Bài 33:

Hà Nội: Công dân tố cáo việc “xén” đất đình, đất chùa, VKSND Tối cao đề nghị xử lý!

(Dân trí) - Liên quan đến việc ông Nguyễn Quý Tiến tố cáo sai phạm của lãnh đạo UBND phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), đặc biệt là việc bao che cho hành vi “xén” đất đình, đất chùa, VKSND Tối cao vừa có công văn chuyển nội dung đề nghị Viện trưởng VKSND TP Hà Nội xem xét, xử lý.

Theo đó, VKSND Tối cao có Công văn số 3149/VKSTC-V3 gửi Viện trưởng VKSND TP Hà Nội cho biết: Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế VKSND Tối cao nhận được đơn của ông Nguyễn Quý Tiến, trú tại số nhà 36 ngõ 117 tổ dân phố An Thái, phường Đại Mỗ khiếu nại, tố cáo ông Đỗ Tiến Sơn - Chủ tịch HĐND xã Đại Mỗ và ông Nguyễn Viết Hùng - Phó chủ tịch UBND xã Đại Mỗ có hành vi bao che cho gia đình ông Đinh Quang Vinh lấn chiếm đất đình Đại Mỗ và gia đình bà Nguyễn Thị Hiền xây dựng lấn chiếm đất chùa Thông.


Công dân tố cáo việc “xén” đất đình, đất chùa, VKSND Tối cao đề nghị xử lý!

Công dân tố cáo việc “xén” đất đình, đất chùa, VKSND Tối cao đề nghị xử lý!

VKSND Tối cao đã chuyển các nội dung tố cáo đến Viện trưởng VKSND TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời người tố cáo và báo cáo kết quả giải quyết cho VKSND Tối cao.

Liên quan đến việc “xén” cả di tích Quốc gia là đình Đại Mỗ để xây nhà tầng, Báo Dân trí đã vào cuộc điều tra và có thông tin trước đó.

Đình Đại Mỗ (Phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là di tích lịch sử thờ Ả Lã nàng Đê, một vị nữ tướng tài danh của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và ba vị Phúc thần của dòng họ Nguyễn Quý (trong đó có danh nhân Nguyễn Quý Đức) được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia từ năm 1993.

Trong đơn kiến nghị gửi tới Báo điện tử Dân trí, người dân địa phương cho biết, trong khuôn viên Đình Đại Mỗ đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1993 (QĐ774 - QĐ/BT), vào đầu năm 2008 đã bất ngờ “mọc” lên công trình xây dựng nhà hai tầng của ông Ngô Như Phú (theo đơn thư trả lời của UBND xã Đại Mỗ).

Sau khi xảy ra vụ việc, Chánh thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã thanh tra và kết luận công trình xây dựng trên là vi phạm Luật Di sản. Sau đó, UBND Huyện Từ Liêm (trước đây) đã ra văn bản huỷ bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mảnh đất mà ông Phú đã xây dựng trên đó.

Tại thời điểm đó, Chủ tịch UBND Huyện Từ Liêm cũng đã ra thông báo tháo dỡ công trình vi phạm trên. Bên cạnh đó, còn có nhiều văn bản đôn đốc tháo dỡ công trình vi phạm này của các cơ quan như Cục Di sản, UBND TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ v.v… Tuy nhiên, tới nay, công trình vi phạm nói trên vẫn chưa được tháo dỡ, giải quyết triệt để.

Sau khi báo Dân trí đăng tải bài viết "Xén" cả di tích quốc gia dựng nhà tầng, vì sao chưa xử lý dứt điểm? Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Công văn số 7128/UBND-TKBT yêu cầu kiểm tra việc vi phạm trật tự xây dựng tại khuôn viên di tích đình Đại Mỗ, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã giao Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm kiểm tra thông tin báo Dân trí nêu, xử lý dứt điểm vi phạm, báo cáo Thành ủy, UBND Thành phố trước ngày 30/12/2016; đồng thời thông tin trả lời báo chí theo quy định.

Sau hơn 5 năm ông Nguyễn Quý Tiến, tổ trưởng tổ dân phố An Thái, đại biểu HĐND phường Đại Mỗ (Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) gửi đơn tố cáo sai phạm của nhiều lãnh đạo phường này, hàng chục cơ quan Trung ương và TP Hà Nội đã có văn bản đốc thúc giải quyết. Tuy nhiên, ông Tiến chưa nhận được kết quả xử lý cuối cùng về sự việc.


Tố cáo sai phạm tại phường Đại Mỗ đã kéo dài nhiều năm vẫn chưa được các cơ quan chức năng kết luận.

Tố cáo sai phạm tại phường Đại Mỗ đã kéo dài nhiều năm vẫn chưa được các cơ quan chức năng kết luận.

Ông Nguyễn Quý Tiến đã nhiều năm gửi đơn đến người đứng đầu các tổ chức, cơ quan chức năng tố cáo ông Đỗ tiến Sơn nguyên chủ tịch, nguyên bí thư, chủ tịch HĐND phường Đại Mỗ, nay là chủ tịch hội người cao tuổi phường Đại Mỗ và ông Nguyễn Viết Hùng - Phó chủ tịch phụ trách xây dựng nhiều khoá của phường Đại Mỗ có nhiều vi phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, kinh tế đầu tư, tư thù cá nhân. Và đồng thời, đơn của ông Tiến còn tố cáo Quận uỷ và UBND Quận nam Từ Liêm đã bao che cho cấp dưới.

Như báo Dân Trí đã thông tin, ngày 25 tháng 12 năm 2002, ông Tiến cho rằng ông Đỗ Tiến Sơn ra một văn bản trái pháp luật về việc giải quyết đường tiêu nước trên mảnh đất thổ cư của bố ông để lại, bắt nhà ông bớt lại rộng 0,2m, dài 50,4m, sửa chữa giấy tờ thu thuế nhà đất, cắt 190m2 đất nhà ông thành đất hoang khi chưa có một quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền, về việc thu hồi đất và chưa có thoả thuận của gia đình nhà ông.

“Gia đình anh, em ông Nguyễn Văn Được và Nguyễn Văn Mạnh (anh ông Được và ông Mạnh là thông gia với bố ông Đỗ Tiến Sơn) dựa trên văn bản trái pháp luật đó, tổ chức vác cọc, vác gạch sang giữa vườn nhà tôi đóng cọc và xây dựng lấn chiếm. Gia đình nhà bà Duyên (thường gọi là Đa) không cho nhà tôi xây tường ngăn cách. UBND phường Đại Mỗ không hề có một biện pháp gì ngăn chặn mặc dù gia đình nhà tôi đã có đơn thư rất nhiều để tố cáo về các hành vi bao che của ông Đỗ Tiến Sơn. Sau gần 4 năm kiện cáo tới các cấp, ngày 09 tháng 02 năm 2006 mới có công văn trả lời của ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ. Tới ngày 16 tháng 8 năm 2006, UBND xã mới tổ chức hoà giải lần 1 và ngày 13 tháng 9 năm 2006 tổ chức hoà giải lần 2. Trong cả hai buổi hoà giải này, cả hai gia đình tổ chức lấn chiếm đều không có mặt.

Sau nhiều lần đi lại, gia đình tôi mới nhận được phiếu chuyển đơn thư lên UBND huyện. Ngày 17 tháng 3 năm 2008, văn phòng HĐND - UBND huyện Từ Liêm đã tiếp nhận hồ sơ của nhà tôi. Ngày 13 tháng 6 năm 2008, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Từ Liêm có giấy mời lên giải quyết một lần duy nhất, sau đó “ngâm tôm” không giải quyết. Trong khi chờ đợi huyện Từ Liêm giải quyết.

Sự việc tiếp tục kéo dài đến tháng 10 năm 2011 khi gia đình nhà bà Đa, đã phá ngõ đi chung rộng từ 1.6m - 1.7m, xây sang đất nhà tôi rộng gần 3m dài khoảng 22m. Ngày 11 tháng 11 năm 2011, tôi đã làm đơn tố cáo lên UBND xã Đại Mỗ nhưng cũng không có một công văn, một quyết định nào can thiệp. Tiếp đến tháng 02 năm 2012, gia đình bà Duyên đã ngang nhiên xây dựng trên đất nhà tôi và đã xảy ra tranh chấp. Ngày 12 tháng 3 năm 2012, em tôi tiếp tục làm đơn tố cáo lên phòng địa chính và UBND xã Đại Mỗ, nhưng vẫn không nhận được phản hồi”.

Người dân Đại Mỗ bức xúc trước vụ việc xâm phạm di tích chưa được giải quyết dứt điểm

“Tại buổi làm việc chiều ngày 5 tháng 4 năm 2012, em tôi là Nguyễn Quý Long đề nghị gia đình bà Duyên cho xem giấy tờ cấp đất và giấy tờ thuế liên quan nhưng gia đình bà hoàn toàn không có, chỉ có một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 11 tháng 4 năm 2004. Tại thời điểm hai gia đình đang có tranh chấp, ông Huấn (người đã mua đất của gia đình bà Duyên) cũng đã xuất trình 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 30 tháng 11 năm 2011. Sau thời điểm gia đình bà Duyên (thường gọi là Đa) thuê người đến phá ngõ đường đi 1,6m- 1,7m, xây sang đất nhà ông thành ngõ rộng gần 3m dài khoảng 22m.

Trong khi đơn thư của anh, em nhà tôi chưa được giải quyết. Tại buổi làm việc, biên bản đã không ghi ý kiến của em tôi là: Sổ đỏ nhà bà Đa, được cấp trong thời gian mảnh đất đang bị tranh chấp, sổ đỏ, giấy phép xây dựng cấp cho nhà ông Huấn trong khi có đơn tố cáo chưa được giải quyết. Em tôi đã không đồng tình với biên bản làm việc và đã ghi ý kiến ở cuối biên bản “Ngày 05 tháng 4 năm 2012, tôi có ý kiến như sau: Khi cấp sổ đỏ cho gia đình nhà bà Đa năm 2004 thì gia đình tôi và gia đình bà Đa đang tranh chấp, vậy cơ sở xác định nhầm”.

Nhưng bất chấp ý kiến của gia đình tôi, ông Nguyễn Viết Hùng vẫn không cho địa chính xuống xác định mốc giới, cho gia đình nhà anh Huấn xây nhà kiên cố trên đất của gia đình tôi. Nhiều đối tượng côn đồ còn đến nhà chửi bới và doạ dẫm em tôi”, đơn thư cho biết.

Ông Nguyễn quý Tiến bức xúc nói: Tôi từng tình nguyện lên đường bảo vệ tổ quốc tại biên giới Mường Khương - Hoàng Liên Sơn từ tháng 8 năm 1978 đến tháng 3 năm 1983. Sau khi trở về địa phương, tôi đã tham gia vào ban chỉ huy đội 2, An Thái từ năm 1983 - 1994( 11 năm), được nhân dân tín nhiệm bầu vào HĐND phường nhiều khoá và tham gia liên tục 7 nhiệm kỳ tổ trưởng dân phố từ 2002 đến nay( 2002 - 2017).

“Mấy chục năm công tác, tôi chưa ăn của dân một cân thóc, cân gạo nào, chưa bị một lá đơn nào tố cáo của nhân dân, do đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân mà tôi bị phường trù dập, quận không bảo vệ làm cho gia đình nhà tôi khốn đốn mười mấy năm nay và đẩy tôi thành kẻ tội đồ của gia đình. Không những thế họ còn bàn nhau muốn đẩy gia đình tôi vào vòng lao lý. Vì quyền lợi của người dân mà tôi bị trù dập, trả thù. Là đại biểu HĐND đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của người dân. Tôi vô cùng bức xúc”.

Có hay không việc phường Đại Mỗ "quên" xử lý sai phạm khiến cư dân bức xúc kéo dài?

Hà Nội: Đại diện phường Đại Mỗ nói gì trước tố cáo "quên" xử lý sai phạm

Liên quan đến những tố cáo của ông Nguyễn Quý Tiến, đã có hàng loạt cơ quan trung ương gồm: Văn phòng chính phủ, Ban tiếp công dân TW thanh tra chính phủ, Ban tôn giáo chính phủ - Bộ nội vụ, Thanh tra bộ nội vụ, Thanh tra bộ tài chính, UBKT ban chấp hành Trung ương Đảng, Thanh tra Bộ Văn hoá thể thao và du lịch, Ban dân nguyện UB thường vụ Quốc hội, Uỷ ban tài chính ngân sách Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Vụ 3 VKSND tối cao, Vụ 10 VKSND tối cao, Ban tổ chức ban chấp hành Trung ương, Thanh tra bộ tư pháp, Thanh tra Bộ kế hoạch và đầu tư, Thanh tra Bộ tài nguyên và môi trường, Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ công an, Cục cảnh sát kinh tế Bộ công an, Cục an ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư Bộ công an, Cục phòng chống tham nhũng Bộ công an, Thanh tra tổng cục an ninh Bộ công an, Cục cảnh sát hình sự Bộ công an, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ công an, Cục an ninh kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp Bộ công an, Thanh tra tổng cục cảnh sát Bộ công an, Cục cảnh sát QLHC về TTXH, Tổng cục cảnh sát Bộ công an, Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm Bộ công an, Thanh tra bộ thông tin và truyền thông, Toà án nhân dân tối cao, Cục di sản Bộ VHTT&DL đề nghị Thành uỷ, UBND TP Hà Nội chỉ đạo xử lý, trả lời công dân theo quy định của pháp luật, trong đó có nhiều cơ quan trung ương đã có văn bản đốc thúc đến lần thứ 5. Tuy nhiên, tố cáo, khiếu nại của công dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ông Tiến cho biết đau xót trước việc người vi phạm vẫn chưa bị xử lý, đầu tư xây dựng mờ ám, đất đình chùa, mồ mả bị xâm hại, người tố cáo bị trù dập trả thù, ngày 29 tháng 6 năm 2017, ông Tiến tiếp tục làm đơn tố cáo, khiếu nại, kêu cứu khẩn cấp và đề nghị khởi tố lần thứ 11 đề nghị các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền các cơ quan chức năng, tiếp tục xem xét, chỉ đạo làm sáng tỏ sự việc, chỉ đạo khởi tố xử lý những sai phạm hình sự nghiêm trọng này. Ông Tiến mong muốn thanh tra chính phủ, VKSND Tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ công an và các bộ, cơ quan ngang bộ, các cục, vụ, sở, ngành có đoàn kiểm tra liên ngành trực tiếp về cơ sở để gặp trụ trì nhà chùa, ban lễ hội, các tổ trưởng dân phố, đại biểu HĐND phường và những người đã từng tố cáo để làm sáng tỏ mọi sự việc.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế