Hà Nội: Người khuyết tật tố bị chiếm dụng đất và gây khó dễ khi xin cấp sổ đỏ
(Dân trí) - Là người duy nhất còn lại được hưởng thừa kế ba thửa đất, bà Vũ Thị Vy là người khuyết tật đã uỷ quyền cho ông Vũ Văn Lưu (SN 1947), trú tại thôn Ninh Dương, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội gửi đơn kêu cứu tố UBND xã Thanh Cao (Thanh Oai) chiếm dụng mất 1 thửa đất và làm khó gia việc xin cấp sổ đỏ của gia đình bà với 2 thửa đất còn lại.
Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của ông Vũ Văn Lưu (SN 1947), trú tại thôn Ninh Dương, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Theo đơn thư, ông Lưu cho biết ông là người trực tiếp nuôi dưỡng bà Vũ Thị Vy (là người khuyết tật) cũng là người đại diện theo ủy quyền của bà Vy; Bà Vũ Thị Vy là người duy nhất còn lại được hưởng thừa kế ba thửa đất: Thửa đất số 119, tờ bản đồ số 06, diện tích: 143 m2; Thửa đất số 144, tờ bản đồ số 06, diện tích: 215 m2; Thửa đất số 120, tờ bản đồ số 06, diện tích: 671 m2 tại thôn Ninh Dương, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội nhưng hiện nay 01 thửa bị UBND xã Thanh Cao cho rằng thuộc quyền sở hữu của xã, 02 thửa còn lại không thể làm được sổ đỏ do UBND xã không xác nhận về thực trạng sử dụng đất.
Theo ông Lưu, nguồn gốc 03 thửa đất trên do bố mẹ bà Vũ Thị Vy là cụ Vũ Văn Yến (chết năm 1948) và Nguyễn Thị Tuất (chết năm 1986) để lại cho hai chị em bà Vũ Thị Vy, đứng tên chị gái bà Vũ Thị Vy là Vũ Thị Soạn. Bà Soạn không chồng, không con. Năm 1999, bà Vũ Thị Soạn chết nên bà Vũ Thị Vy quản lý, sử dụng cả 03 thửa đất từ đó đến nay. Thửa đất số 120 bà sử dụng làm nhà ở, hai thửa 119 và 144 là đất ao được gia đình bà đầu tư cải tạo, đổ đất thành vườn trồng rau sạch.
Năm 2005, chồng và các con của một người chị nuôi của bà Vũ Thị Vy khởi kiện bà Vũ Thị Vy đòi chia thừa kế đối với 03 thửa đất trên nhưng qua hai cấp xét xử sơ thẩm và giám đốc thẩm, tòa án giám đốc thẩm tuyên việc xét xử sơ thẩm có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật, yêu cầu xét xử sơ thẩm lại từ đầu thì phía nguyên đơn rút đơn. Trong các bản án/quyết định của hai cấp tòa án đều khẳng định, tòa án có xác minh hiện trạng sử dụng đất và ghi nhận: “Công nhận khối tài sản gồm hai gian nhà cấp 4 và ba gian bếp trên đất số 120, diện tích 671 m2 và hai ao, ao lớn số ô thửa 144, diện tích 215 m2, ao nhỏ số ô thửa 119, diện tích 143 m2 tại bản số 6, thôn Ninh Dương, xã Thanh Cao là di sản của cụ Vũ Văn Yến và cụ Nguyễn Thị Tuất”.
Sau khi nguyên đơn rút đơn năm 2009, bà Vũ Thị Vy là người duy nhất quản lý, sử dụng cả 03 thửa đất cho đến nay.
Ngày 13/7/2015, UBND xã Thanh Cao thông báo trên loa về việc một trong ba thửa đất của bà Vũ Thị Vy (thửa đất 119, diện tích 143 m2) là đất công, thuộc quyền quản lý, sử dụng của UBND xã nên xã sẽ tổ chức dọn dẹp vệ sinh. Ngay trong ngày 13/7/2015, đại diện cho bà Vũ Thị Vy là ông Vũ Văn Lưu đã có đơn yêu cầu UBND xã Thanh Cao đính chính lại thông tin này và công nhận chủ quyền cho bà Vũ Thị Vy đối với thửa đất 119. Tiếp theo đó là hai lần gửi đơn nữa (đều gửi chuyển phát nhanh) nhưng UBND xã Thanh Cao không giải quyết.
Trích lục bản đồ 1 trong số 3 thửa đất bà Vy cho rằng mình là chủ sở hữu.
Ngày 11/9/2015, UBND xã Thanh Cao tổ chức người đến đổ bê tông, trồng cây và đặt ghế đá trên thửa đất 119 (là thửa đất đang có tranh chấp, gia đình bà Vũ Thị Vy đang có đơn mà xã chưa tổ chức giải quyết). Đại diện bà Vũ Thị Vy là ông Vũ Văn Lưu tiếp tục có đơn.
“Ngày 06/10/2015, Chủ tịch xã Trần Văn Lợi mời tôi đến làm việc. Dù các bản án, quyết định của tòa án đã được tôi cung cấp và trình bày tại buổi làm việc và thực tế sử dụng đất của gia đình bà Vũ Thị Vy trong nhiều chục năm qua mà không có bất kỳ văn bản xử lý vi phạm hành chính nào từ xã ... ,Chủ tịch xã Trần Văn Lợi vẫn ra Thông báo số 60/TB-UBND ngày 08/10/2015 có nội dung tuyên bố thửa đất số 119 là của UBND xã Thanh Cao. Và trên thực tế bà Vũ Thị Vy đã bị mất quyền sử dụng với thửa đất 119 này vì hiện nó đang được sử dụng làm sân chung cho toàn thôn sử dụng.
Từ đó đến nay, cho dù đã có rất nhiều đơn khiếu nại, tố cáo ông chủ tịch Trần Văn Lợi nhưng đơn của đại diện bà Vũ Thị Vy chưa được cấp thẩm quyền nào tổ chức giải quyết thấu đáo”, ông Lưu cho biết.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đào Thị Liên - Giám đốc điều hành Công ty Luật Tiền Phong - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết:
“Về quyền của bà Vũ Thị Vy với ba thửa đất: Căn cứ văn bản xác nhận của UBND xã ngày 29/11/2015; căn cứ Điều 645 Bộ Luật Dân sự về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế; căn cứ Điều 676 Bộ Luật Dân sự về xác định người thừa kế theo pháp luật; có đủ cơ sở xác định được bà Vũ Thị Vy là người thừa kế duy nhất tài sản của bố mẹ, chị gái để lại đối với ba thửa đất tại thôn Ninh Dương, xã Thanh Cao; đối với trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận thì UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận về tình trạng nhân thân, hiện trạng sử dụng và các yếu tố khác để công nhận và xác nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho những người được thừa kế.
Quyết định đình chỉ vụ án dân sự giữa bà Vũ Thị Vy với các nguyên đơn.
Cần phải giữ nguyên hiện trang đất khi có đơn tranh chấp về quyền sử dụng đất:
Theo điểm e khoản 1 Điều 195 Luật Đất đai, khoản 1 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ – CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì UBND xã phải có trách nhiệm tổ chức giải quyết đơn thư của bà Vy liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất.
Về nguyên tắc khi bà Vy có đơn thư tranh chấp đất thì UBND xã phải có trách nhiệm bảo toàn hiện trạng để làm rõ nội dung tranh chấp, tránh gây ra những thiệt hại không đáng có. Việc UBND xã tổ chức cưỡng chiếm, đổ bê tông, trồng cây trên đất đang có tranh chấp là đi ngược lại nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai;
Cần phải áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết quyền lợi cho công dân:
Trong vụ việc này, hồ sơ địa chính xác định UBND xã đứng tên thửa 119, nhưng thực tế gia đình bà Vũ Thị Vy quản lý thửa đât này, nghĩa là có sự khác nhau về thông tin chủ sử dụng đất; cần phải căn cứ vào các bằng chứng khách quan để xác định cho đúng chủ quyền đất:
Tài liệu rất quan trọng và khách quan trong vụ việc này là bản án/quyết định của hai cấp tòa án đều ghi nhận nguồn gốc và thực tế quyền sử dụng đất thuộc về gia đình bà Vũ Thị Vy, những tài liệu này đều có sau thời điểm lập hồ sơ địa chính 1995, tại sao UBND xã không xét?
Một nguồn tài liệu nữa cũng rất quan trọng là biên bản thống kê đất đai được thực hiện hàng năm bởi UBND cấp xã; Biên bản kiểm kê đất đai cùng bản đồ hiện trạng sử dụng đất UBND xã lập định kỳ 5 năm một lần (theo quy định tại Điều 34 Luật Đất đai 2013 về thống kê, kiểm kê đất và các Luật Đất đai trước đó đều có quy định) tại sao UBND xã Thanh Cao không mang các tài liệu này ra đối chiếu? Tại sao không công khai biên bản thống kê, biên bản kiểm kê và bản đồ hiện trạng sử dụng đất cho công dân biết?
Thực tế sử dụng đất là một tiêu chí quan trọng để xác định chủ quyền sử dụng đất, gia đình bà Vũ Thị Vy là người đổ đất cải tạo đất ao thành đất vườn từ những năm 2003 đến nay đã được 13 năm liên tục trồng rau trên đất, tại sao UBND xã không xét?"
Một diễn biến khác, theo đơn kêu cứu, ngày 10/5/2016, đại diện bà Vũ Thị Vy tiến hành kê khai làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho hai thửa đất còn lại là thửa đất số 120 và thửa đất số 144 thì UBND xã ra Công văn số 35/UBND có nội dung hai thửa đất trên đang trong quá trình giải quyết tranh chấp nên không đủ điều kiện làm sổ đỏ.
Không đồng ý với việc xác nhận như trên, đại diện của bà Vũ Thị Vy là ông Vũ Văn Lưu làm đơn khiếu nại.
Luật sư Đào Thị Liên cho rằng: “Chiểu theo điều 100 Luật Đất đai 2013 thì bà Vũ Thị Vy thuộc trường hợp có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, sử dụng đất ổn định nên phải được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất .
Trong vụ việc này có những vấn đề nổi cộm mà UBND xã cần xem xét, giải quyết gồm:
Thứ nhất, cần nhận diện tranh chấp đất đai để giải quyết triệt để:Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn quy định về nguyên tắc tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai, được thể hiện dưới nhiều hình thái khác nhau như đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai được gửi đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Cụ thể, Điều 203 Luật Đất đai quy định: Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND xã mà không thành thì đương sự nộp đơn đến cơ quan có thẩm quyền là TAND/UBND huyện yêu cầu giải quyết.
UBND xã Thanh Cao trả lời không đủ điều kiện cấp sổ đỏ cho bà Vũ Thị Vy.
Công văn 35 của UBND xã Thanh Cao thông báo cho gia đình công dân Vũ Thị Vy về việc hiện nay UBND xã có nhận được đơn của gia đình bà Mai yêu cầu dừng cấp sổ đỏ cho bà Vũ Thị Vy, cũng như khởi kiện yêu cầu chia đất. Vậy xã sẽ tiếp nhận các đơn thư trên như thế nào là đúng quy định của pháp luật?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 26, Điều 28 Luật Tiếp công dân thì UBND xã - cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn, thư của người dân và có trách nhiệm hướng dẫn công dân thực hiện đúng pháp luật trong việc thực hiện quyền khiếu nại, quyền khởi kiện, quyền yêu cầu..... Trong trường hợp nhận thấy đơn không đúng thẩm quyền của mình thì chuyển đơn hoặc chuyển bản ghi lại nội dung trình bày của người kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền để nghiên cứu, tiếp thu, xem xét, giải quyết.
Trường hợp có tranh chấp về đất đai, căn cứ điều 202, 203 Luật Đất đai quy định mọi tranh chấp đất đai trước khi khởi kiện tại Tòa án phải được hòa giải cấp cơ sở (tại UBND xã), vậy khi tiếp nhận đơn của gia đình bà Mai, UBND xã cần phải tìm hiểu và có hướng dẫn bà Mai thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai.
Thứ hai, cần xác định có hay không có tranh chấp, nếu tranh chấp không có thật hoặc bên tranh chấp cố tình gây tranh chấp trong khi không có căn cứ pháp lý chứng minh thì UBND xã cần làm rõ, giải thích cụ thể cho người dân, tránh làm mất thời gian, lãng phí tiền bạc, công sức của đương sự nói riêng và nhà nước nói chung.
Trong vụ việc này nếu Chủ tịch UBND xã Thanh Cao chỉ căn cứ vào Biên bản hòa giải không thành từ năm 2009 và Đơn đề nghị, Đơn khởi kiện đòi chia tài sản của bà Đỗ Thị Mai gửi UBND xã Thanh Cao từ tháng 3/2015 và tháng 3/2016 để khẳng định tại thời điểm ngày 23/5/2016 hai thửa đất nêu trên đang có tranh chấp là chưa đủ cơ sở pháp lý!
Thứ ba, vì tính chất quan trọng của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của cộng đồng quảng đại người dân, làm cơ sở để minh bạch hóa các chính sách về đất đai, là nền tảng giải quyết hiệu quả các tranh chấp đất đai; Thủ tướng chính phủ đã có chỉ đạo tại Chỉ thị 05/CT-TTg năm 2013 và Quốc hội đã ra Nghị quyết 30/2012/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII ngày 21/6/2012, quy định về việc hoàn thiện, đẩy mạnh rà soát, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho công dân, UBND xã Thanh Cao cần tôn trọng và thực hiện đúng các văn bản này.
Như vậy, nếu có tranh chấp đất thực sự thì UBND xã phải hướng dẫn công dân quy trình giải quyết, làm đơn, thu thập chứng cứ …; hoặc không có tranh chấp thì phải căn cứ quy định của pháp luật giải thích rõ để người dân không khiếu nại, khiếu kiện sai.
Trong trường hợp này, UBND xã Thanh Cao đã hướng dẫn công dân làm đúng chưa? Bên tranh chấp với gia đình bà Vũ Thị Vy có thực hiện đúng hướng dẫn không? Có đưa bằng chứng chứng minh tính liên quan của mình đối với quyền sử dụng đất nói trên không? Cái sai của UBND xã trong trường hợp này chính là không nhìn nhận ra vấn đề để giải quyết cho đúng. Người dân không tâm phục, khẩu phục khi sự việc chưa được làm rõ”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế