Hà Tĩnh: Rầm rộ dựng hàng trăm container làm nhà trong rừng phòng hộ
(Dân trí) - Quá trình thực hiện dự án “Quản lý, bảo vệ vào sử dụng rừng phòng hộ ven biển”, Công ty CP Hồng Lam Xuân Thành đã tự điều chỉnh dự án, rầm rộ dựng 130 container trong rừng phòng hộ.
Nhà đầu tư “tiền trảm hậu tấu”
Thời gian gần đây, theo phản ánh của người dân huyện Nghi Xuân, quá trình xây dựng dự án “Quản lý, bảo vệ vào sử dụng rừng phòng hộ ven biển” (xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Công ty CP Hồng Lam Xuân Thành không tuân thủ theo chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Hà Tĩnh, xâm phạm rừng phòng hộ, xây dựng công trình kiên cố trong khu vực này.
Cụ thể, thay vì lắp đặt 130 lều bạt phục vụ khách du lịch nghỉ mát dưới tán rừng phòng hộ như chủ trương được duyệt, nhà đầu tư lại cho đào móng, đổ bê tông cốt thép, lắp đặt bồn chứa chất thải ngầm và dựng gần như hoàn thiện 130 chiếc container trong phạm vi rừng phòng hộ…
“Rừng phòng hộ, tán cây xanh là tài sản chung của cộng đồng, tất cả người dân đều có quyền thụ hưởng. Nhưng nhà đầu tư không tuân thủ quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tự ý thay đổi kết cấu, phá vỡ sự bền vững của yếu tố tự nhiên rừng là điều đáng bị lên án”, một người dân xã Xuân Thành bức xúc.
Ghi nhận thực tế tại dự án cho thấy, dưới tán rừng phòng hộ, hàng chục công nhân đang tiến hành lắp đặt hoàn thiện hệ thống “nhà nghỉ” bằng thùng container trên những cọc móng bằng bê tông cốt thép. Những gốc cây phi lao, tràm... bị đốn hạ, đào rễ vứt ngổn ngang gần bờ biển…
Ông Trần Thanh Tường – Hạt trưởng hạt kiểm lâm Nghi Xuân cho biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý giao 2,95ha rừng phòng hộ cho Công ty CP Hồng Lam Xuân Thành để kinh doanh dưới tán cây nhưng không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, chất lượng, tính năng phòng hộ của rừng, ngoài ra đơn vị này còn phải trồng mới một số diện tích cây phi lau vào những khu đất trống.
“Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm đã kiểm tra và phát hiện, doanh nghiệp này xây dựng sai hạng mục được duyệt. Doanh nghiệp đang xin điều chỉnh, dù chưa được chấp thuận nhưng họ có làm trước. Tất nhiên theo quy định là sai!”, ông Tường nói.
Về việc Công ty CP Hồng Lam Xuân Thành tự điều chỉnh dự án từ dựng lều bạt thay thế bằng thùng container, Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho biết, Công ty CP Hồng Lam Xuân Thành chưa được điều chỉnh dự án, hiện nay hồ sơ đang trình để xin ý kiến của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
“Ì ạch” nhưng vẫn được “ưu ái”?
Tìm hiểu sâu về dự án được biết, Công ty CP Hồng Lam Xuân Thành (thôn 6, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh; người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Ngọc Mỹ) được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao đất ở Khu du lịch biển Xuân Thành để thực hiện 3 dự án gồm: Sân Golf 18 lỗ Xuân Thành; Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó Xuân Thành; Khu dịch vụ và nhà nghỉ Xuân Thành tại xã Xuân Thành và xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân) từ năm 2008.
Sau hơn 10 năm được giao đất đầu tư, 3 dự án với tổng số vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp này vẫn còn dang dở. Đáng nói, dự án đã trải qua 4 lần điều chỉnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh và cơ quan chức năng có nhiều văn bản thúc dục nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án…
Trong khi 3 dự án lớn chưa thực hiện xong, tháng 4/2017, Công ty CP Hồng Lam Xuân Thành tiếp tục được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao thêm 2,95ha rừng phòng hộ ven biển xã Xuân Thành để thành lập Dự án “Quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng phòng hộ ven biển”.
Mục tiêu dự án này nhằm “khai thác tiềm năng, lợi thế khoảng 2,95ha đất thuộc dãy rừng phòng hộ nằm dọc theo bờ biển của Khu du lịch Xuân Thành; quản lý và khai thác bảo tồn cảnh quan dãy rừng phòng hộ để phát triển du lịch, dịch vụ theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trồng thêm rừng và phát triển rừng bền vững nhằm đảm bảo lợi ích chung”.
Trong Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý cho nhà đầu tư lắp đặt 130 lều trại cho khách du lịch thuê; xây dựng 3 nhà bán cà phê, đường dạo nội bộ, cấp nước ngọt, cấp điện… Đầu tư các hoạt động thể thao bờ biển và các hoạt động ngoài trời khác. Dự án đầu tư quản lý, khai thác, sử dụng lạch nước và hai bên bờ lạch nước ngọt Xuân Thành: Cung cấp dịch vụ cho khách có nhu cầu bơi thuyền và dạo chơi hai bên bờ lạch; kinh doanh các quán cà phê bên bờ lạch…
Trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu dự án hoàn thành và đưa vào khai thác trong vòng 2 tháng, là tháng 6/2017. Tuy nhiên, phải hơn 3 năm sau, vào khoảng tháng 11/2019, Công ty CP Hồng Lam Xuân Thành bắt đầu xây dựng “theo cách của mình”!
Hiệp Sinh – Văn Dũng