Hà Nội: Mua nhà kiểu “kỳ quặc”, giải quyết kiểu “kỳ quái”

(Dân trí)- Sau khi Dân trí đưa tin “Chuyện “kỳ quặc” trong hành trình mua nhà theo Nghị định 61/CP”, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra, làm rõ vụ việc, báo cáo kết quả về Thành phố trước ngày 20/12/2011. Tiếc rằng, đến nay chỉ đạo trên vẫn giậm chân tại chỗ.

Mua nhà kiểu “kỳ quặc”

Có nhiều trường hợp gian truân khi mua lại nhà đang ở thuê của Nhà nước theo Nghị định 61/CP nhưng trường hợp của gia đình cụ Vũ Thị Tân và con trai Vương Đình Cát ở 46 Hàng Bè, phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội có lẽ thuộc vào loại khó khăn nhất.

Theo tài liệu xác minh của PV Dân trí cho thấy: Vào  giữa năm 2003 khi gia đình ông Cát được mua và cấp "sổ đỏ" theo Nghị định 61/CP cho diện tích nhà 22,8m2 tại số nhà 46 phố Hàng Bè, thì gia đình ông mới biết, diện tích gian bếp (2,5m2) đã sử dụng nhiều năm nay, liền tường với nhà lại không nằm trong phần đất, nhà ghi trong "sổ đỏ" vừa cấp. Muốn giải quyết một lần cho gọn, ông Cát lại một lần nữa làm các thủ  tục để được mua nốt 2,5m2 còn lại.
 
Hà Nội: Mua nhà kiểu “kỳ quặc”, giải quyết kiểu “kỳ quái”
Công văn chỉ đạo giải quyết vụ việc trên sau gần 10 năm
vẫn không được thực hiện. (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Mọi chuyện ban đầu có vẻ thuận buồm xuôi gió với gia đình ông Cát khi các cán bộ Xí nghiệp Kinh doanh nhà đến đo đạc, lập hồ sơ, chuyển lên Công ty Kinh doanh nhà số 2 để giải quyết việc mua 2,5m2 nhà của ông. Chỉ sau vài tháng, khi các thủ tục hành chính chính đã hoàn tất, ông Cát được ký hợp đồng mua bổ sung diện tích 2,5m2 nhà tự tạo ngoài hợp đồng thuê nhà và được người ta gửi thông báo đến thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước để cấp "sổ đỏ".

Ngày 3/6/2004, ông Vương Đình Cát đã thực hiện nghĩa vụ này với số tiền nộp vào Kho bạc Nhà nước gần 3,7 triệu đồng theo Giấy nộp tiền số 0006699. Yên tâm ra về với lời dặn: "Chờ chúng tôi gọi lên lấy sổ đỏ". Nhưng chờ vài tháng rồi hàng năm cũng chưa thấy đâu, hành trình gõ cửa các cơ quan công quyền, khiếu nại kéo dài của gia đình ông Vương Đình Cát bắt đầu.

Vốn là một cán bộ thuộc Bộ Xây dựng, có khá nhiều mối quan hệ ở Hà Nội, ông Cát đã tìm đủ mọi con đường để việc mua bán được giải quyết nhưng đều thất bại.

Gần đây nhất, khoảng cuối năm 2005, UBND TP. Hà Nội đã biết về trường hợp của gia đình ông Cát và có công văn gửi Sở TN-MT & NĐ (nay là Sở TN-MT) Hà Nội, yêu cầu kiểm tra, xem xét, giải quyết trường hợp này.

Ông Nguyễn Đăng Bình, Phó Giám đốc Sở TN-MT&NĐ, sau khi kiểm tra toàn bộ sự việc cho biết, khoảng năm 2001 - 2002, Công ty Kinh doanh nhà số 2 đã bán nhà theo Nghị định 61/CP cho 3 hộ gia đình trong số nhà 46 Hàng Bè (Trong đó, có nhà ông Vương Đình Cát). Theo đó, cơ quan chức năng có phân bổ không hoạch định sân và ngõ đi chung cho 3 gia đình, bao gồm diện tích 2,5m2 mà ông Cát đã nộp tiền mua.

Như vậy, phần diện tích 2,5m2 này đã được bán một lần cho cả 3 gia đình từ khoảng 3 năm trước nhưng đến giữa năm 2004 lại điềm nhiên cho thu tiền để bán riêng cho gia đình ông Vương Đình Cát một lần nữa.

Sai sót "bán 2 lần" của cơ quan chức năng đã rõ nhưng sự việc giải quyết lại không dễ bởi phải thu "sổ đỏ" của cả 3 gia đình để chỉnh sửa mới có thể bán cho gia đình ông Cát.

Theo ông Nguyên Đăng Bình thì Sở TN-MT&NĐ đã ra văn bản (ngày 2/12/2005) yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với UBND phường sở tại tổ chức họp 3 gia đình để "sửa sai". Tuy nhiên, do chưa thỏa thuận được với các hộ gia đình nên sự việc vẫn dậm chân tại chỗ.

Giải quyết kiểu “kỳ quái”

Sau khi Dân trí đưa tin “Chuyện “kỳ quặc” trong hành trình mua nhà theo Nghị định 61/CP”, ngày 10/11/2011, UBND TP. Hà Nội ban hành công văn số 9783/UBND-TNMT gửi Báo Dân trí nêu rõ: “Báo Dân trí ngày 25/10/2011 có đăng bài “Chuyện “kỳ quặc” trong hành trình mua nhà theo Nghị định 61/CP” phản ánh gia đình cụ Vũ Thị Tân và con trai là Vương Đình Cát làm thủ tục mua nhà ở tại số 46 Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm từ năm 2003, nhưng đến nay các cơ quan chức năng chưa giải quyết xong.

Nguyên nhân do đơn vị bán nhà đã bán 2,5 m2 nhà mà gia đình cụ Tân đang sử dụng cho 2 hộ gia đình khác trong cùng biển số nhà, nhưng các cơ quan không xử lý, giải quyết dứt điểm.

Về việc này, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có ý kiến chỉ đạo như sau: Giao Sở Xây dựng kiểm tra, làm rõ việc bán nhà tại số 46 Hàng Bè theo phản ánh của Báo Dân trí, có biện pháp chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội giải quyết dứt điểm, báo cáo kết quả về UBND TP. Hà Nội trước ngày 20/12/2011.
Hà Nội: Mua nhà kiểu “kỳ quặc”, giải quyết kiểu “kỳ quái”
Ngày 24/11/2011, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với nhiều thành phần tham dự để giải quyết vụ việc bán nhà “kỳ quặc” mà Báo Dân trí đã phản ánh. Tuy nhiên, đã 5 tháng trôi qua, gia đình cụ Tân vẫn phải đôn đáo đi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để đòi quyền lợi chính đáng của gia đình mình.

Ngày 29/11/2011, Sở Xây dựng Hà Nội có công văn số 8893/SXD-B6 gửi UBND TP. Hà Nội nêu rõ: Ngày 24/11/2011 Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức cuộc họp gồm đại diện Sở Xây dựng, Báo Điện tử Dân trí, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, XN Quản lý và Phát triển nhà Hoàn Kiếm, Thanh tra Sở, đại diện UBND TP. Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm.

Các thành viên tham gia buổi họp trên đều đi đến thống nhất phương án giải quyết như sau: Đề nghị Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội tổ chức cuộc họp trong vòng 1 tháng để các hộ gia đình tự thỏa thuận phân chia hoạch định lại diện tích phụ dùng chung bằng văn bản, có xác nhận của UBND phường sở tại. Trên cơ sở đó Công ty tính lại bán theo thỏa thuận của các hộ, hủy Giấy chứng nhận cũ và cấp lại giấy chứng nhận mới theo thỏa thuận của các hộ gia đình.

Trong trường hợp, các hộ không tự hòa giải được đề nghị Công ty thực hiện theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại Văn bản số 3758/VP-UB ngày 20/11/2009 và văn bản số 3942/SXD-B61 ngày 31/05/2010 của Sở xây dựng.

Tiếc rằng, đến nay đã đã gần 10 năm trôi qua, vụ việc của gia đình cụ Tân đã rõ như ban ngày mà cứ nơi này chuyển đơn qua nơi khác. Các cơ quan có trách nhiệm không phân rõ được sự việc ai đúng, ai sai.

Dân sai thì phải giải thích để cho dân hiểu, chính quyền hoặc cơ quan công quyền cấp dưới làm sai phải quy định thời hạn giải quyết và và phải thường xuyên theo dõi việc giải quyết của cấp dưới. Cấp dưới do tiêu cực, làm sai thường báo cáo lên cấp trên méo mó, hoặc không đúng sự thật, thậm chí còn không tuân thủ ý kiến chỉ đạo của cấp trên, khiến vụ việc “tít mù nó chạy vòng quanh”, gia đình cụ Tân cứ mỏi mòn đi khiếu kiện.
 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Vương Đình Cát ngậm ngùi: “Mẹ tôi năm nay đã 98 tuổi, không biết cụ còn sống để theo đuổi chuyện mua bán “kỳ quặc” này nữa hay không. Vì việc này tôi đã phải gõ cửa nhiều cơ quan chức năng Trung ương và Hà Nội như: Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Bộ Xây dựng, Thành uỷ, HĐND Thành phố, UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng … và đã trực tiếp gặp lãnh đạo Thành phố tại các buổi tiếp dân v.v…

Mẹ tôi là người cao tuổi, là thân nhân liệt sĩ, gia đình tôi nằm giữa Thủ đô, không xa Thành uỷ và UBND TP. Hà Nội, một việc làm sai trái của Công ty kinh doanh nhà kéo dài gần 10 năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống gia đình nhà tôi vẫn chưa được giải quyết. Một sự việc không phải phức tạp mà tại sao các cơ quan chức năng cứ đùn đẩy để không chịu sửa sai (?!)…”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm