Bài 2:

Hà Nội: Phía sau vụ đem đất công vị trí “kim cương” đi liên kết nhận hơn 5 tỷ là gì?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc để được sử dụng 450m2 đất “kim cương” tại số 33 Nguyễn Chí Thanh (Ba Đình - Hà Nội), doanh nghiệp hàng tháng phải chuyển số tiền 100 triệu đồng vào tài khoản của Trung tâm trợ giúp Nông dân TP Hà Nội, số tiền chuyển đến nay đã hơn 5 tỷ đồng, doanh nghiệp này chưa hề được bàn giao lại chứng từ, hoá đơn để giám sát. Ngay sau khi Báo Dân trí thông tin sự việc, lãnh đạo Hội Nông dân TP Hà Nội đã họp và chỉ đạo trung tâm này phải giải trình ngay toàn bộ sự việc.

Yêu cầu giải trình ngay toàn bộ sự việc

Trong đơn thư gửi Báo Dân trí, ông Trần Đức Thuấn - Chức vụ Giám đốc Công ty TNHH Công thương Hưng Long, địa chỉ tại tầng 1, nhà B1, số 33 Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, yêu cầu Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội (Hội Nông dân TP Hà Nội) giải trình về việc từ ngày 02/1/2015 đến nay, hàng tháng, Công ty Hưng Long đã chuyển vào tài khoản của trung tâm này số tiền kinh phí hoạt động 100 triệu đồng. Tính đến thời điểm hiện nay, Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội đã nhận được hơn 5 tỷ đồng. Đổi lại, công ty chúng tôi được sử dụng diện tích mặt bằng 450 m2 tại tầng 1, nhà B1, số 33 Nguyễn Chí Thanh.

Hà Nội: Phía sau vụ đem đất công vị trí “kim cương” đi liên kết nhận hơn 5 tỷ là gì? - 1
Hà Nội: Phía sau vụ đem đất công vị trí “kim cương” đi liên kết nhận hơn 5 tỷ là gì? - 2

Doanh nghiệp cho biết phải chi hơn 5 tỷ gửi vào tài khoảng Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội để được sử dụng 450m2 đất vị trí "kim cương" kinh doanh trong 5 năm qua.

 Trong suốt thời gian gần 5 năm trên, chúng tôi phải giải phóng mặt bằng, cải tạo sửa chữa để giới thiệu sản phẩm và kinh doanh buôn bán mới có tiền để nộp cho Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội. Tính đến thời điểm này, Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội đã nhận đủ số tiền trên nhưng chưa hoàn trả chứng từ theo hợp đồng đã ký kết cho công ty chúng tôi để Công ty chúng tôi có căn cứ giải trình với cơ quan chức năng nhà nước.

Mặt khác, Công ty chúng tôi yêu cầu phải cung cấp bàn giao lại chứng từ để chúng tôi giám sát việc sử dụng số tiền đó có đúng mục đích hay không, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, tránh thất thoát tài sản nhà nước”.

Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đã có buổi làm việc với Hội Nông dân TP Hà Nội. Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó chủ tịch khẳng định ngay: “Khu vực số 33 Nguyễn Chí Thanh là khu chung cư nhưng toàn bộ diện tích tầng 1 và một phần tầng 2 thuộc sở hữu của Hội Nông dân TP Hà Nội. Khẳng định đó là đất công. Đó là điều chắc chắn và không có gì phải bàn cãi”.

Theo ông Hải, trong quá trình hoạt động của Trung tâm trợ giúp nông dân Hà Nội, hoạt động liên kết này là một trong các nội dung mà trung tâm đang thực hiện. Về chủ trương thì đơn vị này có báo cáo. Thế nhưng việc hoạt động liên kết cụ thể ra sao thì trung tâm này phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Hà Nội: Phía sau vụ đem đất công vị trí “kim cương” đi liên kết nhận hơn 5 tỷ là gì? - 3

Lãnh đạo Hội Nông dân TP Hà Nội đã yêu câu Trung tâm trợ giúp nông dân Hà Nội giải trình ngay toàn bộ sự việc.

“Tôi giao nhiệm vụ cho anh, tôi chỉ định hướng cho anh về nhiệm vụ còn trong quá trình anh làm thế nào anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ không phải Hội can thiệp sâu vào quá trình anh thu thế nào, anh chi thế nào vì anh độc lập về mặt tài chính. Ví dụ như, nếu ông liên doanh liên kết với một ông vi phạm pháp luật thì anh phải chịu trách nhiệm, nếu anh hoạt động không đúng quy định pháp luật thì anh phải chịu trách nhiệm chứ không thể bắt Hội phải chịu trách nhiệm trong việc đó được”, ông Hải cho biết.

Về hoạt động liên kết khu đất “kim cương” và số tiền hơn 5 tỷ đã nhận từ doanh nghiệp của Trung tâm trợ giúp nông dân TP Hà Nội, ông Hải bày tỏ: “Việc liên doanh, liên kết với Hưng Long, Công ty Sao Nam… phía Trung tâm trợ giúp nông dân có báo cáo trong hoạt báo cáo hàng tháng và báo cáo hoạt động công việc.

Tuy nhiên, đơn vị này có con dấu, có tư cách pháp nhân và phải chịu hoàn việc anh liên kết với ai, anh làm việc gì và hoạt động đó có vi phạm pháp luật hay không, anh phải biết. Việc hoạt động có báo cáo nhưng chỉ báo cáo ở mức để Hội Nông dân TP Hà Nội biết là có hoạt động đó còn hoạt động đó cụ thể như thế nào, thoả thuận với nhau như thế nào thì trách nhiệm thuộc hoàn toàn về trung tâm.

Chiều ngày 4/9/2019, tôi đọc được thông tin sự việc được đăng tải trên Báo Dân trí, tôi điện ngay cho ông Tô Hải Long, giám đốc trung tâm hỏi các ông Long có biết việc đó không? Ông Long trả lời có biết. Khi đó, đồng chí Lê Trọng Khuê, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội đang đi công tác nước ngoài, tôi đã báo cáo ngay sự việc với Phó chủ tịch thường trực Hội và trao đổi luôn với ông Long rằng: Tôi có 2 yêu cầu, thứ nhất, anh phải làm việc ngay với Công ty Hưng Long là tại sao hoạt động liên doanh liên kết với nhau 5 năm, tại sao ông không trả doanh nghiệp chứng từ?

Hà Nội: Phía sau vụ đem đất công vị trí “kim cương” đi liên kết nhận hơn 5 tỷ là gì? - 4

Ngoài đồ gỗ Hưng Long treo biển kinh doanh thì tại khu đất công vị trí đắc địa này còn có nhà hàng Nét Huế hoạt động sôi động.

Thứ hai, hiện nay, UBND TP Hà Nội đang giao cho Sở Tài chính có hướng dẫn tới đây tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập được phép sử dụng trụ sở để liên doanh liên kết thì phải làm đề án báo cáo UBND TP Hà Nội. Nếu được phê duyệt thì sẽ được thực hiện. Tôi trao đổi với ông Long là mời ngay Công ty Hưng Long, công ty Sao Nam… đến làm việc”.

Về diễn tiến sự việc, Phó chủ tịch Hội nông dân TP Hà Nội Nguyễn Hồng Hải cho biết: Hiện nay, Thường trực lãnh đạo Hội vừa họp xong. Chủ tịch Hội đi công tác nước ngoài về chủ trì ngay cuộc họp, nghe thông tin tình hình báo cáo toàn bộ sự việc tiếp tục yêu cầu trung tâm phải làm ngay báo cáo giải trình với thường trực lãnh đạo Hội về quá trình tổ chức, liên kết như thế nào; đồng thời, tiếp tục yêu cầu phải có sự phối hợp với Công ty Hưng Long để làm rõ các vấn đề, nếu các anh đã thanh toán với nhau đầy đủ rồi thì các anh phải công khai chứng từ hoá đơn.

“Trung tâm trợ giúp nông dân TP Hà Nội cần làm việc với doanh nghiệp để xác định trung tâm đã trả doanh nghiệp hoá đơn chứng từ chưa? Nếu chưa trả thì bao giờ trả? Chỉ có như vậy thôi và phải thực hiện”, ông Hải khẳng định.

Hà Nội: Phía sau vụ đem đất công vị trí “kim cương” đi liên kết nhận hơn 5 tỷ là gì? - 5
Hà Nội: Phía sau vụ đem đất công vị trí “kim cương” đi liên kết nhận hơn 5 tỷ là gì? - 6

Vấn đề tiền bạc nằm trong một phụ lục hợp đồng.

Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội nói gì?

Để làm rõ phản ánh của doanh nghiệp cũng như việc quản lý 450m2 đất công tại vị trí “kim cương” 33 Nguyễn Chí Thanh của Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội, PV Dân trí đã liên hệ làm việc với cơ quan này.

Ông Tô Hải Long, Giám đốc trung tâm sắp xếp thêm các cán bộ lãnh đạo làm việc với Báo Dân trí gồm: Ông Hoàng Tùng, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm kiêm uỷ viên UBKT Đảng uỷ Hội nông dân TP Hà Nội; Ông Ngô Quốc Thắng, Phó giám đốc Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội; Ông Trần Xuân Hải, phụ trách công tác kế toán của Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội.

Tại buổi làm việc, ông Long cùng các cán bộ, lãnh đạo Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội thừa nhận mỗi tháng Công ty TNHH công thương Hưng Long có chuyển vào tài khoản của trung tâm này 100 triệu đồng. Tổng số tiền trung tâm đã nhận hiện hơn 5 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, lãnh đạo trung tâm này cho biết số tiền này là doanh nghiệp tự nguyện đóng góp và trung tâm này sử dụng số tiền vào các hoạt động chung. Lãnh đạo Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội còn cho rằng số tiền 100 triệu Công ty Hưng Long chuyển hàng tháng còn không đủ chi dùng.

Hà Nội: Phía sau vụ đem đất công vị trí “kim cương” đi liên kết nhận hơn 5 tỷ là gì? - 7

Ông Tô Hải Long, Giám đốc Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội (thứ 2 từ phải sang) cùng các cán bộ lãnh đạo cơ quan làm việc với PV Dân trí.

Điều khá khó hiểu là khi được hỏi về số tiền 100 triệu chuyển cho Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội, doanh nghiệp lấy từ nguồn nào, ông Tô Hải Long, Giám đốc trung tâm cho rằng là do các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi PV Dân trí cung cấp thông tin về việc, doanh nghiệp sử dụng 450 m2 đất “kim cương” tại 33 Nguyễn Chí Thanh để kinh doanh suốt 5 năm qua, ông Long tỏ ra bất ngờ và khẳng định không hề biết doanh nghiệp dùng diện tích này để kinh doanh.

Ông Long còn nhiều lần cảm ơn PV Báo Dân trí đã cung cấp thông tin cho ông được biết sự việc này. Trong khi đó, doanh nghiệp buôn bán trên 450m2 đất này tại tầng 1 còn Trụ sở Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội thì nằm trên tầng 2 (!?).

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Trước khi làm rõ các yếu tố pháp lý, nghĩa vụ tài chính liên quan số tiền 100 triệu đồng doanh nghiệp chuyển hàng tháng cho Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội thì tôi cho rằng UBND TP Hà Nội, Hội Nông dân TP Hà Nội phải xác định ngay 450m2 mặt bằng tại 33 Nguyễn Chí Thanh là đất công, và hơn nữa là đất công tại vị trí “kim cương”. Vì vậy, điều mà UBND TP Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội và Hội Nông dân TP Hà Nội phải lập tức làm ngay là thanh tra, làm sáng tỏ minh bạch ngay vụ liên kết rất có vấn đề này”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm