý nhưng không hiểu bằng cách nào lãnh đạo quận Thanh Xuân lại được sự chấp thuận của UBND TP. Hà Nội? Cụ thể, ngày 28/9/2009 UBND TP. Hà Nội lại có công văn số 9291, đồng ý đề nghị lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên hồ điều hòa Hạ Đình mà “quên” mất kiến nghị của Thanh tra Bộ Xây dựng (Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị UBND TP. Hà Nội: Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 quận Thanh Xuân theo quy định tại Luật xây dựng và nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ trước khi cho phép tiến hành phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án).

Biến khu dân cư với hơn 350 hộ dân đang sinh sống ổn định thành khu “đất trống và hồ”, UBND quận Thanh Xuân “lập lờ che mắt” thành phố “quyết” thực hiện bằng được dự án “cải tạo đường và thoát nước ven hồ”.  Theo đó, cuối tháng 9/2011 các hộ dân nơi đây lại nhận được Thông báo số 112/TB-UBND ngày 4/6/2011 của UBND quận Thanh Xuân về việc công bố chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án cải tạo và thoát nước ven hồ,…

Hàng loạt “bất cập” trong dự án “treo”

Sau hàng loạt công văn đề nghị của Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ, ngày 29/9/2011 UBND TP. Hà Nội ra công văn số 8308/UBND-BTCD do ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội ký yêu cầu UBND quận Thanh Xuân rà soát, kiểm tra nội dung đơn thư tố cáo liên quan đến dự án "cải tạo đường và thoát nước ven hồ Hạ Đình". Tuy nhiên, lại một lần nữa UBND quận Thanh Xuân "quên" chỉ đạo của Thành phố, mọi việc vẫn "giậm chân tại chỗ" mặc cho dân kêu, mặc thành phố chỉ đạo, mặc kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Thành phố,...

Chiều 3/2/2012, PV Dân trí đã mục sở thị khu vực hồ Hạ Đình, đập vào mắt chúng tôi là cảnh mặt hồ đã và đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Tại khu vực dự kiến làm đường ven hồ đã có hàng chục khu đất được phân lô, xây móng chìm dưới long hồ, trong đó có cả những căn nhà cấp 4 đã được xây hoàn thiện, bỏ hoang.  Góc bên phải của hồ cả một dẫy phố “mọc lên” sầm uất. Điều đáng nói ở đây, trên khu vực lấn chiếm ven hồ một ngôi nhà xây dựng trái phép lại được trưng dụng thành “Câu lạc bộ cụm dân cư 3B”, treo biển UBND phường Hạ Đình khiến dư luận hoài nghi ?.

Lý do thu hồi đất được UBND quận Thanh Xuân đưa ra là để làm đường mới rộng 17,5m, điểm đầu nối vào phố Hạ Đình thay cho ngách 101, ngõ 342 đường Khương Đình có nơi hẹp nhất là 4m. Trong khi đó đường Hạ Đình chỉ rộng 6 - 7m, không có vỉa hè.

Điều dễ nhận thấy ở đây là sự vô lý đến khó tả, tại sao lại mở đường ngách rộng gấp gần 3 lần so với đường phố chính? Dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng những người đưa ra quyết sách này không nhằm mục đích chung?

Hàng loạt “uẩn khúc” tại dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình - 5
Tại khu vực ven hồ các khu phân lô đã được chủ nhân xây móng chìm "giữ chỗ" từ lâu. Một câu hỏi được đặt ra, phải chăng chính quyền địa phương đồng thuận với việc làm này?

Hàng loạt “uẩn khúc” tại dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình - 6

Và những ngôi nhà lấn chiếm trái phép ven hồ vẫn ngang nhiên hoàn thiện mà không bị phá dỡ?
Hàng loạt “uẩn khúc” tại dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình - 7
Thật xót xa khi mặt hồ Hạ Đình bị "xẻ thịt" vô số...!

Theo các hộ dân sống quanh khu vực hồ: Thực chất con đường của dự án là đường cụt không tiếp giáp với bất cứ một con đường nào trong khu vực, không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế, không phục vụ giao thông, kinh doanh, du lịch. Phá dỡ nhà của hàng chục hộ dân có nhà kiên cố gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, tổn hại cho các hộ dân.

Điều đáng nói hơn là trước đó vài năm, thay vì xây dựng trường tiểu học Hạ Đình tại khu đất thuộc số nhà 70b, ngõ 342 thì không hiểu vì lý do gì khu đất đó lại cho công ty Động Lực thuê để kinh doanh. Thay vào đó, UBND quận lại cho san lấp gần 11.000m2 đất để xây dựng trường tiểu học Hạ Đình.

Nếu dự án “cải tạo đường và thoát nước ven hồ” được thực hiện thì lại có thêm 3.000m2 mặt hồ được san lấp, như vậy tính sơ sơ hồ Hạ Đình cũng bị “xẻ thịt” đến 14.000m2.

Theo ông Phạm Khắc Kiệm, nguyên sĩ quan Cục quân khí thì để bảo vệ hồ chỉ cần có một dự án không mấy tốn kém là kè hồ, làm đường 3 – 4m để đi bộ ven hồ, giải tỏa dứt điểm các hộ lấn chiếm. Còn việc thu hồi tới 3.000m2 mặt hồ và đất của hàng trăm hộ dân để làm đường ngách rộng tới 17,5m thì quá tốn kém và vô lý.

Có thể nói, chủ trương xây dựng cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ cho lợi ích công cộng, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân là việc làm đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, việc chọn vị trí quy hoạch sao cho hợp lý, tiết kiệm là vấn đề cần phải đặt ra.

Thiết nghĩ việc quy hoạch hồ Hạ Đình cần được tham khảo, lắng nghe ý kiến người dân, tôn trọng các quy định của pháp luật cũng như vì lợi ích chung, tránh làm cuộc sống người dân bị đảo lộn, ngân sách phải tốn kém. Việc xóa bỏ một khu dân cư đã sinh sống ổn định nhiều năm, phá hủy hàng trăm ngôi nhà có trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng cho việc tái định cư là hết sức lãng phí. UBND TP. Hà Nội cần xem xét lại tính khả thi của dự án và chỉ đạo giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân liên quan đến dự án trên.

Bài và ảnh: Thu Hà



Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm