Hà Nội: Sai phạm được “chỉ mặt đặt tên”, hàng loạt cơ quan coi như không biết?

(Dân trí) - Hàng loạt công trình xây dựng trái phép “xẻ thịt” công viên Tuổi trẻ, biến đất vườn hoa, cây xanh, sân thể thao công cộng thành sân tennis để kinh doanh tại Khu đô thị mới Yên Hòa, ngôi biệt thự khủng cũng tại phường Yên Hoà…đang là những công trình sai phạm ngang nhiên thách thức pháp luật giữa thủ đô.

“Xẻ thịt” cả công viên và hàng loạt cơ quan coi như không biết

Công viên Tuổi trẻ tại phường Thanh Nhàn - Hai Bà Trưng (Hà Nội) bị chiếm dụng xây dựng thành hàng loạt công trình kinh doanh trục lợi là một thực trạng diễn ra nhiều năm nay khiến dư luận bức xúc đến kinh ngạc. “Xẻ thịt” công viên Tuổi trẻ không phải là hành vi biển thủ không gian cộng đồng một cách lén lút mà nó diễn ra công khai, giữa thanh thiên bạch nhật, ngay trước mắt của hàng loạt các cơ quan chức năng từ chính quyền cấp phường, quận và lực lượng thanh tra xây dựng.

Hà Nội: Sai phạm được “chỉ mặt đặt tên”, hàng loạt cơ quan coi như không biết? - 1

 

Hà Nội: Sai phạm được “chỉ mặt đặt tên”, hàng loạt cơ quan coi như không biết? - 2

Trong công viên Tuổi trẻ là siêu thị, nhà hàng...

Trong công viên Tuổi trẻ là siêu thị, nhà hàng...

Ấy thế mà một sự việc đã “rõ như ban ngày” nhưng cuối cùng qua nhiều lần thanh tra đi, kết luận lại rồi vẫn…đâu vào đấy.

Năm 2012, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có văn bản “điểm mặt” 8 công trình vi phạm “khủng” ngang nhiên phá vỡ quy hoạch được TP. Hà Nội phê duyệt, vi phạm nghiêm trọng về xây dựng. Những công trình vi phạm TTXD bị Sở QHKT “điểm mặt” bao gồm: Sân tennis hiện có 4 sân có mái che, 8 sân không mái che. Trong khi quy hoạch chi tiết được điều chỉnh xác định chỉ có 4 sân tennis ngoài trời thuộc ô số 43 phù hợp vị trí quy hoạch, 8 sân tennis còn lại thuộc ô số 46 xây dựng không phép trên vị trí được phê duyệt quy hoạch vườn cây xanh chủ đề.

Theo quy hoạch chi tiết điều chỉnh công viên Tuổi trẻ Thủ đô tỷ lệ 1/500, ô đất số 17 là đất cây xanh. Tuy nhiên, hiện diện trên đó lại là nhà hàng Queen Bee; Ô số 37 được phê duyệt là Khu nhà văn hóa, Ban quản lý dự án và các hoạt động, hiện có nhà 2 tầng làm văn phòng Công ty và Văn phòng Trung tâm xuất khẩu lao động.

3 sân bóng mini được xây dựng trên ô số 37, được Thành phố phê duyệt quy hoạch làm Khu nhà văn hóa, Ban quản lý dự án và các hoạt động khác; Khu đất giáp đường Võ Thị Sáu hiện có 17 hộ gia đình tái lấn chiếm diện tích mặt bằng đã bàn giao phục vụ dự án; 3 bãi trông giữ xe ôtô nằm trên diện tích quận Hai Bà Trưng đã GPMB được phê duyệt quy hoạch đất cây xanh, thảm cỏ.

Tầng hầm khu sân tennis (sức chứa1500 chỗ) có mái che, theo quy hoạch được sử dụng làm chỗ đỗ xe, không sử dụng kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, hiện tầng hầm khu sân tennis có mái che đang được Siêu thị FiviMart và Nhà hàng Vạn Tuế sử dụng kinh doanh.

Hiện Công ty TNHH MTV Đầu tư Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội đang là chủ dự án công viên Tuổi trẻ Thủ đô.

Liên quan đến vụ việc thách thức pháp luật giữa thủ đô này, bạn đọc Dân trí đã phải bất bình thốt lên: “Một người dân bình thường không thể “nhảy dù” vào “xẻ thịt” công viên Tuổi trẻ”.


Hai sân Tennis tại phường Yên Hoà​ liệu có được cưỡng chế trả lại không gian cho cộng đồng?

Hai sân Tennis tại phường Yên Hoà​ liệu có được cưỡng chế trả lại không gian cho cộng đồng?

Và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng đã phải có Văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương xử lý các công trình vi phạm. Văn bản chỉ đạo yêu cầu, “...Sở Xây dựng Hà Nội khẩn trương tổ chức, xử lý dứt điểm toàn bộ vi phạm trật tự xây dựng tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô và chịu trách nhiệm trước thành phố về tiến độ, kết quả xử lý. Hoàn thành trong tháng 8/2015...”. Đến nay, “tối hậu thư” của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng đã qúa hạn hơn 1 tháng.

Nghĩ về chữ “NGAY” trong ý thức bảo vệ “kỷ cương phép nước” của chính quyền

Vụ “xẻ thịt” đất vườn hoa, cây xanh, sân thể thao công cộng thành sân tennis để kinh doanh tại Khu đô thị mới Yên Hòa - Cầu Giấy (Hà Nội) cũng là một thái độ của chủ đầu tư là Tổng công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim Holdings)

Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận, Constrexim Holdings sử dụng sai mục đích 2.715m2 đất được duyệt quy hoạch xây vườn hoa, cây xanh, sân thể thao công cộng thành 2 sân tennis, nhà điều hành kiên cố diện tích 99,6m2;

Sau khi Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành Kết luận, ngày 11/7/2013, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, Trần Việt Hà ban hành Văn bản số 692/UBND-QLĐT, gửi UBND phường Yên Hòa và Constrexim Holdings yêu cầu thực hiện nghiêm yêu cầu xử lý của Thanh tra. Giao UBND phường chủ trì, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện ngay Kết luận.

Hơn 3 năm sau ngày Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành Kết luận số 202/KL-TTr, yêu cầu có biện pháp xử lý, đến nay vi phạm tại KĐT mới Yên Hòa vẫn ngang nhiên tồn tại, hàng ngày chủ đầu tư tiếp tục khai thác công trình vi phạm khiến cư dân KĐT mới Yên Hòa ngao ngán.

 


Biệt thự khủng biểu tượng của sự thách thức pháp luật.

Biệt thự khủng "biểu tượng" của sự thách thức pháp luật.

Cũng tại phường Yên Hoà, tại Khu nhà ở và Công trình công cộng phường Yên Hòa, công trình xây dựng biệt thự lô 9 vô tư phá vỡ kiến trúc tổng thể đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt.

Thay vì xây dựng 104m2 tầng hầm, chủ đầu tư lại cho xây diện tích tầng hầm lên gần 250m2 gây nứt tường, sân, ảnh hưởng đến môi trường của các hộ dân liền kề. Tại các tầng 1, 2, 3 được xây dựng diện tích 180m2 sàn/tầng, trong khi diện tích cấp trong giấy phép là 104,5m2/tầng. Do chủ đầu tư mở rộng diện tích, buộc công trình phải khoan thêm cọc nhồi sâu hàng chục mét gây ảnh hưởng móng của các biệt thự khác xung quanh. Ngoài ra, công trình còn vi phạm về chiều cao theo GPXD được cấp.

Sau khi những vi phạm được báo chí phản ánh, ngày 13/8/2015, UBND quận Cầu Giấy đã ký Quyết định số 291/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư lô 9, Khu nhà ở và Công trình công cộng phường Yên Hòa. Với hành vi thi công xây dựng công trình sai nội dung GPXD, chủ đầu tư bị xử phạt 15 triệu đồng. Quận Cầu Giấy yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ phần công trình xây dựng vi phạm trong thời hạn 10 ngày, nhưng sau thời hạn này chủ đầu tư vẫn “án binh bất động”.

Tiếp đó, UBND quận Cầu Giấy đã ký quyết định cưỡng chế công trình vi phạm “khủng” trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi tống đạt quyết định. Quyết định cưỡng chế công trình vi phạm tại lô 9, Khu nhà ở và Công trình công cộng, thuộc địa bàn phường Yên Hòa được ban hành dựa trên hồ sơ do UBND phường Yên Hòa và Đội Thanh tra Xây dựng gửi lên sau khi chủ đầu tư không nghiêm túc tự phá dỡ đúng thời hạn ghi trên Quyết định số 291/QĐ-XPVPHC ngày 13/8/2015, về việc xử phạt vi phạm hành chính của UBND quận Cầu Giấy.

Lần này, công luận đang chờ đợi và giám sát về chữ “NGAY” trong ý thức bảo vệ “kỷ cương phép nước” của chính quyền.

Anh Thế