Hà Nội:

Hàng chục hộ dân ở thị trấn Đông Anh kêu cứu

(Dân trí) - Đang sinh sống ổn định trên khu nhà được Công ty đường 126 phân cho cán bộ từ hàng chục năm, 14 hộ dân ở thị trấn Đông Anh sắp rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” và liên tục bị đe dọa do những dấu hiệu sai phạm của giám đốc Công ty.

Trong lá đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến báo Dân trí, 14 hộ dân với hàng chục nhân khẩu đang sống tại khu tập thể Công ty đường 126, trực thuộc Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông, ở tổ 22 thị trấn Đông Anh phản ánh việc Giám đốc Công ty Nguyễn Đại Liêm tự ý mang cầm cố tài sản tại ngân hàng sai nguyên tắc, yêu cầu quan thu nợ phát mãi tài sản đẩy các hộ gia đình sống tại đây đối mặt cảnh “màn trời chiếu đất”. Không ai được hưởng chế độ tái định cư hoặc được đền bù đất và tài sản, dù tất cả đã oằn lưng góp nhặt những khoản thu nhập ít ỏi để sửa chữa nhà suốt nhiều năm qua.
 
Hợp đồng thuê đất quy định rõ không được mang đi cầm cố, chuyển nhượng
Hợp đồng thuê đất quy định rõ không được mang đi cầm cố, chuyển nhượng

Theo trình bày của các hộ dân, khu tập thể Công ty được hình thành từ những năm 1984 khi lãnh đạo Công ty dành ra hơn 1000m2 để phân cho cán bộ công nhân làm việc tại đây. Năm 1996, Sở Địa chính TP. Hà Nội quyết định cho Công ty 126 thuê đất thời hạn 20 năm, dựa trên đề nghị của lãnh đạo Công ty. Ngày 12/7/1996, Sở Địa chính và Công ty đã hoàn tất việc ký kết hợp đồng thuê đất số 145 -245/ĐC-NĐ-HĐTĐ.

Điều 2 Hợp đồng thuê đất nêu rõ, khi Nhà nước thu hồi một phần hoặc toàn bộ diện tích thuê đất để thực hiện quy hoạch phát triển đô thị thì phải bàn giao lại mặt bằng và được hưởng đền bù theo quy định của nhà nước ban hành.

Khoản 1 Điều 3 hợp đồng thuê đất quy định rõ: Trong thời gian thực hiện hợp đồng thuê đất, bên thuê không được chuyển giao quyền sử dụng khu đất cho tập thể hoặc cá nhân khác dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được cơ quan có thẩm quyền của Nha nước cho phép.
 
Hợp đồng cầm cố tài sản của ông Liêm bị tố vi phạm pháp luật
Hợp đồng cầm cố tài sản của ông Liêm bị "tố" vi phạm pháp luật
 
Sau khi hoàn tất hợp đồng thuê đất, lãnh đạo Công ty đường 126 tiếp tục phân nhà tập thể thêm cho một số hộ gia đình là cán bộ công nhân viên của công ty. Do khu nhà cũ dột nát xuống cấp, các hộ dân đã phải bỏ ra nhiều lần kinh phí tu sửa mới có thể sử dụng những năm qua.

Năm 2004, ông Nguyễn Đại Liêm được bổ nhiệm đảm nhận chức vụ Giám đốc Công ty 126. Kể từ đây, Công ty bắt đầu rơi vào cánh sa sút, làm ăn thua lỗ, Công ty không lo đủ việc cho cán bộ công nhân viên buộc mọi người phải xin nghỉ không lương để tim kiếm công việc làm thêm bên ngoài.

Dù phần đất Công ty sử dụng đang đi thuê và được quy định rõ không được chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp. Tuy nhiên, ngày 9/6/2004, Giám đốc Nguyễn Đại Liêm đã làm hợp đồng cầm cố thế chấp toàn bộ 5400m2 để vay 1 tỷ đồng từ Ngân hàng Công thương chi nhánh Đông Anh.
 
Khu tập thể Công ty 126 bị đập phá tan hoang
Khu tập thể Công ty 126 bị đập phá tan hoang
 
Ngày 5/11/2010, Giám đốc Công ty đường 126 ra quyết định đòi nhà đối với 14 hộ dân đang sinh sống ổn định trên phần đất khu tập thể đã được các cơ quan chức năng phê duyệt từ năm 1984 với lý do Công ty làm ăn thua lỗ. Theo phản ánh của các hộ dân, ông Liêm yêu cầu tất cả ra khỏi nhà vào ngày 25/11/2010 để Công ty lo trả nợ. Theo tìm hiểu, lúc này Ngân hàng Công thương chi nhánh Đông Anh đã chuyển khoản nợ của Công ty Đường 126 cho Công ty Mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp. Sau đó mảnh đất này được định giá chưa đầy 1 triệu đồng/1m2, thấp hơn nhiều lần so với giá thực tế thời điểm bán.
 
Nhà một số hộ dân bị đổ phân và chất ô nhiễm
Nhà một số hộ dân bị đổ phân và chất ô nhiễm

Ông Nguyễn Đại Liêm yêu cầu các hộ gia đình phải trả lại nhà chỉ trong vòng 20 ngày để mời Công ty mua bán nợ vào phát mãi tài sản chi trả khoản vay 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty đường 126 lại không có quỹ đất tái định cư dành cho cán bộ công nhân viên, không thực hiện chế độ bồi thường hỗ trợ nào theo quy định nhà nước. Do không còn nơi ở nào khác, các hộ dân vẫn cố gắng bám trụ lại khu tập thể do các đời lãnh đạo thời kỳ trước giao cho cán bộ công nhân viên.

Khi những quyền lợi của cán bộ chưa được giải quyết, từ ngày 23/12/2011 đến nay (26/9/2012), giám đốc Nguyễn Đại Liêm đã liên tục yêu cầu các hộ gia đình ra khỏi nhà tập thể. Cũng trong thời gian này, đơn vị mua được tài sản tại phiên đấu giá là Công ty Thúy Hùng liên tục có hành động đe dọa, đập phá khu tập thể khiến hàng chục nhân khẩu sinh sống tại đây, trong đó có rất nhiều cụ già và trẻ em cảm thấy hoang mang bất ổn.

Từ tháng 12/2011, Công ty Thúy Hà liên tục cho người vào dỡ nhà, đổ keo 502 vào các ổ khóa, đổ phân, mắm tôm và các chất mất vệ sinh vào nhà các hộ dân và nhiều hành động dã man khác khiến cho nhiều người khiếp sợ. Theo phản ánh của các hộ dân, khi xảy ra những sự việc này các hộ dân đều báo lên Công an thị trấn Đông Anh và chính quyền sở tại, nhưng các hộ dân đều không được “giải cứu”.
 
Đại diện các hộ dân trình bày sự việc tại tòa soạn báo Dân trí
Đại diện các hộ dân trình bày sự việc tại tòa soạn báo Dân trí
 
Sau nhiều lần các hộ dân gửi đơn khiếu nại, ngày 1/8/2012, đoàn Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã đến làm việc với lãnh đạo Công ty đường 126 và các hộ dân đang sinh sống tại khu tập thể. Khi đoàn Thanh tra còn chưa đưa ra kết luận cuối cùng, 14 hộ dân với hàng chục nhân khẩu tại đây vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng đến tinh thần và sức khỏe.
 

Trao đổi tại tòa soạn báo Dân trí ngày 25/9/2012, đại diện các hộ dân khẩn thiết đề nghị Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan chức năng TP. Hà Nội vào cuộc điều tra làm rõ những sai phạm trong vụ giám đốc Công ty mang tài sản thuê đi thế chấp tại ngân hàng, đồng thời có biện pháp bảo vệ kịp thời các hộ dân thoát khỏi nỗi lo bị đe dọa an toàn và sức khỏe. Đại diện các hộ dân khẳng định sẵn sàng dời đi chỗ khác, nếu Công ty có phương án hỗ trợ ổn định điều kiện ăn ở.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương