Hải Dương: Lời tố cáo gây sửng sốt tại phiên toà xử tội “Chứa mại dâm”

(Dân trí) - Như Dân trí đã thông tin, vị khách mua dâm đưa 150.000 đồng, gái bán dâm cầm 100.000 đồng, còn bà Đỗ Thị Nhuân nhận 50.000 đồng. Số tiền 50.000 đồng này, bà Nhuân khẳng định là tiền thuê phòng, nhưng cơ quan CSĐT và VKSND huyện Gia Lộc vẫn lấy đó làm căn cứ kết luận bà Nhuân tội chứa mại dâm.

Tại phiên tòa xét xử vụ án không chỉ lộ ra nhiều mâu thuẫn mà bị cáo còn đưa bằng chứng tố cáo rất bất ngờ.

Các lời khai mâu thuẫn không thể coi là chứng cứ

Qua phần tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án chứa mại dâm ở Tòa án huyện Gia Lộc Hải Dương ngày 27.12.2016 đã bộc lộ rõ những mâu thuẫn và những tố cáo gây bất ngờ với nhiều người tham dự.

Như bài trước chúng tôi đã phân tích, việc để bà Hoa - người làm công ăn lương ở nhà nghỉ Phương Huy (nơi xảy ra việc mua bán dâm) gần chục năm, biết vụ việc từ đầu đến cuối nhưng không được coi là nhân chứng là điều rất không bình thường. Thậm chí, tối 5/8/2016, hôm xảy ra vụ án, bà Hoa còn bị lực lượng chức năng khám xét. Tại phiên tòa này, bà Hoa đã được Hội đồng xét xử (HĐXX) đồng ý để bà Hoa làm nhân chứng.

Tại tòa, kiểm sát viên Nguyễn Thị Hương giữ quyền công tố giữ nguyên quan điểm cáo trạng của VKS cho rằng: Có căn cứ để chứng minh bị cáo Nhuân phạm tội chứa mại dâm.


Quyết định khởi tố vụ án của Công an huyện Gia Lộc.

Quyết định khởi tố vụ án của Công an huyện Gia Lộc.

Trong phân tranh tụng, hai vị luật sư (LS) Phạm Ngọc Minh và Đào Văn Kiên (văn phòng Cty Luật TNHH EVERST, Đoàn LS Hà Nội ) bào chữa cho bị cáo Nhuân lần lượt đưa ra những mâu thuẫn trong các lời khai của một số nhân chứng; một số dấu hiệu mớm cung, ép cung của cán bộ điều tra và kiểm sát viên.

Ví dụ, nhân chứng Khánh (người mua dâm) trong các bản khai khác nhau khi nói với bị cáo Nhuân đều khai, khi gặp bà Nhuân hỏi: Có em Nga (người bán dâm) ở đây không? Nhưng tại phiên tòa, nhân chứng Khánh lại nói hỏi bị cáo Nhuân rằng: Ở đây có hàng đẹp không? Việc sai lạc lời khai này, dù vị công tố viên cho rằng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án, nhưng các vị luật sư vẫn hỏi đi hỏi lại để nhấn mạnh một điều: Có hay không việc mớm cung cho nhân chứng. Bởi trước đó, các vị luật sư đã hỏi: Nếu đến đây lần đầu để mua dâm tại sao lại biết người bán dâm có tên là Nga?

Hay như nhân chứng Khánh (người mua dâm) và nhân chứng Nguyên (khách đến nghỉ), không chỉ mâu thuẫn việc ai đến trước, ai đến sau nhà nghỉ mà cả lời khai ở các bản cung với lời khai tại tòa. Khi luật sư hỏi về mâu thuẫn này, nhân chứng Khánh đành nói, lời khai ở cơ quan điều tra là… không đúng. Vậy những lời khai này có đáng tin cậy, vì việc đến trước đến sau sẽ chứng minh việc nhân chứng nói có đúng hay không việc đưa tiền mua dâm hay có hay không câu hỏi “có em Nga không”…

Dấu hiệu mớm cung, ép cung nữa cũng được các luật sư đưa ra tại phiên tòa: Bị cáo Nhuân đã tố cáo có sự bức cung, mớm cung. Cụ thể, các lời khai trong các bản ghi âm (bị cáo Nhuân ghi âm được) đã không được đưa vào bản cung. Thí dụ, bị cáo Nhuân khai: Cô (Nhuân) có tội gì đâu? Điều tra viên nói: Cô cứ ghi như cháu nói thì sau mới gỡ được…Thậm chí có cả những tiếng quát, tiếng đập bàn trong bản ghi âm đó.

Tranh luận lại, vị công tố cho rằng, tất cả các bản khai, bị cáo đều ghi rõ đã đọc lại, không bị đánh đập, bức cung, mớm cung. Đến lúc này, các vị luật sư buộc phải nói: bản ghi âm mà chúng tôi đã gửi cho các vị trước đó (kèm theo cả bản bóc băng) cho thấy rõ: Khi kiểm sát viên lấy cung, bị cáo Nhung đã nói rõ, không phạm tội, nhưng lời khai này không được đưa vào bản cung.

Thậm chí, bà Nhuân khai tại tòa, từng bị điều tra viên dọa. Cụ thể, họ nói với bà Nhuân: Nhà nghỉ Tây Đô ở gần đây bị phạt tiền mà vẫn bị đi tù đấy. Luật sư cũng nhắc lại một số vụ án oan sai nghiêm trọng đã xảy ra, trong đó có bị cáo dù không giết người vẫn phải nhận tội giết người và vẫn ghi vào các lời khai là không bị bức cung, nhục hình.

Các luật sư cũng cho rằng, cơ quan điều tra chỉ nhăm nhăm kết luận bà Nhuân phạm tội chứa mại dâm mà không điều tra xem, từ trước đến nay, bà Nhuân đã bao giờ bị xử phạt hành chính về bất cứ lỗi nào chưa trong gần chục năm nhà nghỉ này hoạt động. Hoặc người bán dâm là chị Nga đã bán dâm ở đây mấy lần, bán dâm ở đâu nữa không và đã từng bị xử lý về hành vi lần nào chưa, hoặc tại sao không buộc chị Nga đến đây với tư cách nhân chứng. Bởi theo luật sư, đây là nhân chứng rất quan trọng trong việc có hay không việc ăn chia giữa người bán dâm và người chứa mại dâm, hay bà Nhuân chỉ thuần túy thu tiền thuê phòng.

Đặc biệt, số tiền 50.000 đồng bà Nhuân thu của khách hàng trùng với số tiền thuê phòng. Vậy mà, đó lại là căn cứ duy nhất để cơ quan điều tra khởi tố bà Nhuân về tội chứa mại dâm? Do đó, các vị luật sư cho rằng, các lời khai chứa đầy mâu thuẫn không thể coi là chứng cứ.


Công ty luật gửi công văn đề nghị Cục điều tra VKSND Tối cao xem xét dấu hiệu oan sai, nhận hối lộ trong vụ án.

Công ty luật gửi công văn đề nghị Cục điều tra VKSND Tối cao xem xét dấu hiệu oan sai, nhận hối lộ trong vụ án.

Dấu hiệu vị phạm nghiêm trọng Bộ luật tố tụng dân sự

Các luật sư chứng minh, bị cáo Nhuân đã bị tạm giữ từ suốt 21 giờ 30 ngày 5/8 đến 21 giờ ngày hôm sau. Thậm chí đêm 5 rạng sáng ngày 6/12, khi đi khám bệnh vẫn có công an đi áp giải cùng. Một vị công an còn nói với bà Nhuân, đau nhưng chưa đến mức phải mổ, vậy cứ về công an huyện. Vậy tại sao trong biên bản khám xét tại nhà riêng của bà Nhuân, vẫn có chữ ký của bà Nhuân, dù lúc đó bà vẫn đang bị tạm giữ ở công an huyện? Luật sư đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là hồ sơ ngụy tạo để hợp thức hóa hồ sơ?

Các luật sư cũng cho rằng, tối 5/8 các trinh sát chỉ bắt quả tang việc mua dâm và cũng chỉ lập biên bản hành chính về hành vi này. Do đó, các luật sư cho rằng, chưa có gì chứng minh tội chứa mại dâm, việc khám nhà, khám người ngay thời điểm đó là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật TTHS.

Mà đã khám người bà Nhuân ngay tối hôm đó không phát hiện có gì, thì hôm sau, dù vẫn đang bị câu lưu ở công an huyện thì sáng hôm sau bà Nhuân lấy đâu tiền để nộp 50.000 đồng (số tiền bị cơ quan điều tra cho là chứa mại dâm mà có) cho công an? Do đó, liệu hồ sơ này có là ngụy tạo, các luật sư đặt câu hỏi với HĐXX.

Vì vậy, các luật sư đề nghị HĐXX trả lại hồ sơ để cơ quan điều tra điều tra bổ sung.

Lời tố cáo gây sửng sốt với nhiều người

Theo một số nhân chứng khai, những người khám xét nhà đã trực tiếp kiểm đếm số tiền trong ngăn kéo quầy lễ tân có tổng cộng 2.050.000 đồng. Tuy nhiên, số tiền này đã không được thể hiện trong hồ sơ.

Khi thẩm phán Vũ Thị Yển - chủ tọa phiên tòa hỏi, có gì chứng minh đã gửi đơn thư tố cáo gửi tới Cục điều tra của VKSND TC? Luật sư Minh cho biết, tôi đã gửi trực tiếp cho Cục Điều tra và gửi cả bằng đường bưu điện. Đồng thời, LS Minh đã đưa chứng từ cho HĐXX.

Tại tòa, LS cũng gửi cho HĐXX một đĩa ghi âm. Về việc này, bà chủ tọa hỏi: Đĩa ghi âm này có những nội dung gì và ai ghi âm? Bị cáo Nhuân cho biết: Thứ nhất, các lời khai được ghi âm trong khi lấy cung bà Nhung không trùng với các bản cung mà điều tra viên và kiểm sát viên lập. Thứ hai, dù không có tội, nhưng trước gợi ý của điều tra viên, chồng tôi đã đưa 150 triệu đồng cho một điều tra viên. Nhưng sau đó, họ vẫn khởi tố, nên tôi (bà Nhuân) đã thắc mắc. Họ trả lời, nếu thế mới xuống khoản1!?

Tuy nhiên, HĐXX không hỏi tiếp gì về việc này.

Sau khi nghị án, HĐXX tuyên trả hồ sơ lại yêu cầu điều tra bổ sung những điểm chưa rõ, còn mâu thuẫn.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Vương Hà