Hai con số lớn và 1 suy nghĩ nhỏ

Một bên là 1.700 điểm "0" tròn trịa của những bài thi vào đại học chỉ của 1 trường và một bên là sự mất mát khủng khiếp (hơn 10.000 cuốn sách quý) của không chỉ 1 cá nhân, 1 gia đình mà của tất cả chúng ta, những người trân trọng tri thức.

Ngày 04/08 là ngày đặc biệt và đáng nhớ của tôi. Trước khi bắt đầu xem chương trình Thời sự tối lúc 19h00 như thường lệ con số ấn tượng hiện lên trên màn hình kênh VTV1 “1.700 điểm 0 trong kỳ thi vào đại học của Đại học Thái Nguyên”. Cũng ngay buổi tối đó tôi vào Internet đọc báo thì biết tin đám cháy tầng 3 ngôi nhà 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội đã thiêu rụi hơn 10.000 cuốn sách quý của người mê sách Nguyễn Văn Thành, làm tiêu tan “tài sản vô giá” mà ông  và gia đình đã dày công sưu tầm trong suốt hơn 40 năm qua.

Cả đêm đó tôi hầu như không ngủ. Tôi miên man suy nghĩ và chỉ nghĩ đến 2 con số này: 1.700 và 10.000. 2 con số như những “hồn” tri thức cứ vẩn vơ trong đầu tôi để tôi không thể chợp mắt. được.

Tôi cứ vẩn vơ suy nghĩ, không biết các em học sinh học thế nào, làm bài ra sao mà lại được không điểm. Điểm không là điểm liệt, tức người làm bài không biết gì cả. Theo chỗ tôi được biết thì đề thi đại học thường có 1 phần là kiến thức cơ bản, rằng em nào nắm được kiến thức cơ bản cũng có thể làm được bài và ít nhất đạt điểm trên trung bình. Tôi cứ suy nghĩ, các em học gì, nhà trường dạy gì mà đến nông nỗi này.

Tôi chứ nghĩ đến những bài nộp của các em là tờ giấy trắng hay viết vài ba câu, mấy chữ không hồn, vô nghĩa. Không điểm đồng nghĩa với sự hiểu biết của thí sinh là không thể chấp nhận được.

Tôi vẩn vơ nghĩ và đoán ra số lượng điểm không của tất cả các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc trong mùa thi 2010 này. Rồi tôi không dám nghĩ tiếp nữa: sợ quá!

Tôi nằm và tưởng tượng ra 1.700 thí sinh trong lúc làm bài trong phòng thi. Tôi như thấy những tâm hồn ngơ ngác, những cái đầu rỗng tuếch. Tôi như tưởng tượng ra cảnh các em mải chơi hơn học, sự phí phạm thời gian và tiền bạc, công sức vào những trò vô bổ. Tôi như thấy nỗi buồn của 3.400 bậc cha mẹ cùng bao thầy cô đã dành thời gian và bao thứ khác nuôi và dạy các em. Sao có thể không buồn!

Tôi vắt tay lên trán và nghĩ đến cảnh một bác Thành cao tuổi nào đó đang ngẩn ngơ tiếc tài sản vô giá của mình. Cá nhân tôi đã hơn 40 tuổi, đi đến mấy chục nước, là người tri thức và chuyên sưu tầm sách mà mới chỉ có 3 ngàn cuốn sách. 3 ngàn cuốn tôi đang có đã là cả 1 tài sản vô giá, là niềm tự hào và là phần máu thịt không thể tách rời của tôi. Và nếu như thư viện sách của tôi bỗng nhiên 1 ngày nào đó bị cháy hết, có lẽ tôi điên mất. Còn ở đây là gia  sản hơn 10.000 cuốn, gấp 3 lần số sách của tôi.

Tôi như thấy rõ hình ảnh bác Thành tần ngần, tiếc nuối, buồn bã trước đống tro tàn của tất cả những gì bác gom góp cả đời mình. Tôi hiểu rất rõ tâm trạng của người mê sách, trân trọng tri thức như bác. Tôi tự hứa sẽ tìm đến thăm bác để được kết bạn với bác - hơn ai hết tôi rất hiểu tâm trạng của bác lúc này.

Tri thức là loại tài sản đặc biệt, là thứ ta cho đi không bị mất mà lại được thêm. Có tri thức ta có thể bán đi ăn cả đời không hết. Chúng ta thấy một bác Thành nhiều tuổi trân trọng từng cuốn sách, cóp nhặt từng đồng để gom kiến thức và một nhóm các bạn trẻ ham chơi, lười học để nhận “trứng” khi thi. Hai thế hệ và 2 câu chuyện. 2 định hướng và những hành động đáng làm cho mỗi chúng ta suy nghĩ.

Đất nước Việt Nam của chúng ta đang trông chờ vào những tài năng trẻ, những tiềm năng Việt. Trong ngoài 2 nền kinh tế: cơ bắp và tài nguyên, nền kinh tế thứ 3 - tri thức mới có thể giúp mỗi chúng ta giàu có và hạnh phúc, mới có thể đưa đất nước chúng ta tiến lên phía trước, đuổi kịp và vượt các nước đang phát triển. Nếu như mỗi em học sinh, sinh viên cũng như mỗi chúng ta biết trân trọng tri thức, biết chịu khó học tập, biết dành tiền mua sách thì thật tuyệt vời biết bao.

Tôi tiếc cho 10.000 cuốn sách của bác Thành. Tiếc vì bao người sẽ không được chiêm ngưỡng, không được đọc những cuốn sách quý đó. Nhưng tôi biết, chủ nhân của 10. 000 cuốn sách này chính là 1 thư viện vĩ đại. Vì là người trân trọng tri thức, chắc chắn bác Thành đã đọc rất nhiều. Dù không hết 10.000 cuốn đi chăng nữa nhưng bác Thành chắc chắn phải có một tầm hiểu biết rất đáng để tôi và mỗi chúng ta học tập.

Tôi thiếp đi và mơ thấy 1.700 em học sinh kia mỗi em mua về cho mình 1 cuốn sách  thì đã được gần khoảng 1/6 số sách bị cháy của bác Thành. Các em đã biết hối hận. Cả 1.700 em đã biết học và noi gương bác Thành.

Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thái Hà Books