Hà Nội: Cưỡng chế “nhầm” từ phá sân sang phá “hàng rào” của dân
(Dân trí) - Thời gian qua, hàng loạt các vụ cưỡng chế sai phạm đã được báo chí phanh phui, dư âm của vụ Tiên Lãng, Hải Phòng dường như còn chưa kịp “nguội” thì ngay giữa thủ đô lại xảy ra một vụ cưỡng chế “nhầm” hy hữu.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khu du lịch sinh thái Bách Giai được xây dựng trên phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế Cửa Nghè, phường Long Biên, quận Long Biên, TP. Hà Nội do ông Vũ Văn Điệp đứng tên làm chủ dự án đầu tư. Năm 2008, bà Hải thuê lại toàn bộ diện tích dự án và thành lập Công ty Cổ phần Bách Giai để hoạt động kinh doanh. Từ đó đến nay, khu du lịch Bách Giai luôn hoàn thành các nghĩa vụ đối với nhà nước và đã tạo công ăn việc làm lương thiện cho hàng chục người lao động tại địa phương.
Theo đơn tố cáo, bà Hải trình bày: Khu du lịch sinh thái của bà thường xuyên đón tiếp các đoàn khách phương xa trên các xe du lịch 24, 45 chỗ. Do vậy, có nhiều khi phương tiện của khách đã vô tình gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến đời sống chung của cộng đồng. Mong muốn khắc phục được nhược điểm trên, bà Hải đã tự ý cho cải tạo phần diện tích khoảng gần 700m2 còn bỏ trống trong khuôn viên dự án thành bãi đỗ xe của khách và đã tiến hành lu đất, dải đá dăm lên phần diện tích này chứ chưa hề đổ bê tông, cốt thép hay rải nhựa đường kiên cố.
Việc làm trên đã bị Chủ tịch UBND phường Long Biên ban hành Quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng số 126/QĐ-UBND ngày 3/4/2012 yêu cầu đình chỉ toàn bộ hoạt động liên quan đến việc cải tạo sân để xe.
Tiếp theo, đến ngày 6/4/2012, UBND phường Long Biên ban hành Quyết định số 134/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng với nội dung: “cưỡng chế toàn bộ phần công trình xây dựng vi phạm bao gồm tường 220 xây bó vỉa, cao 0,2m, nền sân đá dải dăm, diện tích 36,5m x 18,8m = 686,2m2”.
Ba ngày sau, ngày 9/4/2012, UBND phường Long Biên tiếp tục ban hành Thông báo sẽ tiến hành cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm vào hồi 8 giờ 30 phút ngày 11/4/2012.
Tuy nhiên, sáng ngày 11/4/2012, lực lưỡng cưỡng chế của UBND phường đã dùng xe ủi chuyên dụng xới tung toàn bộ diện tích sân vi phạm. Không quá khó khăn để lực lượng cưỡng chế xới xáo gần 700m2 sân mới chỉ dải đá dăm có chiều cao 20 cm.
Sự việc chỉ dừng ở đó nếu như lực lượng cưỡng chế không “oái ăm” phá dỡ một phần hàng rào bảo vệ khuôn viên được xây dựng từ năm 2006 của khu sinh thái. Phần hàng rào này không liên quan gì đến diện tích vi phạm. Và cho đến nay, mặc dù bà Hải có yêu cầu, nhưng UBND phường Long Biên chưa lập Biên bản về việc cưỡng chế này.
Hình như trong vụ việc này, UBND phường Long Biên đã quá “nhiệt tình” thực thi pháp luật, mặc dù đối tượng vi phạm đã và đang tự nguyện phá dỡ. Đôi khi sự “quá nhiệt tình” cũng dễ khiến dư luận hoài nghi!
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Đỗ Hoàng Giang (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07/12/2007 thì “những công trình xây dựng theo quy định phải có Giấy phép xây dựng, khi xây dựng không có Giấy phép xây dựng, phải bị xử lý như sau: 1) Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị; 2) Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị; đồng thời, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng; 3) Cưỡng chế phá dỡ nếu chủ đầu tư không thực hiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ (nếu có) và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.” Như vậy, trước tiên Cơ quan chức năng phải Lập biên bản ngừng thi công xây dựng và yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ công trình xây dựng vi phạm, nếu chủ đầu tư không thực hiện mới áp dụng các biện pháp nghiêm khác tiếp theo. Luật sư Giang cho rằng, trong hoạt động cưỡng chế nói chung, pháp luật bao giờ cũng ưu tiên hành vi tự nguyện phá dỡ, khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đương sự. Vì vậy, trong vụ việc này, nếu như bà Hải đã có đơn xin tự nguyện tháo dỡ phần công trình vi phạm và thực tế đang thực hiện việc tháo dỡ đó, thì việc UBND phường Long Biên huy động lực lượng quyết liệt cưỡng chế là hơi “nóng vội”, có thể có lý nhưng không hợp “tình”. Còn riêng với hành vi tháo dỡ hàng rào của lực lượng cưỡng chế là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tài sản của công dân. |