Hà Nội:

Hàng loạt hộ dân bị thu hồi đất kiến nghị được xem xét lại mức giá đền bù

(Dân trí) - Bị thu hồi đất nông nghiệp để bàn giao cho Công ty CP Tập đoàn SSG xây dựng trường học chất lượng cao Mùa Xuân nhưng chỉ được áp mức giá đền bù khoảng 1,5 triệu/m2, hàng loạt người dân tại phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) không đồng thuận, khiếu nại suốt nhiều năm nay.

Thu hồi 1m2 đất nông nghiệp đền bù khoảng 1,5 triệu, người dân không đồng tình

Báo Dân trí nhận được đơn kiến nghị của tập thể các hộ dân tại phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) cho biết: “Từ năm 2010, UBND quận Long Biên đã ban hành các văn bản, gửi đến các hộ gia đình có đất nông nghiệp (được cấp theo Nghị định 64) tại tổ 17, phường Bồ Đề nhằm thu hồi đất để giao cho Công ty cổ phần tập đoàn SSG xây dựng trường học chất lượng cao Mùa Xuân. Chúng tôi được biết đây là dự án vốn ngoài ngân sách do Công ty cổ phần tập đoàn SSG làm chủ đầu tư, nguồn vốn do nhà đầu tư chi trả. Nhà đầu tư tự bố trí kinh phí và thu hồi vốn bằng hình thức sản xuất kinh doanh”.

Các hộ dân cho biết: Hiện nay, UBND quận Long Biên đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Mức giá áp đền bù khi thu hồi đất nông nghiệp của họ khoảng 1,5 triệu đồng/m2 khiến người dân không đồng tình.

Hàng loạt hộ dân bị thu hồi đất kiến nghị được xem xét lại mức giá đền bù - 1

Khu đất nông nghiệp của người dân dự kiến bị thu hồi.

Chia sẻ với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Lộc (52 tuổi), trú tại tổ 15, phường Bồ Đề cho biết, năm 2000 - 2001, gia đình bà được UBND huyện Gia Lâm (nay là quận Long Biên) giao mấy trăm mét đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP để trồng hoa màu. Gia đình bà còn nhận thầu thêm của một số gia đình khác khoảng 1.000m2 đất ruộng để canh tác để trồng rau. Bà Lộc bày tỏ, dù ở ngay quận Long Biên nhưng kinh tế gia đình hầu như phụ thuộc vào hoạt động sản xuất nông nghiệp canh tác trên khu đất ruộng này.

“Thông báo của chính quyền địa phương cho biết đất của chúng tôi bị thu hồi với giá đền bù được hơn 1,53 triệu đồng mỗi m2 và không thấy tiền hỗ trợ giải quyết việc làm khi thu hồi đất. Không biết với số tiền ấy ở ngay thủ đô, mất đất sản xuất, chúng tôi sống bằng gì?”, bà Lộc nói.

Anh Nguyễn Đức Thọ (38 tuổi), trú tại số 349 đường Lâm Du, phường Bồ Đề đang sử dụng phần đất nông nghiệp đứng tên mẹ anh là bà Bùi Thị Vân. Anh Thọ, người đại diện cho hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất đi khiếu kiện suốt nhiều năm nay, cho biết: “Ưu tiên phát triển giáo dục là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước và chúng tôi hoàn toàn đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, đây là dự án mang tính chất kinh doanh thương mại do đó, người dân chúng tôi cho rằng việc đầu tư dự án, thu hồi đất, mức giá đền bù giải phóng mặt bằng phải được sự đồng ý và thoả thuận với người dân”.

Các bên liên quan nói gì?

Liên quan đến sự việc khiếu nại kéo dài của người dân, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn SSG đã có buổi làm việc với PV Dân trí.

Hàng loạt hộ dân bị thu hồi đất kiến nghị được xem xét lại mức giá đền bù - 2

Hàng loạt hộ dân bị thu hồi đất kiến nghị được xem xét lại mức giá đền bù.

Đại diện công ty này cho biết, ngày 30/3/2017, Tổng cục quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) đã có Công văn số 521/TCQLĐĐ - CSPC do ông Chu Hồng Sơn, Phó vụ trưởng Vụ chính sách và pháp chế gửi công ty hướng dẫn áp dụng luật đất đai năm 2013 khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân.

Công văn cho biết: Theo nội dung công văn số 01/CV-2017/SSG ngày 13/3/2017, UBND quận Long Biên ban hành quyết định số 114/QĐ-UBND quyết định Công ty cổ phần tập đoàn SSG là đơn vị trúng thầu và được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện và đang gặp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật đối với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Theo quy định tại khoản 60 điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai thì đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013 mà đã lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư trước ngày 1/7/2014, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì UBND cấp tỉnh tổng hợp vào danh mục dự án cần thu hồi đất để trình HĐND thông qua trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất. Trình tự, thủ tục thu hồi đất thực hiện theo quy định tại điều 69 của Luật Đất đai.

Từ đó, Tổng cục Quản lý Đất đai đề nghị Công ty cổ phần tập đoàn SSG báo cáo UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan có liên quan tổng hợp vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để triển khai việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Đại diện Công ty cổ phần tập đoàn SSG cho rằng chính công ty cũng đang bị thiệt thòi do dự án bị đình trệ kéo dài không thể triển khai được vì sự bất cấp của các quy định pháp luật.

UBND quận Long Biên cũng đã có công văn do ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch ký gửi Báo Dân trí cho rằng: “Dự án này thuộc đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường: Sau khi nhà đầu tư trúng thầu được UBND thành phố quyết định cho thuê đất hoặc giao đất, Sở Tài chính sẽ phối hợp cùng các ngành có liên quan xác định nghĩa vụ tài chính về đất, xác định đối tượng áp dụng chính sách khuyến khích xã hội hoá theo quy định.

Hàng loạt hộ dân bị thu hồi đất kiến nghị được xem xét lại mức giá đền bù - 3

Sổ đỏ cấp cho đất của các hộ dân.

Như vậy, sau khi triển khai xong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và hoàn tất thủ tục được UBND thành phố quyết định cho thuê đất hoặc giao đất sẽ xác định đối tượng được áp dụng chế độ, chính sách khuyến khích xã hội hoá theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ”.

Cùng đó, ngày 30/5/2017, Sở TN&MT TP Hà Nội có công văn gửi ông Nguyễn Đức Thọ, người thay mặt các hộ dân bị thu hồi đất đề nghị Công ty cổ phần tập đoàn SSG phải thoả thuận bồi thường với người dân.

Sở TN&MT TP Hà Nội cho rằng: “Dự án xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và các Nghị định hướng dẫn thi hành.

Theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, dự án Xây dựng trường trung học phổ thông chất lượng cao Mùa Xuân không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất”.

Tuy nhiên, theo Sở TN&MT TP Hà Nội, do áp dụng khoản 60 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ thì dự án này lại thuộc đối tượng thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2003 do đã có Quyết định lựa chọn nhà đầu tư vào ngày 17/4/2012 (trước ngày 1/7/2014, thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành”.

Trước trả lời của Sở TN&MT TP Hà Nội, ông Thọ bày tỏ sự không đồng ý: “Như vậy, rõ ràng là các hộ dân chúng tôi bị thiệt thòi. Áp theo luật Đất đai năm 2013 thì doanh nghiệp này đã phải thoả thuận đền bù với người dân bị thu hồi đất. Mà qua hướng dẫn Nghị định thi hành, chúng tôi không được quyền này. Về mặt bản chất thì chúng tôi bị buộc phải giao đất cho doanh nghiệp kinh doanh với giá quá rẻ mạt”.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật, Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Các cấp chính quyền TP Hà Nội và quận Long Biên cần xem xét lại mức đền bù cho người dân bị thu hồi đất vì mức giá này đã không còn phù hợp với thực tế.

Chính Sở TN&MT TP Hà Nội đã cho biết rằng nếu áp theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, dự án Xây dựng trường trung học phổ thông chất lượng cao Mùa Xuân không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất.

Ngay cả quyết định của Sở TN&MT TP Hà Nội cho rằng căn cứ khoản 60 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP để xác định dự án này thuộc đối tượng thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2003, tôi nghĩ cũng cần xem xét lại bởi vì, theo quy định tại Khoản 1, Điều 40, Luật Đất đai năm 2003 về việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế đã quy định như sau: “Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ”.

Nếu theo Luật Đất đai năm 2003 quy định như trên thì chỉ những dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ mới thuộc trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế và Nhà nước thu hồi đất theo quy định”.

Anh Thế