Bài 1:

Hai vụ án hy hữu ở Hữu Lũng: Cơ quan tố tụng có khiên cưỡng hình sự hóa vụ việc?

(Dân trí) - Anh Hoàng Văn Thư, dân tộc Nùng, mũ chữ, ở thôn Hồng Gạo, xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã lâm vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười”. Đó là khi vụ việc mà anh bị đánh với thương tích 21% xảy ra cách đây 4 năm về trước còn chưa được xử lý thì bỗng dưng anh lại trở thành bị cáo trong vụ án mà người tố cáo anh lại chính là người, mà anh Thư tố cáo đã hành hung anh gây thương tích.


Viện kiểm sát nhân dân huyện Hữu Lũng đề nghị áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo nhưng Hội đồng xét xử - TAND huyện Hữu Lũng xử tù giam bị cáo Thư.

Viện kiểm sát nhân dân huyện Hữu Lũng đề nghị áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo nhưng Hội đồng xét xử - TAND huyện Hữu Lũng xử tù giam bị cáo Thư.

Viện kiểm sát đề nghị xử tù án treo, Tòa xử tù giam liệu có nặng tay?

Theo hồ sơ vụ án mà ông Thư là bị cáo, ngày 21/8/2018, ông Hoàng Văn Lựu là công an viên (họ hàng nội tộc với anh Thư) được Trưởng Công an xã Yên Bình cử đi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho tổ công tác của xã làm nhiệm vụ đo đạc, xác định mốc giới khu đất tranh chấp giữa gia đình ông Nông Văn Thanh và gia đình ông Hoàng Văn Vân. Trên đường đi, ông Lựu gặp anh Thư (con ông Vân) đang đi bộ đến khu đất tranh chấp nên Lựu cho anh Thư đi nhờ xe.

Khi đến nơi, Lựu thấy anh Hoàng Văn Phòng là em ruột anh Thư đang quay cảnh tranh chấp bằng điện thoại liền bắt anh Phòng không được ghi hình. Anh Thư thấy Lựu không cho anh Phòng ghi hình thì xông vào đấm đá Lựu. Được mọi người can ngăn, anh Thư bỏ đi, còn Lựu báo vụ việc đến Trưởng công an xã Yên Bình lập biên bản sự việc và trình báo Công an huyện Hữu Lũng.

Sau đó các cơ quan tố tụng của huyện Hữu Lũng đã truy tố anh Thư với tội danh “chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 Bộ Luật hình sự.

Ngày 18/10/2018, TAND huyện Hữu Lũng đã đưa vụ án nêu trên ra xét xử. Mặc dù VKSND huyện Hữu Lũng đề nghị hình phạt tù từ 6-9 tháng cho hưởng án treo, nhưng TAND huyện Hữu Lũng tuyên phạt anh Thư 6 tháng tù giam.

Công an xã mặc quần soóc đi “thi hành công vụ”?

Công an viên Hoàng Văn Lựu mặc quần soóc trắng tại hiện trường nơi xảy ra sự việc
Công an viên Hoàng Văn Lựu mặc quần soóc trắng tại hiện trường nơi xảy ra sự việc

Trở lại thời điểm xảy ra vụ việc. Theo hồ sơ của các cơ quan tố tụng huyện Hữu Lũng, Hoàng Văn Lựu được chỉ đạo đi làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh thế nhưng trong clip ghi nhận sự việc, thời điểm đó ông Lựu lại mặc quần soóc thay vì trang phục của công an xã theo quy định.

Trao đổi về tình tiết này, ông Lăng Văn Uyển, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Yên Bình thừa nhận, đây là “không phải”, bởi lẽ, trong khi thi hành nhiệm vụ, đáng lẽ ông Lựu phải mặc quần áo công an viên và ông Uyển phỏng đoán rằng Lựu cho là “bình thường” để lý giải về trang phục của ông này.

Còn ông Vũ Văn Đạo, Phó trưởng công an xã Yên Bình thì né tránh trả lời thẳng về chi tiết Hoàng Văn Lựu mặc thường phục khi đi làm nhiệm vụ, chỉ nói chung chung rằng “công an xã được trang bị quần áo nhưng không rõ trong việc này ông Lựu được giao việc như thế nào”.

Cũng về nội dung này, ông Lâm Tấn Hùng, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Hữu Lũng cho rằng, trong trường hợp khẩn cấp thì việc mặc quần soóc đi làm việc thì vẫn được coi là thi hành công vụ nhưng không nói rõ trường hợp này có được coi là khẩn cấp không.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Xuân Toán (Công ty Luật hợp danh An Bình - Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, theo khoa học hình sự, về khách thể, người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật. Nếu người thi hành công vụ lại là người làm trái pháp luật mà bị xâm phạm thì hành vi của người có hành vi xâm phạm không phải là hành vi chống người thi hành công vụ.

Trên cơ sở vụ việc diễn ra, thì việc anh Thư bị truy tố, xét xử về tội “chống người thi hành công vụ” là rất khiên cưỡng, nếu không muốn nói rằng cơ quan pháp luật đã áp dụng pháp luật tùy tiện”, luật sư Toán nói.

Luật Sư Nguyễn Đức Thịnh – thuộc văn phòng Luật sư Đức Thịnh, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho rằng mức hình phạt mà Kiểm sát viên đề nghị áp dụng đối với bị cáo Thư từ 6-9 tháng tù treo là quá nghiêm khắc vì theo qui định tại điểm a, khoản 3 điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013,qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự thì hành vi dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ của anh Thư chưa gây thiệt hại nên có thể áp dụng hình phạt vi phạm hành chính từ 3 triệu đến 5 triệu đồng

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Bá Đoàn