Hà Nội: Huyện Mê Linh rà soát, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh các dự án chậm tiến độ
(Dân trí) - “UBND huyện Mê Linh đang rà soát, phân loại rõ các dự án chậm triển khai, đánh giá mức độ, tìm hiểu các khâu vướng mắc để có phương án xử lý cụ thể. Với những dự án chây ì không triển khai, chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, vi phạm Luật đất đai, huyện sẽ đề xuất thành phố xử lý”, ông Đào Trọng Phú - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch UBND huyện Mê Linh cho biết.
Vừa qua, đoàn kiểm tra, giám sát của HĐND thành phố Hà Nội đã có đợt kiểm tra, giám sát công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Mê Linh và phát hiện một số vấn đề nổi cộm, đặc biệt là tình trạng các dự án trên địa bàn chậm tiến độ, một số dự án có dấu hiệu vi phạm Luật đất đai.
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trọng Phú - Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch UBND huyện Mê Linh xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết thực trạng các dự án đang chậm tiến độ trên địa bàn huyện và nguyên nhân của tình trạng này?
Ông Đào Trọng Phú: Hiện trên địa bàn huyện Mê Linh có 47 dự án đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất 2.445 ha thì cả 47 dự án đều chậm tiến độ. Trong đó, 15 dự án đã có chủ trương nhưng chủ đầu tư không triển khai đầu tư, 14 dự án đã giải phóng mặt bằng xong nhưng chậm hoàn thành các hạng mục đầu tư xây dựng, 18 dự án chậm triển khai giải phóng mặt bằng.
Các dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó trước hết chủ yếu do thị trường bất động sản khu vực không thuận lợi. Thứ hai do các dự án thuộc giai đoạn sáp nhập từ Vĩnh Phúc về Hà Nội nên có thời gian phải dừng triển khai do sau là quy hoạch phân khu, về giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và các chính sách liên quan khác nhau tăng lên so với giá của Vĩnh Phúc. Một số tuyến đường kết nối các dự án đô thị theo quy hoạch cũng phải điều chỉnh, việc triển khai còn chậm…
Những yếu tố này gây khó khăn cho công tác GPMB, hạn chế một phần tính hấp dẫn của các khu đô thị trên địa bàn.
Về chủ quan, một số chủ đầu tư (CĐT) cũng chưa tập trung nguồn lực cho dự án để đảm bảo theo tiến độ.
PV: Được biết, mới đây thành phố đã có đợt kiểm tra, giám sát và chỉ đạo huyện có giải pháp khắc phục tình trạng trên, xin ông cho biết hiện UBND huyện có giải pháp gì và các chủ đầu tư có “vào cuộc” cùng huyện tháo gỡ tình hình này hay không?
Ông Đào Trọng Phú: UBND huyện đã yêu cầu các chủ đầu tư chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng của thành phố để điều chỉnh quy hoạch và thực hiện các bước đầu tư dự án. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận đối với các dự án triển khai, báo cáo thành phố có có giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với một số dự án được thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, hiện đã xong khâu giải phóng mặt bằng nhưng nhân dân ngăn cản không cho thi công.
Về sự “vào cuộc” của các CĐT, trong thực tế, tuy nhiều dự án bị chậm so với tiến độ được chấp thuận của thành phố nhưng một số CĐT dù gặp phải một số khó khăn vẫn nỗ lực triển khai dự án. Như dự án khu nhà ở Minh Đức, khu đô thị AIC khi GPMB được đến đâu thì làm hạ tầng đến đó, song song với các bước điều chỉnh quy hoạch và GPMB các diện tích còn lại của dự án.
Đại diện công ty CP BĐS AIC - chủ đầu tư dự án AIC mới đây đã chính thức lên tiếng khẳng định chưa đưa ra bất kỳ thông tin mở bán nào trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc có giao dịch mở bán.
Với những CĐT đang khắc phục khó khăn để tiếp tục triển khai dự án, UBND huyện tiến hành rà soát, phân loại, tìm hiểu các khâu vướng mắc để có phương án xử lý cụ thể, quan điểm là huyện tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ để CĐT tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án. Với những dự án CĐT cố tình chây ì không triển khai, UBND huyện thực hiện chỉ đạo của thành phố sẽ kiên quyết đề xuất thành phố xử lý theo quy định.
PV: Như ông đã nói ở trên, một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm tiến độ là tình trạng khớp nối hạ tầng khu vực chưa đồng bộ dẫn tới việc các dự án chưa kết nối được với hạ tầng giao thông chung, điều này ảnh hưởng rất lớn tới tính thanh khoản của các dự án, khiến các CĐT không mạnh tay triển khai dự án vì không bán được sản phẩm. Để tháo gỡ vấn đề này, huyện có phương án gì sắp tới, thưa ông?
Ông Đào Trọng Phú: UBND huyện Mê Linh đã nhìn thấy vấn đề này, và qua đề xuất, kiến nghị của các CĐT, huyện đã đề nghị thành phố chỉ đạo cho triển khai xây dựng hệ thống đường giao thông quy hoạch, đã được UBND thành phố phê duyệt. UBND huyện Mê Linh hy vọng việc khớp nối hạ tầng khu vực sẽ là cú hích quan trọng để thị trường BĐS trong khu vực phát triển, góp phần thay đổi diện mạo đô thị huyện Mê Linh văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu về nhà ở và kinh doanh dịch vụ thương mại của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Bất động sản Mê Linh được nhà đầu tư thứ cấp đặt nhiều kỳ vọng do khu vực này tới đây được hưởng lợi ích lớn từ các dự án hạ tầng đang và sắp triển khai, đặc biệt là dự án cầu Hồng Hà đang được thúc đẩy, khi hoàn thành sẽ rút ngắn đáng kể khoảng cách từ Mê Linh tới nội đô Hà Nội. Hiện nhiều nhà đầu tư đang tìm mua các dự án đất nền tại Mê Linh, đẩy giá đất trong khu vực này sau một thời gian trầm lắng trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, các CĐT dự án trong khu vực này mới đây đã cảnh báo hiện tượng nhiễu thông tin dự án trên mạng xã hội và các trang mua bán BĐS online, đơn cử như dự án khu đô thị AIC.
Trước thông tin dự án chậm tiến độ, chưa đủ điều kiện đã mở bán rầm rộ, đại diện công ty CP BĐS AIC - chủ đầu tư dự án AIC mới đây đã chính thức lên tiếng khẳng định chưa đưa ra bất kỳ thông tin mở bán nào trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc có giao dịch mở bán. Những thông tin rao bán dự án trên mạng xã hội và các trang mua bán BĐS onlie không phải thông tin chính thức từ CĐT.
Anh Thế (thực hiện)