Bạn đọc viết:

Hà Nội: Giật mình tưởng dùng nước sông mùa lũ

(Dân trí) - Vặn nước trực tiếp từ nguồn ra với một thau màu đất có kèm cả những viên sỏi nhỏ, chị Nga sinh sống thuộc khu tập thể Quân khu Thủ đô (Xã Đàn 2), phường Nam Đồng, quận Đống Đa giật mình tưởng mình vừa lấy nước sông mùa lũ.

Hà Nội: Giật mình tưởng dùng nước sông mùa lũ - 1

Khu phố nơi chị Nga sử dụng nước sinh hoạt do Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Đống Đa cung cấp. Trước kia, khi chưa lắp đường ống mới, do tình trạng thiếu nước nên bà con nơi đây thường đặt đường ống rất thấp,chảy vào bể ngầm rồi mới bơm lên vì thế cặn đã được lắng qua hệ thống bể ngầm rồi mới đưa lên bể sân thượng nên hầu như dân cư nơi chị sinh sống đều không biết nước có vẩn đục hay không?

3-4 năm trước, thành phố có chủ trương thay toàn bộ hệ thống cấp nước mới nhằm đảm bảo an toàn và vệ sinh cho cư dân thành phố, trong đó có khu vực chị sinh sống. Trong thời gian đầu lắp đường ống nước mới bà con đều rất phấn khởi vì nước rất khoẻ lại trong, trông mắt thường thì rất sạch, rất đảm bảo. Nói thế bởi chị chẳng có chuyên môn hay một thiết bị nào để có thể đo nồng độ các chất độc hại trong nước cả. Vậy nên chị cũng như bà con nơi đây cũng tạm yên tâm với nguồn nước sinh hoạt của khu phố mình.

Thời gian gần đây, mỗi lần lấy nước trực tiếp từ nguồn ra dùng, chị Nga thường thấy trong thau nước có rất nhiều vẩn đục. Cứ tưởng chỉ mỗi nhà mình bị, chị sang hỏi nhà hàng xóm thì họ cũng có một thắc mắc tương tự.

Một lần, vừa vặn vòi nước định rửa rau và giật mình khi nước trong vòi chảy ra không khác gì nước sông với màu đất và rất nhiều cặn sỏi nhỏ, chị bực mình lần ngay số điện thoại của nhà cung cấp nước sạch theo hoá đơn. Vòng vèo thế nào, người nối máy điện thoại lại cho chị số của tổng công ty Kinh doanh nước sạch  thành phố Hà Nội.

Trong cơn bực bội, chị trình bày một tràng về tình trạng nước với người nhân viên này. Anh ta giải thích cho chị: “Nước bẩn có thể do vòi nước lâu ngày, còn nếu như tình trạng chị vừa nói thì có thể do đường ống khu nhà chị bị đào trộm, họ lắp đặt lại không đảm bảo nên xảy ra tình trạng trên. Tôi chỉ giải đáp cho chị như vậy vì tôi là tổng công ty, còn đơn vị cấp nước của khu nhà chị là thuộc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Đống Đa. Chị nên kiến nghị với xí nghiệp đó”.

Chị Nga càng bực mình, chất vấn lại: “Vậy thì các anh xử lý nước thế nào mà lại để vừa thất thoát nước, vừa không đảm bảo chất lượng nguồn nước như vậy? Với tư cách là Tổng công ty, tôi đề nghị cơ quan anh phải có biện pháp gì để xử lý cung cách làm ăn của Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Đống Đa để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng chúng tôi chứ ? Nếu các anh không có biện pháp gì, tôi sẽ đưa chuyện này lên báo chí”.

Người nhân viên này vẫn điềm tĩnh: “Vâng, xin mời chị, chị cứ đưa lên thôi, tôi là cơ quan của Tổng công ty, bây giờ cũng hết giờ rồi, chẳng qua tôi tốt bụng nên nghe điện thoại thôi, chứ tôi cũng không ở phòng này”. Đấy! người của Tổng công ty mà còn nói với người tiêu dùng như vậy thì nhân dân còn biết trông chờ vào đâu?

Chị Nga thất vọng chẳng muốn nói thêm gì, gác điện thoại, tiếp tục làm công việc của mình mà thấy thật sự lo lắng cho tình trạng sức khoẻ của chính gia đình mình và bà con xung quanh. Rồi trong đầu chị cứ loay hoay câu hỏi: “Mình trả tiền nước sạch, liệu có nước sạch dùng không?!”.

Lò Thủy (Email: lothuy76@gmail.com)