Hà Nội: Khó làm “sổ đỏ” vì “phép vua thua lệ làng”?

(Dân trí) - Dù Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội khẳng định việc cấp “sổ đỏ” cho nhà ông Quang là phù hợp với quy định của pháp luật nhưng cả năm qua, phường Vĩnh Tuy và quận Hai Bà Trưng vẫn “giậm chân tại chỗ” vì những ý kiến của người dân địa phương muốn thu hồi thửa đất trên.

Đủ điều kiện cấp “sổ đỏ”

Gần 20 năm qua, gia đình ông Vương Ngọc Quang (SN 1954, trú tại 40 phố Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhiều lần “vác” hồ sơ đi xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (“sổ đỏ” - PV) đối với thửa đất số 40 Vĩnh Tuy nhưng vẫn chưa thành do nhiều vấn đề phát sinh. Để có hướng xử lý dứt điểm việc cấp “sổ đỏ” cho gia đình ông Quang, UBND quận Hai Bà Trưng đã có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn việc cấp sổ đỏ đối với trường hợp này.

Gia đình ông Quang quản lý, sử dụng khu đất được chính quyền đánh số 40 phố Vĩnh Tuy từ nhiều năm nay.
Gia đình ông Quang quản lý, sử dụng khu đất được chính quyền đánh số 40 phố Vĩnh Tuy từ nhiều năm nay.

Ngày 19/5/2016, Sở TNMT Hà Nội có công văn số 4317 phúc đáp công văn của UBND quận Hai Bà Trưng. Theo đó, Sở TNMT Hà Nội xác định, thửa đất số 40 Vĩnh Tuy mà gia đình ông Quang đang quản lý, sử dụng trước đây là giếng làng bỏ không. Năm 1981, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy giao cho một hộ dân sử dụng làm xưởng đúc gang. Gia đình ông Quang sau đó nhận chuyển nhượng mảnh đất trên và tiếp tục quản lý, sử dụng.

Theo Sở TNMT, gia đình ông Quang đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở. Biên lai thu thuế nhà, đất ngày 14/4/1999 thể hiện việc truy thu thuế nhà đất tính từ Quý IV/1992 đến năm 1998. “Theo xác nhận của Công an phường Vĩnh Tuy, gia đình ông Vương Ngọc Quang đã đăng ký tạm trú tại địa chỉ nhà đất nêu trên từ năm 1990 đến nay.” - công văn của Sở TNMT Hà Nội nêu.

Hiện nay, trên thửa đất ông Quang đề nghị cấp “sổ đỏ” có 1 nhà bê tông cốt thép 1 tầng, sử dụng để ở; 1 nhà gạch 2 tầng (tầng 1 làm bếp, tầng 2 để ở) và 1 nhà gạch mái tôn đang cho thuê để bán hàng.

Về quy hoạch sử dụng đất, Sở TNMT xác định, vị trí thửa đất nhà ông Quang quy hoạch là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh. Sở TNMT Hà Nội cũng nêu rõ: “Nhà, đất tại địa chỉ trên do ông Vương Ngọc Quang và bà Nguyễn Thị Nguyệt đang quản lý, sử dụng không có tranh chấp gì về khuôn viên, ranh giới với các hộ liền kề.”.

“Chốt” lại, Sở TNMT Hà Nội nhận định: “Trường hợp ông Vương Ngọc Quang và bà Nguyễn Thị Nguyệt đang sử dụng nhà đất nêu trên được xác định tương tự trường hợp nhận chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân được giao đất không đúng thẩm quyền trước ngày 15/10/1993, không thu tiền sử dụng đất.”.

Từ đó, Sở TNMT Hà Nội khẳng định: “Trường hợp này, UBND quận Hai Bà Trưng chỉ đạo thực hiện công nhận quyền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất là cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật đất đai. Khi được cấp Giấy chứng nhận, ông Vương Ngọc Quang và bà Nguyễn Thị Nguyệt còn phải nộp lệ phí trước bạ nhà, đất theo quy định.”.

Phép Vua thua lệ làng?

Những tưởng, công văn của Sở TNMT Hà Nội là “lời giải” để tháo gỡ các khúc mắc trong việc cấp “sổ đỏ” cho gia đình ông Quang. Song, thực tế, quá trình này bị cản trở bởi kiến nghị của người dân địa phương. Theo đó, nhiều người cao tuổi đề nghị thu hồi thửa đất trên để... khôi phục giếng đình.

Trả lời PV Dân trí, ông Trần Nam Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy - cho hay, trước kiến nghị của người dân, phường sẽ báo cáo các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn để xin ý kiến. Từ đó, các cơ quan liên quan sẽ xem xét, nếu có căn cứ sẽ lập dự án, thu hồi, giải phóng mặt bằng... nếu dự án được phê duyệt theo quy định.

Nhấn mạnh phường sẽ làm đúng trình tự của pháp luật, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy cũng khẳng định, hiện chưa có dự án nào được lập trên thửa đất trên.

Công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẳng định hộ ông Quang đủ điều kiện để cấp sổ đỏ.
Công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẳng định hộ ông Quang đủ điều kiện để cấp "sổ đỏ".

Mới đây, UBND phường Vĩnh Tuy tiếp tục có công văn “cầu cứu” UBND quận Hai Bà Trưng và Phòng TNMT quận nhằm tháo gỡ khó khăn trong sự việc này.

Mệt mỏi vì nhiều năm “đội đơn” đi xin cấp “sổ đỏ”, ông Quang chia sẻ: “Gia đình tôi có đủ điều kiện được cấp “sổ đỏ” thì phải cấp cho gia đình tôi chứ. Bao giờ nhà nước có dự án cần thu hồi đất, gia đình tôi sẵn sàng bàn giao. Không thể vì ý kiến này nọ mà không cấp “sổ đỏ”. Giờ không có “sổ đỏ”, muốn sữa chữa, xây dựng gì cũng khó khăn.”.

Nhận định về vụ việc, luật sư Trịnh Xuân Hải (Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình) cho hay: “Sở TNMT đã có ý kiến thẩm định về việc thửa đất nhà ông Quang đủ điều kiện được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thì cơ quan nhà nước nào có hành vi trì hoãn, cản trở việc ông Quang đăng ký quyền sử dụng đất là xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông. Hành vi đó của cơ quan nhà nước có thể bị ông Quang khiếu nại hay khởi kiện theo thủ tục khởi kiện vụ án hành chính.”.

Nói về kiến nghị của người dân muốn khôi phục giếng đình, luật sư Trịnh Xuân Hải cho rằng, đây không thể là dự án thuộc diện nhà nước thu hồi đất để thực hiện theo Luật Đất đai hiện hành.

“Trong trường hợp này, UBND phường Vĩnh Tuy chỉ nên thực hiện trách nhiệm của mình là xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của gia đình ông Quang, còn việc xét công nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Quang thuộc thẩm quyền của UBND quận Hai Bà Trưng.” - luật sư Hải nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với luật sư Hải, luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng phòng Tranh tụng - Công ty Luật TNHH Vietthink (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng, từ kết quả thẩm tra của Sở TNMT Hà Nội có thể khẳng định, gia đình ông Quang có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 2 và 4, Điều 23 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Đất đai năm 2013.

“Do hộ ông Quang chưa nộp tiền sử dụng đất nên khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận, hộ ông Quang phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất. Theo quy định đối với trường hợp đất giao trái thẩm quyền trước ngày 15/10/1993, người sử dụng đất phải nộp 40% tiền sử dụng đất.” - luật sư Tạ Anh Tuấn phân tích.

Ngoài ra, luật sư Tuấn cũng cho rằng, việc một số người dân đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi thửa đất này để khôi phục giếng làng là hành vi trái pháp luật, cản trở quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất. “Ông Quang có thể khởi kiện hành vi cản trở của những người này ra tòa dân sự.” - luật sư Tạ Anh Tuấn chốt lại.

Tiến Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm