Bảo vệ tòa nhà có được phép giữ CCCD của khách đến liên hệ công tác?

Khả Vân

(Dân trí) - Tôi đến liên hệ làm việc với công ty A có trụ sở tại một tòa nhà trên phố Tây Sơn, Hà Nội; khi lên hệ qua cổng bảo vệ, họ yêu cầu tôi xuất trình và giữ CCCD của tôi.

Tôi không đồng ý việc họ giữ CCCD của mình, nhưng họ nói đây là quy định và phải giữ lại thẻ căn cước thì khách mới được phát thẻ đeo để vào tòa nhà.

Xin hỏi đây có phải hành vi vi phạm pháp luật của bảo vệ tòa nhà?. Tôi cần làm gì trong tình huống này?.

Trả lời:

Căn cứ khoản 2 Điều 28 Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13, bảo vệ tòa nhà không được phép giữ Căn cước công dân (CCCD) của khách đến làm việc bởi thẻ CCCD chỉ bị tạm giữ trong các trường hợp dưới đây:

- Công dân đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc vào trường giáo dưỡng.

- Đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc đang chấp hành án phạt tù.

Trong thời gian này, công dân vẫn được phép dùng thẻ CCCD của mình để giao dịch. Khi hết thời hạn của các trường hợp trên, công dân sẽ được trả lại thẻ CCCD.

Đặc biệt, khoản 4 Điều 28 Luật này nêu rõ, người có quyền tạm giữ thẻ CCCD của người khác là cơ quan thi hành lệnh tạm giam, tạm giữ, thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục hoặc cai nghiện bắt buộc.

Do đó, bảo vệ tòa nhà không phải một trong các cơ quan có thẩm quyền tạm giữ thẻ CCCD của người khác đồng thời người đến liên hệ công tác cũng không thuộc một trong các trường hợp bị tạm giữ thẻ CCCD ở trên.

Bảo vệ đòi giữ CCCD của khách có bị phạt không?

Căn cứ Luật Căn cước công dân, bảo vệ tòa nhà không phải đối tượng được giữ Căn cước công dân của người thuê trọ, đồng thời, công dân đến liên hệ công tác cũng không phải trường hợp phải bị giữ CCCD.

Do đó, nếu bảo vệ tòa nhà có hành vi đòi hỏi giữ CCCD của bạn thì có thể bị coi là chiếm đoạt, sử dụng thẻ Căn cước công dân của người khác.

Với hành vi này, theo điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người bảo vệ sẽ bị phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng. Đồng thời, thẻ Căn cước công dân sẽ được nộp lại cho cơ quan chức năng:

Điều 10. Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân

[…]

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác;

[…]

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và điểm đ khoản 4 Điều này;

Những rủi ro khi bị người khác giữ CCCD 

- Bị sử dụng CCCD để làm hồ sơ vay qua app hoặc vay tín chấp... do hiện nay, thủ tục vay vốn ngày càng đơn giản, nhanh chóng. Do đó, nếu để lộ số CCCD, bạn có thể bị sử dụng số CCCD để vay và trở thành con nợ dù trước đó không hề vay vốn.

- Bị sử dụng để đăng ký thuế, đóng bảo hiểm xã hội... Đây là một trong những rủi ro thường gặp. Khi đó, nếu sau này có phát sinh nghĩa vụ thuế hoặc khi đóng bảo hiểm xã hội, bạn sẽ bị trùng mã số thuế hoặc mã số bảo hiểm xã hội và gặp khó khăn trong quá trình hưởng các chế độ.

- Bị sử dụng để mở tài khoản ngân hàng, bị sử dụng để đăng ký sim chính chủ. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm