TPHCM:

Hàng chục hộ dân kêu cứu vì cơ sở xả thải ô nhiễm

(Dân trí) - Dù nằm trong khu dân cư nhưng công ty TNHH Hoa Thư 1 (ấp Tam Tân, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) xả thẳng nước thải và cặn dầu nhớt ra con rạch sát nhà xưởng. Mỗi khi nhà xưởng làm việc thì mùi hôi nồng khắp xóm, khói đen đặc khu dân cư.

Xả chất thải nguy hại ra môi trường

Ngày 18/11, 15 hộ dân sinh sống tại ấp Tam Tân đã có đơn khiếu nại tập thể đến các cơ quan chức năng và báo Dân trí về việc sản xuất trái phép gây ô nhiễm môi trường của công ty Hoa Thư 1.

Theo đơn thư này, các hộ dân cho biết công ty này chuyên xử lý các loại rác thải ny lông. Hàng ngày các kiện rác này được nung mềm trong nước nóng cho công nhân lựa ra và xử lý sạch. Tuy nhiên, công ty này chuyên dùng một loại cặn đóng cục trong các phi dầu nhớt (không xác định rõ là chất gì) để đốt phát sinh khói đen đặc, có mùi rất khó chịu. Ngoài ra, công ty này còn xử lý các phi dầu nhớt cũ để lấy dầu cặn tái chế lại, cặn không thể tái chế thì đổ thẳng ra mương nước.

Nhà xưởng của công ty Hoa Thư 1 trên đường Tam Tân
Nhà xưởng của công ty Hoa Thư 1 trên đường Tam Tân

Ông Đỗ Văn Hải (sinh năm 1958), 1 hộ dân ở đây cho biết: “Chẳng biết chất đó là chất gì mà khói vừa đen vừa hôi làm bà con không chịu nổi. Nó cũng không bay cao lên trời mà cứ lơ lửng trên nóc nhà người dân, bám vào mái tôn làm rỉ sét. Ở đây chúng tôi có thói quen hứng nước mưa để tắm giặt, gần đây múc nước mưa ra thì thấy lợn cợn đen đục, tắm thì da ngứa rát, người cứ nhớp nháp như đầy mồ hôi”.

Ông Đặng Văn Khỏa (sinh năm 1945) cũng cho biết: “Mùi hôi của khói và nước xả trong nhà máy khó chịu lắm, nó cứ hăng hắc như mùi axit. Người già và trẻ nhỏ trong xóm đều không chịu nổi”.

Ông Hải cũng cho biết hàng xóm của ông là ông Đinh Kế Thông (sinh năm 1944) vốn bị viêm mũi, lâu nay cũng không sao nhưng kể từ khi nhà máy này đi vào hoạt động thì bệnh của ông tái phát liên tục. Không thể chịu nổi, ông Thông đành khóa cửa bỏ nhà hoang để đi nơi khác thuê nhà sống. Cô Mười vốn mua miếng đất nhỏ cạnh nhà máy từ mấy năm trước, vừa đập nhà cũ tính xây nhà mới ở thì nhà máy hoạt động đành bỏ hoang cả năm nay, cỏ mọc quá nửa người.

Nhà cô Mười cạnh nhà máy nên phải bỏ hoang cả năm nay
Nhà cô Mười cạnh nhà máy nên phải bỏ hoang cả năm nay

Theo ông Hải thì công ty này hoạt động từ tháng 3/2013, đến tháng 5/2013 thì cư dân xung quanh không chịu nổi, khiếu kiện lên UBND huyện. UBND huyện đã cho kiểm tra hoạt động của công ty này thì phát hiện nhiều sai phạm như kinh doanh không đúng ngành nghề (đăng ký ngành mua bán nhựa nhưng lại chuyên xử lý rác ny lông, dầu nhớt…); không có giấy phép quản lý chất thải nguy hại đối với việc xử lý, tiêu hủy, chôn lấp chất thải nguy hại…

Đồng thời, UBND huyện cũng yêu cầu công ty Hoa Thư 1 ngưng hoạt động sản xuất tái chế chất thải nguy hại (dầu, nhớt thải; sơn, dung môi thải) tại đây và hoạt động đúng ngành nghề trong giấy phép kinh doanh. Công ty này cũng bị phạt 27 triệu đồng cho các lỗi trên.

Tiếp tục vi phạm

Theo phản ánh của các hộ dân nơi đây, sau khi bị kiểm tra và xử phạt, doanh nghiệp này im lặng 1 thời gian thì hoạt động trở lại với phương thức cũ: tức là dùng chất thải để đốt, xả dung môi độc hại và dầu nhớt thải thẳng ra kênh…

Phóng viên Dân trí đã khảo sát thực tế tại đây vào ngày 19/11 cho thấy dù nhà máy chỉ có 1 nhóm công nhân đang làm việc nhưng mùi hôi hăng hắc bốc ra bán kính 100m xung quanh. Bên hông nhà máy là cả 1 bãi phế liệu đầy phi dầu trống, nền đất đóng chặt những mảng cặn bã dầu nhớt cứng. Nước chảy xuống mương thoát sát nhà máy có màu đen và làm vàng úa hết cả cây cỏ trên đường nó đi qua…

Phi dầu, cặn dầu nhớt đổ tràn trên mặt đất bên hông nhà máy
Phi dầu, cặn dầu nhớt đổ tràn trên mặt đất bên hông nhà máy

Nước thải này đốt cháy hết cỏ cây
Nước thải này đốt cháy hết cỏ cây

Lá bị ăn từng đốm tròn rồi vàng úa cả cây
Lá bị ăn từng đốm tròn rồi vàng úa cả cây

Bác Khỏa chỉ cho phóng viên thấy dòng nước thải đen ngòm và có thể bắt lửa
Bác Khỏa chỉ cho phóng viên thấy dòng nước thải đen ngòm và có thể bắt lửa

Quan sát thực địa có thể thấy ranh giới rõ ràng, khu vực ngâm nước này thì cây cỏ úa vàng, lá hư từng đốm nhỏ rồi lan ra toàn thân cây. Trong khi đó, sát mương nước này, nơi không có dòng nước thải đi qua thì cây cỏ vẫn rất xanh tốt. Điều này cho thấy nước thải này độc hại còn hơn thuốc diệt cỏ vì loại dây leo sinh sống tại khu vực này khá lớn và mạnh mẽ.

Ông Đặng Văn Khỏa cho biết: “Cái đống dầu nhớt họ lấy ra, pha trộn làm mới rồi đem bán. Còn cặn bã thì họ không xử lý gì mà đổ thẳng ra sân, cặn nặng thì đóng lại thành cục, nước thì tràn ra mương. Chỗ này chỉ cần 1 mồi lửa là cháy sạch. Hồi trước họ đốt mấy cục cặn này rồi vứt xuống kênh Thầy Cai trước mặt nhà máy mà nó vẫn cháy ùn ùn mà. Bà con phản đối dữ lắm họ mới không vứt xuống kênh nữa. Họ nấu nước để ngâm rác ny lông cũng dùng cái cặn này, đốt khói dữ lắm!”.

Ông Đỗ Văn Hải bức xúc: “Chúng tôi phản ánh thì cán bộ xã xuống ngó qua ngó lại rồi về, chẳng có tiến triển gì. Cứ đà này thì dân xung quanh làm sao sống nổi. Nhà ai khá giả có điều kiện thì đã bỏ đi nơi khác sống tạm hết rồi. Những người nghèo như chúng tôi mới phải bám trụ ở lại vì không biết đi đâu. Mà ô nhiễm kiểu này thì không biết sau này bệnh tật ra sao, rồi có ảnh hưởng gì đến con cháu không. Không còn cách nào khác nên chúng tôi mới phải kêu cứu đến báo chí, các cấp chính quyền…”.

Tùng Nguyên