Hải Dương khó thoát “án” phê bình vì pháo

Tết Quý Tỵ 2013, tỉnh Hải Dương bị Chính phủ phê bình vì để xảy ra tình trạng đốt pháo tràn lan. Tết Giáp Ngọ 2014, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cam kết quyết chặn đứng tình trạng tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo trái phép, nhưng pháo vẫn nổ râm ran tại nhiều địa phương. Tình trạng này khiến tỉnh Hải Dương nhiều khả năng lại đối diện với “án”... phê bình.

Cam kết không tiếng pháo

Trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, trả lời Lao Động, ông Hoàng Mai Khương -Chánh VP UBND tỉnh Hải Dương – cho biết, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương từ rất sớm, quy trách nhiệm cho các cấp chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng đốt pháo. Thượng tá Lê Quý Thường – Chánh VP CA tỉnh – cho biết: Từ ngày 16.12.2013, CA tỉnh đã mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó đặc biệt chú trọng công tác đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển và đốt pháo trái phép. Tính đến ngày 5.2, các đơn vị CA đã bắt giữ 257,2kg pháo các loại, tạm giữ hình sự nhiều đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển pháo nổ. Trong những ngày Tết Giáp Ngọ, Giám đốc CA tỉnh điều động 110 lãnh đạo chủ chốt các phòng nghiệp vụ tăng cường về các địa phương trọng điểm chỉ đạo ngăn chặn tình trạng đốt pháo.
 
Mùng 2 tết, pháo vẫn nổ đì đùng ở một số làng quê Hải Dương.
Mùng 2 tết, pháo vẫn nổ đì đùng ở một số làng quê Hải Dương.

Pháo vẫn nổ

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tại các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc... pháo vẫn nổ tưng bừng. Đủ các loại pháo: Pháo hoa, pháo nổ (cả loại mua sẵn và tự tạo) làm rung chuyển và sáng rực cả vùng trời. Pháo nổ ở cả các làng văn hóa và các làng chuẩn bị đón nhận danh hiệu “Làng Văn hóa”.

Tình trạng đốt pháo còn tiếp tục diễn ra đến cả ngày mùng 1 và mùng 2 tết. Theo ghi nhận của PV, tại nhiều xã ở huyện Tứ Kỳ, “phong trào” chơi pháo vẫn rầm rộ, thu hút từ trẻ tới già. Không còn đơn thuần là các loại pháo như trước đây, năm nay còn có thêm các loại pháo tự chế, với “công nghệ” nhập từ Trung Quốc. Thuốc pháo không để rời như “truyền thống”, mà được dính vào que gỗ như thẻ hương. Công nghệ làm pháo cũng hết sức đơn giản: Chỉ cần lấy giấy quấn chặt thẻ thuốc nổ này là có một quả pháo. Càng nhiều thẻ thuốc nổ trong một quả pháo thì tiếng nổ và sức công phá càng lớn. Loại thuốc nổ này được bán tràn lan tại các quán nhỏ trong các thôn xóm, với giá  4.000 đồng/bó (khoảng 15-20 que).

Với nhiều loại pháo mới và “công nghệ” cất giấu tinh vi, pháo lậu, pháo tự chế lan tràn về các vùng quê Hải Dương và nổ tràn lan trong đêm giao thừa cũng như mấy ngày tết. Thượng tá Lê Quý Thường trong khi khẳng định tình trạng đốt pháo đã “giảm sâu, giảm nhiều so với tết Quý Tỵ 2013”, nhưng vẫn phải thừa nhận tình trạng đốt pháo vẫn diễn ra tại một số huyện. Lý giải điều này, ông Thường cho rằng, đa số các những nơi để xảy ra đốt pháo là các xã vùng xa, địa bàn giáp ranh với tỉnh khác, công tác quản lý địa bàn gặp nhiều khó khăn...

Trong dịp Tết Giáp Ngọ, ngoài việc bắt giữ 257,2kg pháo, các cấp CA tỉnh Hải Dương cũng xử lý hành chính 86 vụ người dân đốt pháo trái phép. Cần nói thêm rằng, con số 86 vụ bắt giữ chỉ là một phần rất nhỏ trong số vụ đốt pháo ở Hải Dương.

Mùng 6 tết, pháo nổ tưng bừng

Có mặt tại một lễ cưới sáng mùng 6 tết tại huyện Gia Lộc, phóng viên chứng kiến những đợt pháo nổ: Cả pháo lẻ và pháo bánh. Đúng thời khắc đoàn rước dâu chuẩn bị về đến nhà trai, một nhóm bạn của chú rể treo bánh pháo dài 3m và châm ngòi. Những tiếng nổ chát chúa vang lên, khói nghi ngút, mùi thuốc pháo sặc sụa. Dứt tràng tiếng nổ đinh tai, nhức óc, lũ trẻ con lao vào mót những quả pháo chưa nổ để đốt tiếp. 

Một bạn của chú rể cho biết, đã mua bánh pháo trên trước tết ở thị trấn Gia Lộc, với giá: 450.000 đồng/m. Cũng theo thanh niên này, đêm giao thừa, cậu đốt một bánh pháo dài tới 5m, trị giá gần 2,5 triệu đồng, cùng với một vài quả pháo cối thuộc hàng “khủng”. “Sáng dậy, ra kiểm tra chỗ chôn pháo xuống đất để đốt thấy một hố sâu, rộng 30-40cm” – cậu khoe.

Theo những dân chơi pháo ở Tứ Kỳ, sau Tết Nguyên đán vài tháng, dân buôn pháo và thuốc pháo bắt đầu hoạt động, tích lũy “hàng” dần, vì nếu buôn cấp tập vào dịp gần tết rất dễ bị bắt.

Theo Nguyễn Hùng - Việt Hòa

Lao động