Điều tra theo đơn thư bạn đọc:
Hà Nội: Hàng chục cây xăng “nằm gọn” giữa khu dân cư
(Dân trí) - Sau vụ hỏa hoạn tại cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo năm 2013, TP Hà Nội đã chỉ đạo rà soát, lên phương án di chuyển các cây xăng gần khu dân cư ra khu vực an toàn, nhưng đến nay tình hình chưa được cải thiện, người vẫn phải sống trong lo sợ.
Theo Quyết định về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng” của Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, trạm xăng trong đô thị phải đảm bảo các yêu cầu an toàn chặt chẽ như: Phân cách lộ giới (chỉ giới đường đỏ) ít nhất 7 mét (tính từ mép ngoài hình chiếu bằng công trình trạm xăng).
Đối với các trạm xăng nằm gần giao lộ, khoảng cách từ lối vào trạm xăng tới chỉ giới đường đỏ phải đảm bảo tối thiểu khoảng cách 50m. Đặc biệt, phải cách nơi tụ họp đông người như trường học, chợ ít nhất 100m; cách trạm xăng khác ít nhất 300m; cách các danh lam thắng cảnh ít nhất 100m; không vi phạm xây dựng an toàn PCCC và bảo vệ môi trường…
Tuy nhiên, ở các quận nội thành Hà Nội bằng mắt thường có thể nhận thấy hiện có nhiều cây xăng đang vi phạm quy định về khoảng cách với nhà dân. Nếu theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, số cây xăng đủ tiêu chuẩn ở TP Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đường Láng chỉ dài gần 3km, nhưng có đến 3 - 4 cây xăng đang hoạt động, cây xăng được xây dựng nằm sát nhà dân, nhiều nơi chỉ được ngăn cách bằng 1 bức tường khiến khu dân cư luôn phải chịu đựng mùi xăng bốc lên nồng nặc, người dân buộc phải đóng kín cửa, đồng thời tự trang bị cho mình dụng cụ PCCC đề phòng rủi ro.
Trên đường Thụy Khê, chỉ trong vòng 500m trên đoạn đường này đã có đến 2 cây xăng ngay sát nhà dân.Bà Trần Thị Bình (phường Thụy Khuê) cho biết: “Sinh sống gần cây xăng, về tinh thần chúng tôi chẳng lúc nào yên vì cây xăng chẳng khác gì quả bom nổ chậm. Nếu mà cháy, thì chịu chả biết làm thế nào, bởi khi xăng cháy thì như núi lửa luôn…”.
Liên quan đến hoạt động của các cây xăng trong nội thành, trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn tại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo, ngày 5/11/2012, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Giai đoạn 2012 - 2015, xây dựng 5 cửa hàng loại I, 60 cửa hàng loại II và 136 cửa hàng loại III; Giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng 2 cửa hàng loại I, 48 cửa hàng loại II và 65 cửa hàng loại III. Tổng vốn đầu tư thực hiện quy hoạch giai đoạn 2012 - 2015, là 989 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020, là 630 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã hơn 2 năm trôi qua, cho đến nay việc triển khai quy hoạch vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các mục tiêu nêu trên vẫn gần như chỉ nằm "trên giấy", còn hiện tại các cây xăng không đảm bảo quy chuẩn về xây dựngvẫn hoạt động sôi nổi ngay trong khu dân cư, còn người dân thì chịu cảnh nơm nớp lo âu.
Trước những rủi ro thường trực đe dọa, hàng vạn hộ dân đang sống gần các cây xăng đặt dấu hỏi vì sao xảy ra tình trạng trên? Đơn vị nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm nếu xảy ra rủi ro cháy nổ? Câu trả lời xin được chuyển về UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng của TP Hà Nội.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Thành Vinh