Hà Nội lại vào mùa đốt rơm, ngột ngạt đến tắc thở vì khói bụi
(Dân trí) - Khói rơm không chỉ bao phủ bầu trời của các huyện ngoại thành mà nó còn "tấn công" vào cả trung tâm Hà Nội, nắng nóng cộng với khói rơm làm không khí ngột ngạt đến tắc thở.
Hà Nội đang bước vào những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ ngoài trời có nơi đo được lên tới 40 độ C, không khí oi bức ngột ngạt.
Hãi hùng hơn, khi các huyện ngoại thành Hà Nội đang bước vào vụ thu hoạch lúa, đâu đâu cũng thấy cảnh nông dân chất rơm rạ thành đống rồi đốt bỏ. Phổ biến nhất phải kể đến các trục đường từ trung tâm Hà Nội tỏa ra các huyện ngoại thành như Hoài Đức, Quốc Oai, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa.
Khói rơm không chỉ bao phủ bầu không khí của các huyện ngoại thành mà nó còn "tấn công" vào cả trung tâm Hà Nội. Chiều đến bầu không khí ở trung tâm thành phố Hà Nội cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mùi khói rơm lẩn khuất nhiều nơi.
Cuối giờ chiều mặt trời vẫn chói rọi, bầu trời xanh không một gợn mây, nóng như thiêu đốt. Bà Nguyễn Thị Luyến (Mỹ Đức, Hà Nội) trong bộ dạng kín như bưng, đầu đội nón lá, tay cầm gậy đi thu gọn rơm trên nền ruộng mới gặt ban sáng.
"Nhà tôi có 5 sào ruộng, đợi mấy hôm rồi nay máy gặt mới đến khu này, hai vợ chồng chực chờ từ sáng mà tới 10h mới gặt xong. Lúa thì mang về nhà phơi ở sân còn rơm thì không dùng để làm gì nên phải đốt đi. Ở đây gần như nhà nào cũng đốt, chỉ có một vài gia đình còn chăn nuôi trâu bò họ mới phơi rơm để mang về làm thức ăn cho chúng còn không thì cho cũng chẳng ai lấy", bà Luyến cho biết.
Biết là việc đốt rơm sẽ ảnh hưởng đến môi trường nhưng cho đến bây giờ, người dân vẫn không biết làm cách nào khác để xử lí vì nếu để sẽ ảnh hưởng đến việc cấy vụ lúa sắp tới.
"Bây giờ trâu bò không nuôi, bếp củi không còn đun nữa, chúng tôi chẳng biết dùng rơm rạ vào việc gì nên đốt thôi. Trời mà nắng như thế này chỉ vài hôm là cũng đốt hết sạch, ở đây nhà nào cũng đốt nên thấy quen rồi", ông Lê Văn Đạt (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết.
Theo người dân, với một khối lượng rơm rạ quá lớn, nếu không đốt, cũng chưa có cách xử lý hiệu quả bởi việc sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ rơm rạ thành phân bón chưa thuận tiện với bà con. Việc ủ đống cần mặt bằng, bạt che, chưa kể chuyện đảo rơm và bổ sung nước mất nhiều công sức nên đốt bỏ là giải pháp được người nông dân lựa chọn.
Khói bụi từ việc đốt rơm rạ không những gây ô nhiễm môi trường không khí, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân địa phương.
Trên một diễn đàn của cụm dân cư sống cạnh khu vực hay đốt rơm rạ, chị T.N bức xúc: "Ô nhiễm quá, làm gì thì làm đừng ảnh hưởng đến môi trường xung quanh chứ, bà con đừng chỉ làm việc theo kinh nghiệm mà nên học hỏi những phương pháp mới. Tận rơm rạ để phát triển chăn nuôi, nuôi trồng nấm, mô hình trồng nấm cũng khả quan mà còn mang lại thu nhập tốt cho bà con nông dân. Tất nhiên, để làm được việc này mỗi địa phương phải có một người đi đầu".
"Trời mấy hôm nay nóng như thiêu đốt, đã thế còn hít phải khói rơm nữa, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Giờ đã có công ty thu mua rơm làm nguyên liệu xuất khẩu rồi sao không thấy họ về những vùng quê này để mua rơm nhỉ. Một năm hai vụ, thu mua được hết số lượng rơm này về thì cả năm sử dụng, chế biến không lo về nguyên liệu".
"Tôi nghĩ, để hạn chế việc đốt này, cần vận động người dân đầu tư thiết bị thu hoạch rơm rạ dùng cho chăn nuôi hoặc băm nhỏ trả lại đồng ruộng, nương rẫy làm phân bón thay vì đốt. Cần có tiến trình vận động và tiến tới sẽ quy định cấm hẳn việc đốt như hiện nay. Phát triển nền nông nghiệp tiên tiến cũng nên khuyến khích đầu tư ngành nghề mới, có những doanh nghiệp chuyên xử lý những phế liệu do sản xuất nông nghiệp thải ra", một cư dân ý kiến.
Một chủ hộ khác cho hay: "Tối đến mở cửa thì khói lùa vào nhà không thoát ra được, người trong nhà thì cứ như khóc, mắt thì đỏ hoe, mũi sụt sịt, bực không thể tả được. Đấy là nhà tôi còn cách cánh đồng chừng hơn 1km. Còn đi xe ra đường thì không nhìn thấy đường do khói, mũi thì không ngạt nhưng cũng không thở nổi, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao".
"Thiết nghĩ chính quyền nên có tuyên truyền, vận động người dân nên dùng phân vi sinh để ủ làm phân bón, nếu gia đình nào vi phạm, vẫn đốt rơm rạ thì phạt. Còn địa phương nào để đốt rơm rạ thì trước tiên xử lý trưởng thôn, sau đến chủ tịch xã, chứ không thể để thế này được. Thế giới thì gồng mình chống ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu, còn ta thì vô tư phá hủy với trăm ngàn lý do", một người dân đề xuất.
Hà Nội từng triển khai mô hình "Thành phố không đốt rơm rạ" với kỳ vọng rơm rạ không còn bị đốt bỏ theo lộ trình được đặt ra từ năm 2018 đến năm 2020. Cho đến bây giờ không biết mô hình này đang "ngụp lặn" nơi đâu.