Hàng chục lao động "tố" bị lừa khi tham gia đào tạo đi XKLĐ: Nữ giám đốc nói gì?
(Dân trí) - Bà Trần Thị Thu cho rằng thông tin “bao đậu tiếng, bao tay nghề” là do cộng tác viên tư vấn cho người lao động, không phải là chủ trương của công ty. Việc học tiếng của các lao động bị gián đoạn là do các học viên này ý thức kém, thường xuyên bỏ học.
Giám đốc phủ nhận nội dung tố cáo của các học viên
Liên quan đến các nội dung tố cáo của 21 học viên tham gia đào tạo để đi lao động ở Hàn Quốc, PV Báo Dân trí đã có buổi làm việc với bà Trần Thị Thu – Giám đốc Công ty TNHH hệ thống giáo dục quốc tế Future Nghệ An (gọi tắt là Công ty Future Nghệ An). Bà Thu bị tố cáo không thực hiện đúng thỏa thuận và có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng của 21 người này. Các học viên đã cố gắng liên lạc yêu cầu bà Thu giải quyết, hoàn trả lại số tiền trên nhưng không được.
Tại buổi làm việc, bà Thu phủ nhận toàn bộ nội dung tố cáo của các học viên. Theo bà giám đốc, các học viên này thuộc đơn hàng visa D3 (đào tạo và sản xuất) chứ không thuộc diện lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc. Sau khi được đào tạo tiếng (tương đương với trình độ Topick 2), trình độ tay nghề cơ bản sẽ được phía đối tác từ Hàn Quốc sang trực tiếp phỏng vấn, kiểm tra mà không cần phải cấp chứng chỉ.
Sau khi sang Hàn Quốc, các lao động này tiếp tục được đào tạo tiếng, học nghề tại xưởng đóng tàu của Tập đoàn Huyndai. Sau hai năm, nếu đạt yêu cầu, sẽ được chuyển lên diện kỹ sư, được hưởng mức lương khác và đổi sang Visa E7-1. Nếu không đạt yêu cầu sẽ trả về nước.
Bà Thu khẳng định giữa công ty bà và phía đối tác có hợp đồng cụ thể làm cơ sở để tổ chức tuyển, đào tạo và cung ứng số học viên này. Tuy nhiên, khi PV đề nghị được tiếp cận văn bản này, bà Thu cho biết đã nộp cho phía công an. Sau đó, nữ giám đốc này lại bảo, cần phải hỏi ý kiến của đối tác rồi mới có thể cung cấp được.
Bà giám đốc cũng phủ nhận thông tin “bao” đậu tiếng, “bao” chứng chỉ mà các học viên phản ánh trước đó. “Các học viên này đều do một cộng tác viên là người thân của nhân viên công ty mang đến. Việc bao đậu là do bạn CTV này tư vấn khiến học viên nhầm lẫn. Hàn Quốc là một thị trường khó tính, bên đó họ trực tiếp phỏng vấn, đánh giá nên không có chuyện “bao” đậu được. Tôi cũng đã nói với các học viên nhiều lần nhưng tư tưởng này đã ăn sâu vào đầu óc của các bạn. Nhiều học viên có ý thức kém, tự ý bỏ học, thậm chí còn tổ chức ăn nhậu tại trung tâm”.
Các học viên theo chương trình visa D3 sang Hàn Quốc phải đảm bảo yêu cầu có bằng tốt nghiệp THPT, độ tuổi từ 18-40. Tuy nhiên, có 1 học viên chưa đủ tuổi, bà Thu cho biết “đã có kế hoạch, đợi đủ tuổi sẽ xuất cảnh nếu đạt yêu cầu”. Đối với 1 học viên chưa có bằng THPT, bà Thu cho rằng bản thân mình không nắm được và bà cũng phủ nhận thông tin “bao bằng tốt nghiệp THPT” như học viên này phản ánh.
Tuy nhiên, xác nhận với chúng tôi, nữ giáo viên trực tiếp dạy tiếng Hàn cho các học viên này từ tháng 4/2019 đến cuối tháng 5/2019 khẳng định: Các học viên đã lớn tuổi nên khả năng tiếp thu không được nhanh như các bạn trẻ. Tuy nhiên, các học viên này đều có ý thức học tập, chăm chú, chịu khó và có tiến bộ theo thời gian.
“Khi có lịch đối tác sang test tiếng nhưng hẹn 2-3 lần không thấy, thời điểm đó cũng có thông tin công ty không đưa được người đi Hàn Quốc thì tinh thần của các học viên mới bắt đầu sa sút, giao động”, giáo viên này cho biết.
Có hay không việc công an ngăn cản bà Thu gặp các học viên?
Các học viên thông tin, bà Trần Thị Thu đã hẹn gặp họ vào chiều ngày 2/7. Nghĩ rằng công ty sẽ giải quyết quyền lợi và trả lại tiền cho mình, nhiều người vượt gần 100km từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sang Nghệ An. Tuy nhiên, trưa ngày 2/7, bà Thu nhắn tin dời thời gian làm việc với lí do “công an không cho gặp” và đổ lỗi tại các học viên “báo với công an nên công an không cho gặp”. Bà Thu cũng xác nhận với PV Dân trí về việc công an không cho bà gặp gỡ các học viên (?!).
Về thông tin này, cán bộ điều tra được phân công xác minh nội dung tố cáo của các học viên về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đối với bà Trần Thị Thu, khẳng định với PV Dân trí: Không có chuyện công an không cho bà Thu gặp gỡ các học viên.
“Nếu trong thời gian bà Thu đang làm việc với công an về các nội dung học viên tố cáo thì tất nhiên là không thể đi gặp các học viên. Còn ngoài thời gian làm việc với chúng tôi, việc bà Thu gặp gỡ các học viên để giải quyết các khúc mắc giữa hai bên là chuyện hết sức bình thường, công an không can thiệp”, vị cán bộ này cho hay.
Về yêu cầu hoàn trả số tiền đã đóng của các học viên, bà Thu khẳng định công ty không sai, không vi phạm các điều khoản thỏa thuận giữa hai bên nên sẽ không hoàn trả tiền. “Trước hết chúng tôi sẽ ổn định tư tưởng cho các học viên để hoàn thành chương trình học tiếng, học nghề. Phía công ty cũng sẽ rút kinh nghiệm khi sử dụng CTV để không xảy ra tình trạng CTV tư vấn sai cho người lao động dẫn đến những hiểu nhầm như vừa qua”, bà Thu khẳng định.
Thông tin về thời gian hoạt động của Công ty TNHH hệ thống giáo dục quốc tế Future Nghệ An. Công ty bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2018 nhưng theo bà giám đốc thì số lao động đầu tiên được công ty đưa ra nước ngoài làm việc là từ cuối năm 2017(?).
Để khẳng định công ty mình hoạt động có uy tín, bà giám đốc cho biết đã có 180 lao động được đưa sang nước ngoài làm việc. Nhóm lao động đầu tiên được đưa đi nước ngoài là 30 người, xuất cảnh vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, trên thực tế, công ty này mới được cấp giấy phép và bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2018?
Nội dung tố cáo bà Trần Thị Thu có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các học viên vẫn đang được Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Nghệ An làm rõ.
Vĩnh Khang