Bài 1:
Hai vợ chồng già khốn khổ trước bản án của 2 cấp toà tỉnh An Giang!
(Dân trí) - Vợ chồng bà Vân vì nợ nần đành bán hơn 16.000m2 đất trả nợ. Thế nhưng, chưa bán được đất, vợ chồng bà Vân bị phạt 200 triệu đồng vì tội “lật kèo” không bán đất. Có gì khuất tất trong vụ án này?
Từ lo mất tiền… đến bị phạt cọc 200 triệu đồng
Mới đây, vợ chồng bà Nguyễn Thị Vân (SN 1948, Thanh Dân) và ông Đỗ Văn Toàn (1942, cùng ngụ xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) đến Văn phòng báo Dân trí “kêu cứu” vì vợ chồng bà thấy oan ức trong việc bán mảnh đất trồng lúa hơn 16.000m2 (ấp Tô Thủy, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) cho bà Châu Thị Nương (cùng địa phương) bất thành nhưng bị phạt 200 triệu đồng vì tội “lật kèo”.
Theo lời trình bày bà Vân, ngày 8/4/2018, bà Châu Thị Nương đến mua toàn bộ phần đất của vợ chồng bà Vân, gồm: 1 phần đất ở mặt tiền giáp tỉnh lộ 941, ngang 20, dài 30m, tổng cộng 600m2 (đất thổ cư mặt tiền ngang là 28 triệu/1m2, phía sau là 18 triệu/1m2) và 1 phần đất ruộng liền kề phía sau phần đất ở có diện tích 16.000m2 (giá 55.000 triệu/1.000m2).
Đến ngày 9/4/2018, 2 bên làm giấy thỏa thuận về việc chuyển nhượng toàn bộ phần đất nêu trên. Giấy thỏa thuận mua bán do bà Nương viết, trong đó thể hiện bên mua là Châu Thị Thủy đưa cọc 200 triệu đồng, không ghi giá đất mua bán bao nhiêu. Trong giấy thỏa thuận chuyển nhượng này bà Nương ghi điều kiện: nếu ai sai lời, cọc đền 2.
Sau đó, bà Nương mang giấy thỏa thuận về nhà, mấy ngày sau mới mang đến cho bà Vân. Vợ chồng bà Vân ít chữ, mắt nhìn không rõ chữ nên mang giấy thỏa thuận cho con cái xem và phát hiện tờ giấy thỏa thuận bán đất có nhiều điểm bất lợi cho bà, như: không ghi rõ số tiền còn lại là bao nhiêu, giá bán đất, khi nào bà Nương sẽ trả số tiền còn lại,…
Từ lo sợ này, vợ chồng bà Vân yêu cầu bà Nương viết lại giấy thỏa thuận mua bán, ghi rõ nội dung số tiền còn lại là bao nhiêu, khi nào trả… nhưng bà Nương không đồng ý. Lúc này, bà Vân trả lại tiền cọc nhưng bà Nương không đồng ý và tiến hành kiện vợ chồng bà Vân ra tòa, yêu cầu bà Vân trả thêm 200 triệu đồng vì không bán đất.
Gian dối trong việc làm giấy mua bán đất?
Theo hồ sơ vụ án, bà Châu Thị Thủy làm đơn khởi kiện vợ chồng bà Vân nhưng sau đó bà Thủy làm giấy ủy quyền cho bà Châu Thị Nương thay mặt bà tham gia tố tụng cho đến khi vụ án kết thúc.
Giải thích tại tòa về chuyện bà Nương mua đất nhưng tên trong giấy mua bán đất để tên của bà Châu Thị Thủy, bà Nương cho rằng, vợ chồng bà Vân biết vợ chồng bà đứng ra ký kết hợp đồng thay cho bà Châu Thị Thủy. Tuy nhiên, bà Nương lại khẳng định số tiền bà đặt cọc là của vợ chồng bà.
Về việc này, bà Vân bức xúc nói: “Vợ chồng tôi chưa hề quen biết vợ chồng bà Châu Thị Nương cũng như bà Thủy gì đó. Đến khi phiên tòa phúc thẩm, trợ giúp pháp lý đã làm rõ mối quan hệ giữa bà Thủy và Nương. Lúc đó, vợ chồng tôi mới biết bà Thủy chính là bà Nương. Nhưng do bà Nương không chịu viết lại giấy sang nhượng nên tôi mới không bán đất, trả lại tiền cọc. Việc này rõ ràng bà Nương đã cố tình lừa vợ chồng tôi, khi đến mua đất của tôi”.
Vợ chồng bà Vân thắc mắc, trong vụ việc này, vì sao 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm chỉ tập trung cho rằng vợ chồng tôi lật kèo không bán đất? Trong khi vợ chồng bà Vân chỉ yêu cầu bà Nương ghi rõ lại giấy thỏa thuận mua bán đất là vợ chồng bà bán đất ngay.
Hơn nữa, một tình tiết quan trọng tòa cần làm sáng tỏa là việc bà Nương đến hỏi mua đất, tự viết giấy thỏa thuận mua bán đất với vợ chồng bà nhưng lại để tên bà Châu Thị Thủy và ký tên. Như vậy là hành vi gian dối, nhưng tòa bỏ qua chi tiết này.
Bà Lê Thị Đóa – Trợ giúp pháp lý cho bà Vân, cho biết: “Theo điều 292, 293, Bộ Luật Dân sự thì nghĩa vụ đảm bảo phải đúng hình thức theo quy định của luật; Trong phần diện tích đất mà hai bên thỏa thuận chuyển nhượng, có một phần diện tích chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo luật đất đai, nên không thể thực hiện hợp đồng như thỏa thuận được. Bà Nương tham gia ký kết nhưng lại để tên bà Thủy và ký tên là không đúng. Bà Thủy không trực tiếp ký kết hợp đồng nên bà Thủy không có quyền khởi kiện; hợp đồng này lừa dối”.
Tuy nhiên, 2 cấp tòa đều bác luận điểm của bà Đóa, không xem xét đến tình tiết vợ chồng bà Vân là người lớn tuổi, có công Cách mạng, ít chữ mà tuyên vợ chồng bà Vân có trách nhiệm liên đới trả lại số tiền nhận cọc 200 triệu đồng và khoản tiền 200 triệu đồng (phạt cọc) cho bà Nương.
Bà Vân thấy 2 cấp tòa xử ép mình nên đã làm đơn kháng nghị lên giám đốc thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tuyên hủy bản án sơ thẩm (số 41/2018/DS-ST, ngày 20/11/2018) và phúc thẩm (số 34/2019/DS-PT, ngày 12/3/2019) của TAND tỉnh An Giang vô hiệu, vì việc mua bán của bà Nương có dấu hiệu gian dối.
Trước khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 16 cách ly xã hội, Chi cục Thi hành an huyện Tri Tôn nhiều lần hối thúc bà Vân đến cơ quan để giao nộp số tiền 200 triệu đồng còn lại để cơ quan tiến hành chi trả cho bà Nương. Nếu bà Vân không tự nguyện thi hành án số tiền này, cơ quan sẽ tiến hành làm thủ tục phát mãi phần đất hơn 16.000m2 của bà Vân.
Nguyễn Hành