Sông Krông Nô oằn mình chịu nạn “cát tặc”:

Hàng chục hộ dân đành bán đất cho “cát tặc”

(Dân trí) - Đất canh tác ven sông Krông Nô bị sạt lở do các tàu bè khai thác cát trái phép tràn lan. Sau nhiều ngày đêm canh giữ đất bất thành, đuối sức, nhiều hộ dân phải chấp nhận bán đất cho các đối tượng khai thác cát.

Dọc hai bên đường dẫn vào các thôn của xã Buôn Choáh (huyện Krông Nô, Đắk Nông), những cánh đồng ngô, lúa vụ hè thu đang giai đoạn phát triển xanh mơn mởn. Đất đang cho những mùa vụ bội thu nên mỗi mảnh đất bị sạt xuống dòng sông khiến người dân nơi đây đứng ngồi không yên.

Dọc theo bờ sông Krông Nô khoảng 1,5km đoạn qua thôn 3, hầu như gia đình nào trong thôn cũng bị ảnh hưởng bởi sạt lở do khai thác cát. Trong số các hộ có đất bị sạt lở thì có 3 hộ đã đành phải bán đất cho “cát tặc”.

cat-tac-neo-dau-sat-bo-d4c7c
Cát tặc neo đậu đặt vòi rồng hút cát sát bờ sông.

Sau nhiều lần giữ đất, nhưng diện tích đất vườn cứ thế sạt xuống liên tục, gia đình bà Vương Thị Ý (ngụ thôn 3) đành “thỏa hiệp” bán 1 sào đất với giá 12 triệu đồng cho “cát tặc”. Sau khi bán xong thì tàu hút cát ngày đêm neo đậu, đặt vòi rồng sát bờ đất của gia đình bà Ý để hút cát. Bà Ý cho biết, trước đây cả nhà thay nhau canh chừng hằng ngày, lúc nào có tàu khai thác cát chạy qua vườn là phải ra xua đuổi không cho khai thác. Tàu hút cát thường khai thác vào đêm khuya, thông thể canh được, khiến đất cứ sạt lở dần, nên gia đình đành bất lực, đành bán luôn đất. “Không bán thì tàu hút cát cũng khai thác, đất vẫn tiếp tục sạt lở, bán đi còn vớt vát được ít đồng", bà Ý bất lực nói.

Nhiều hộ dân bán đất cho “cát tặc” đều giải thích, đó là hậu quả của một quá trình cố gắng giữ đất không thành, đành buộc lòng phải bán để vớt vát chút đỉnh, vì có bán hay không thì toàn bộ diện tích đất cũng bị sạt lở.

bo-song-bi-bao-mon-fb8f3
Bờ sông liên tục bị bào mòn, ruộng vườn dần biến mất.

Những hộ bị sạt lở chấp nhận bán đất đã đành, nhưng từ khi mua đất, tàu cát ngang nhiên vào đặt vòi rồng ở sát mép đất vườn để khai thác, khiến cho diện tích đất ngày càng sạt lở nhiều. Ngay cả những hộ không bán thì đất cũng bị sạt lở theo, bởi khai thác quá nhiều và sát mép vườn.

“Hộ trước bán, hộ kế bên sợ bị mất trắng nên cũng đành bán để kiếm chút tiền, khiến cả đoạn sông bị móc sâu vào bên trong hàng trăm mét. Việc bán đất cho “cát tặc” là bất đắc dĩ, thôn, xã cũng không ngăn được”, ông Dương Văn Thành - Trưởng thôn 1 cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thinh - Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh, xác nhận: việc người dân phải bán đất cho các chủ tàu hút cát là có thật, nhưng xã không thống kê cụ thể được.Việc mua bán này không thông qua xã nên chưa ngăn chặn được vụ nào. Xã cũng đã tăng cường tuyên truyền để người dân giữ đất, vì càng bán thì đất càng sạt lở vào sâu hơn.

Theo ông Huỳnh Long Quốc - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Nô thì huyện đã từng lập biên bản, tịch thu một tàu hút cát, nhưng hầu hết các chủ tàu đều ở bên tỉnh Đắk Lắk nên việc xử lý có phức tạp hơn. “Về phía tỉnh cũng đã có đề nghị với tỉnh Đắk Lắk phối hợp trong việc ngăn chặn nạn hút cát, nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành được. Nếu thành lập được một đội tuần tra cảnh sát giao thông đường thủy trên sông thì có lẽ việc ngăn chặn khai thác cát trái phép sẽ hiệu quả hơn”, ông Quốc cho hay.

Đức Cường - Thúy Diễm