Hàng chục người chết cháy trong một tuần, có phải vì "nhà ống, chuồng cọp"?
(Dân trí) - Nhà nào cũng kín cổng cao tường, nhà nọ với nhà kia không có nổi một khoảng trống. Phần vì lo sợ trộm cắp nên khi xây nhà phải rào thật kỹ, đến tầng tum còn được hàn khung sắt không còn lối thoát.
Một tuần qua, người dân ở hai thành phố lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội liên tiếp đón nhận những thông tin đau lòng: hơn 10 người đã thiệt mạng do cháy nhà, cụ thể: tại Thành phố Hồ Chí Minh vào rạng sáng 30/3 căn nhà cấp 4 ở phường Cát Lái (Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) bốc cháy, vụ cháy không quá lớn nhưng hậu quả khiến 6 người trong một gia đình thiệt mạng.
Còn tại Hà Nội, vào khoảng 0h25, ngày 4/4/2021, căn nhà 311 phố Tôn Đức Thắng, (phường Hàng Bột, Quận Đống Đa, Hà Nội) bốc cháy gây hậu quả nghiêm trọng khiến cho 4 người trong một gia đình thiệt mạng.
Có một đặc điểm chung là hai căn nhà bị cháy đều là những căn nhà bịt bùng, chỉ có duy nhất 1 lối thoát chính là cửa chính ra vào. Căn nhà số 311 Tôn Đức Thắng là dạng nhà ống, kín như "chuồng cọp". Khi xảy ra cháy, nhiều người dân sinh sống gần đó đã phải hiện ra, một mặt họ báo ngay cho lực lượng chức năng, một mặt tìm cách để giải cứu những người đang mắc kẹt trong những căn nhà đó.
Ngay cả khi lực lượng chức năng có mặt với những trang thiết bị chữa cháy hiện đại để dập tắt đám cháy, họ cũng mất hàng giờ đồng hồ mới có thể tiếp cận được hiện trường bên trong. Khi đó thảm kịch đã xảy ra, những người sinh sống bên trong căn nhà đó đều đã tử vong.
Bà hỏa đã cướp đi sinh mạng của họ, từ người lớn tuổi đến trẻ nhỏ, thậm chí cả sinh linh bé bỏng đang hình thành trong bụng của người mẹ. Một cảnh tượng thật kinh khủng, khiến cho nhiều người không muốn hình dung đến khi sự việc xảy ra!
Dân cư đông đúc, đất đai đắt đỏ và chật hẹp, khắp các thành phố lớn đâu đâu cũng thấy nhà mặt đất xây theo hình ống. Ban công hay trần nhà đều được quây kín bởi những khung sắt hàn chắc chắn, không có nhiều gia đình liệu trước được khi chẳng may có hỏa hoạn xảy ra để chuẩn bị sẵn một lối thoát cho gia đình.
Tại những chung cư cũ, đâu đâu cũng thấy "chuồng cọp", phần vì an toàn cho trẻ nhỏ, phần vì lo trộm cắp hoành hành mà những khung sắt, "chuồng cọp" lại biến thành kẻ hậu thuẫn cho "bà hỏa" khi xảy ra cháy. Tang tóc, đau thương thấu tim gan, khi những chúng ta phải nhìn thấy cảnh tượng người mẹ bất lực ôm con cùng chết.
Chủ quan hay khách quan có lẽ không còn quan trọng nữa khi mà họ đều đã mất, nỗi đau thì để lại cho người thân còn sống. Qua những vụ việc đau lòng này, những người đang sống hiện tại trong những căn nhà kiểu như vậy có rút ra được bài học, có chú tâm đến việc tạo cho gia đình mình những lối thoát khi chẳng may nhà bị cháy.
Nhiều độc giả Báo Dân trí cũng đã có sự nhìn nhận, đánh giá về vụ việc đau lòng này.
"Tôi thấy nhà nào cũng kín cổng cao tường, phần là do diện tích để xây nhà quá nhỏ, san sát nhau, nhà nọ với nhà kia không có nổi một khoảng trống. Phần vì lo sợ trộm cắp nên khi xây nhà phải thật chắc chắn mới yên tâm. Đến tầng tum mà cũng hàn kín thì sao có lối thoát hiểm".
"Khi xây tầng tum, làm hàng rào sắt họ không thiết kế lấy một cái cửa để khi có sự cố xảy ra còn có lối thoát. Theo tôi khi hàn khung sắt tầng tum nên tạo một cánh cửa sau đó khóa lại từ bên trong. Mỗi thành viên trong gia đình đều phải biết đến cánh cửa này, chìa khóa có thể để ở những chỗ dễ lấy, hoặc chia ra mỗi người cầm một chiếc. Khi có hỏa hoạn xảy ra ai gần nhất có thể mở cánh cửa này để cứu mình và những thành viên khác trong gia đình. Cháy thường xảy ra ở tầng 1, mọi người hô hào nhau lên tầng thượng mở cửa kêu cứu".
"Tôi thấy ý thức phòng cháy chữa cháy của người dân chưa cao nên mới dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như vậy. Chúng ta cũng có những quy định về mật độ xây dựng và việc phòng cháy chữa cháy. Nhưng thực tế, có rất nhiều nơi xây dựng đúng bản vẽ, xin phép rồi, khi thi công lại tự ý cơi nới, phủ kín diện tích đất. Khi có biến cố xảy ra, người bên ngoài muốn tiếp cận để ứng cứu cũng không thể. Hãy tự cứu mình trước khi nghĩ đến đợi người khác đến cứu. Chia buồn với sự mất mát, đau thương quá lớn như vậy!".
"Tôi thấy hầu hết các ngôi nhà trên phố, đều chú trọng đến vấn đề chống trộm mà không tính đến hoặc coi thường chuyện thoát hiểm khi có hỏa hoạn xảy ra. Nhà ống, được xây dựng từ hàng chục năm về trước, điện đóm loằng ngoằng, chưa kể đến những gia đình kinh doanh buôn bán những mặt hàng dễ cháy nổ. Bản thân tôi cũng không ít lần có những góp ý với một số gia đình về chuyện này nhưng có vẻ họ không quan tâm, để ý cho lắm. Cháy nhà thường hay xảy ra vào ban đêm, lúc mọi người đang ngủ say, đây cũng là nguyên nhân làm cho hậu quả thảm khốc đến vậy. Không rõ sau những vụ cháy khiến cả gia đình chết như thế này mọi người có nâng cao ý thức về phòng chống cháy nổ tại gia đình lên không".
Rõ ràng, không ai mong muốn những câu chuyện đau thương như thế xảy ra, thiên tai địch họa là không thể biết trước nó sẽ đến vào lúc nào. Tuy nhiên, việc lường trước mọi việc sẽ xảy ra là có thể, để mọi người, mọi gia đình buộc phải đề phòng và tự nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy tại nhà.
Chủ động tạo lối thoát hiểm là cách tự mình cứu mình trước. Khi có hỏa hoạn, những người sống xung quanh cũng như lực lượng chức năng sẽ dễ dàng tiếp cận được hiện trường, chắc chắn tổn thất sẽ không nặng nề như vậy.