Nghệ An:

Hàng chục hộ dân “mỏi mòn” ôm đơn đi “đòi” đất

(Dân trí) - Cho rằng xóm mình “bỗng dưng” mất đi hơn 70.000m2 đất nông nghiệp. Hàng chục hộ dân tại xóm Tân Xuân, xã Giang Sơn Đông (Đô Lương, Nghệ An) đã gửi đơn đi khắp nơi mong “đòi” lại diện tích đất bị mất

Đơn kêu cứu của người dân xóm Tân Xuân gửi tới cơ quan chức năng vào Báo Dân trí.
Đơn kêu cứu của người dân xóm Tân Xuân gửi tới cơ quan chức năng vào Báo Dân trí.

Sau khi bị cắt chức xóm trưởng, ông Hùng viết đơn kêu cứu.
Sau khi bị cắt chức xóm trưởng, ông Hùng viết đơn kêu cứu.

Cả xóm “bị thiệt” hơn 70.000m2 đất

Trong đơn thư gửi báo điện tử Dân trí hàng chục hộ dân tại xóm Tân Xuân, xã Giang Sơn Đông (Đô Lương, Nghệ An) tỏ ra vô cùng phẫn nộ khi toàn xóm bỗng dưng bị mất đi hơn 70.000m2 đất sản xuất sau khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa. 

Thực hiện Chỉ thị số 08 - CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về chủ trương “dồn điền, đổi thửa” để thuận tiện trong quá trình canh tác, theo đó, UBND xã Giang Sơn Tây đã thu hồi toàn bộ số diện tích 221.470m2 của bà con nhân dân tại xóm Tây Xuân. Tuy nhiên, sau đó chỉ giao lại hơn 151.000m2 đất nông nghiệp. Điều khiến nhân dân thêm bất bình là số diện tích đất mới phải nhận của xóm nằm cách xa so với nơi sinh sống của bà con, và được giao cho đất xấu. Còn những diện tích gần, thổ nhưỡng tốt lại được “cắt” cho xóm khác.

Người dân xóm Tân Xuân trình bày sự việc với PV Dân trí.
Người dân xóm Tân Xuân trình bày sự việc với PV Dân trí.

Chị Nguyễn Thị Vân một người dân tại xóm Tân Xuân bức xúc: “Chúng tôi không biết xã đã triển khai công tác dồn điền, đổi thửa như thế nào mà lại cắt mất của nhân dân chúng tôi đến hơn 70.000m2 đất. Ở đây bà con chúng tôi sống được cũng nhờ vào mấy sào lúa đó bây giờ bị cắt đi gần phân nửa thì chúng tôi biết bấu víu vào mà sống nữa”.

Ông Nguyễn Văn Hùng nguyên xóm trưởng xóm Tân Xuân cũng tỏ ra vô cùng bức xúc: “Ngay từ ngày đầu triển khai tôi là xóm trưởng nên được tham gia hội đồng chia đất. Nhưng thấy những điều ngang trái, tôi đã không đồng tình với chủ trương của xã đưa ra. Đất của xóm tôi bị mất đi quá nhiều. Nhân dân không đồng tình. Sau nhiều cuộc họp xóm tiếp thu ý kiến của bà con để kiến nghị lên xã giải quyết nhưng không được giải quyết. Sau đó tôi cũng bị tạm đình chỉ công tác vì không hoàn thành được nhiệm vụ”.

Một người dân xóm Tân Xuân bức xúc.
Một người dân xóm Tân Xuân bức xúc.

Cũng theo ông Hùng: Ngay từ những ngày đầu triển khai bà con nhân dân trong xóm vô cùng đồng tình với tinh thần chung khi thực hiện Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nếu thực hiện Chỉ thị 08 trong quá trình dồn điền đổi thửa sẽ lấy đơn vị xóm làm chuẩn: “Theo đúng tinh thần chỉ thị thì tổng diện tích của bà con nhân dân trong xóm sẽ không thay đổi. Chỉ thay đổi ở 1 số hộ gia đình do phân chia đất tốt, đất xấu và trừ đi số diện tích phục vụ công ích. Tuy nhiên ở đây nhân dân xóm Tân Xuân mất đi quá nhiều. Làm như vậy là không đúng với tinh thần Chị thị 08 của Tỉnh ủy”, ông Hùng lý giải.

Cũng vì “không hoàn thành nhiệm vụ” được giao nên ông Hùng bị tạm đình chỉ chức vụ trưởng thôn của mình. Qúa bức xúc trước cách làm vô lý của UBND xã Giang Sơn Đông và cho rằng hình thức kỷ luật như vậy đối với bản thân là quá vô lý.Ông Hùng đã làm đơn kêu oan gửi các cấp có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Chị Nguyễn Thị Lê ở xóm Tân Xuân cho biết: “Trước kia nhà tôi có trên 5 sào đất lúa. Nhưng bây giờ sau khi chia lại chỉ được nhận có gần 3 sào. Vậy là mất đi phân nửa. Thu nhập của cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào đất đó mà giờ bị cắt đi thì biết lấy gì mà ăn”.

Người dân thấy bất bình nên cũng gửi đơn kêu oan cho xóm trưởng.
Người dân thấy bất bình nên cũng gửi đơn kêu oan cho xóm trưởng.

Trong buổi làm việc với Phóng viên hàng chục hộ dân tại đây còn tỏ ra bất bình khi xã đã chia hơn 20.000m2 đất thuộc vùng Cửa Kho ngay cổng làng, liền kề với khu dân cư xóm Tân Xuân lại được giao cho xóm khác sản xuất. Còn nhân dân dân xóm Tân Xuân lại bị “điều” đi nơi khác xa hơn để sản xuất.

“Vùng đất Cửa Kho thì nhân dân xóm Tân Xuân chúng tôi đã canh tác hàng chục năm nay. Như vậy giao cho nhân dân xóm Tân Xuân sản xuất là “liền canh, liền cư” đúng với chủ trương nhà nước. Nhưng dân chúng tôi lại phải đi nơi khác để làm còn dân xóm khác lại phải lặn lội đến đây sản xuất. Theo tôi như vậy là trái với chủ trương”, anh Nguyễn Trọng Hà một người dân bức xúc.

Anh Nguyễn Văn Hùng - nguyên xóm trưởng trình bày sự việc với PV Dân trí.
Anh Nguyễn Văn Hùng - nguyên xóm trưởng trình bày sự việc với PV Dân trí.

“Xã đã tổ chức vận động theo hình thức áp đặt, vi phạm quy chế dân chủ. Nhân dân chúng tôi không được bàn, không được tham gia. Khi nhân dân có ý kiến thì không được tiếp thu. Phần đất tốt thì được giành cho các vị có chức quyền còn nhân dân lại được nhận những vùng đất xấu. Dẫn đến nhiều sai sót trong quá trình thực hiện. Như vậy nên nhân dân chúng tôi không đồng tình”, chị Nguyễn Thị Nga một hộ dân thuộc diện “mất đất” bất bình.

Dân “tố” bị công an xã dẫm đạp?

Cũng chính chị Nguyễn Thị Nga người đã không đồng tình với chủ trương của xã khi thực hiện chính sách “dồn điền, đổi thửa”. Nên bản thân gia đình chị đã không nhận số diện tích đất được giao mới và vẫn tiến hành sản xuất trên diện tích đất cũ của gia đình mình. Sáng ngày 31/12/2014 khi nhận được thông tin xã đã cắt giao số diện tích đất cũ của gia đình cho một hộ dân khác. Thì chị Nga lập tức đến ruộng cũ, tại đây chị có xảy ra “xô xát” với một số cán bộ, cán bộ công an xã Giang Sơn Đông.

Anh Nguyễn Văn Hùng - nguyên xóm trưởng trình bày sự việc với PV Dân trí.
Chị Nguyễn Thị Lê ở xóm Tân Xuân cho biết: “Trước kia nhà tôi có trên 5 sào đất lúa. Nhưng bây giờ sau khi chia lại chỉ được nhận có gần 3 sào. Vậy là mất đi phân nửa. Thu nhập của cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào đất đó mà giờ bị cắt đi thì biết lấy gì mà ăn”.

Chị Nga nhớ lại: “Hôm đó tôi ra thì bị 5 cán bộ công an xã đến lôi kéo xềnh xệch dưới bờ ruộng. Sau đó tôi bị anh Hưng - Phó công an xã dẫm vào người, rồi bị đánh. Rồi thả tôi nằm ở bờ ruộng. Khi sự việc xảy ra có rất đông người dân chứng kiến nhưng Ban công an xã, UBND xã không lập biên bản mà cứ để tôi đau đớn nằm đấy”.

Cũng theo chị Nga sau đó chị bị thương và phải vào trạm y tế xã điều trị, do tình trạng sức khỏe yếu nên chị tiếp tục được chuyển lên bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương để chạy chữa. Đến bây giờ chị vẫn còn cảm thấy “choáng” và không làm việc nặng được.

Chị Nguyễn Thị Lê người chứng kiến sự việc cho biết: “Khi đó tôi nghe ồn ào vội chạy ra thì thấy chị Nga bị 5 người kéo lôi trên ruộng. Khi chị Nga hô hoán thì bị đạp. Rồi họ để chị Nga ở đấy”.

Đau đớn trước sự việc vừa diễn ra, uất ức trước cách hành xử của cán bộ xã Giang Sơn Đông anh Phan Bá Hùng (chồng chị Nga) đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ sự việc. Đồng thời xử lý nghiêm những người đã “hành hung” vợ mình. Tuy nhiên đến thời điểm này gia đình anh vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Anh Nguyễn Văn Hùng - nguyên xóm trưởng trình bày sự việc với PV Dân trí.
Người dân xóm Tân Xuân bức xúc trước việc làm của xã nên đã gửi đơn đi khắp nơi và mời PV về làm việc

Để làm rõ những tồn tại, bức xúc của bà con nhân dân tại xóm Tây Xuân. Chúng tôi có buổi làm việc với ông Nguyễn Trọng Tuấn - Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Đông. Ông Tuấn cho biết: “Đến thời điểm hiện tại trên toàn xã với tổng số 19 xóm đã cơ bản bàn giao đất cho bà con. Tuy nhiên còn một số hộ tại xóm Tân Xuân vẫn chưa nhận đất. Hiện tại xã cũng đang tập trung giải quyết. Đây là do bà con chưa hiểu chủ trương chính sách của huyện, của xã. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động sâu sát đến từng hộ dân để họ thấy được cái lợi thiết thực lâu dài của chủ trương dồn điền đổi thửa. Từ đó tự giác thực hiện”.

Cũng theo ông Tuấn việc bà con cho rằng mình bị mất đất là hoàn toàn không có: “Diện tích đất xấu đã được quy hoạch trong các vùng đất công ích. Khi thực hiện “dồn điền, đổi thửa” sẽ lấy đơn vị xã làm đơn vị chuyển đổi. Sau khi bình xét hạng đất, trừ đi số diện tích công ích sẽ chia đều theo số khẩu 64. Nên nói nhân dân xóm Tân Xuân mất đất là không đúng”.

Anh Hùng - nguyên xóm trưởng bị tước chức xóm trưởng vì không làm theo xã.
Anh Hùng - nguyên xóm trưởng bị "tước" chức xóm trưởng vì không làm theo xã.

Cá nhân ông Tuấn cũng phủ nhận sự việc chị Nguyễn Thị Nga bị cán bộ xã đánh đập đến nhập viện trong khi ngăn cản không cho thu hồi đất. “Sự việc đó nếu chị Nga bị đánh thật sẽ có cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Nhưng nói cán bộ đánh dân như vậy là không có”, ông Tuấn khẳng định.

Đến thời điểm hiện tại vụ lúa mới đã chuẩn bị được bắt đầu gieo cấy, tuy nhiên do bất bình trước cách làm của xã hàng chục hỗ dân tại xóm Tân Xuân vẫn chưa nhận đất. Đề nghị UBND huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An nhanh chóng xem xét giải quyết dứt điểm những tồn tại thắc mắc của bà con nhân dân tại đây. Xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm. Tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài gây mất ổn định tình hình an ninh trên địa bàn. Để bà con nhân dân yên tâm sản xuất.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Nguyễn Tình - Nguyễn Phê