Hà Nội: Cho mượn đất, Toà xử mất luôn đất?

(Dân trí) - Vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất tại 246 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã được phán xử thấu tình, đạt lý thông qua Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2007/DSST ngày 28/9/2007 của TAND quận Hai Bà Trưng. Thế nhưng, bản án phúc thẩm lại quay ngược hoàn toàn khiến nguyên đơn choáng váng.

Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của bà Hoàng Thị Liên - là người đại diện theo ủy quyền cho cụ Nguyễn Duy Thạch trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là cụ Nguyễn Duy Thạch với bị đơn là ông Bùi Quang Voòng đã được xét xử qua 04 phiên tòa. Nội dung đơn, bà Liên cho rằng các cấp Tòa án đã có những sai phạm trong quá trình giải quyết vụ án, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà.

Hà Nội: Cho mượn đất, Toà xử mất luôn đất? - 1


Đơn kêu cứu gửi Báo Dân trí của bà Hoàng Thị Liên.

Đơn kêu cứu gửi Báo Dân trí của bà Hoàng Thị Liên.

Đơn kêu cứu phản ánh: Ngày 27/12/1958, theo chứng thư đoạn mại thì cụ Vũ Thị Cộng đã bán một phần đất cho cụ Nguyễn Duy Thạch (là nguyên đơn), với diện tích đất là 204m2 thuộc làng Hoàng Mai, phố Hưng Ký, thành phố Hà Nội (nay là số 246 phố Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội), có biên bản cắm mốc giới thửa đất được lập bởi Trắc địa sư Hoàng Hữu Tường ngày 29/6/1957. Tại thời điểm đó, cạnh gia đình cụ Thạch là gia đình cụ Bùi Quang Kỷ - là bố của ông Bùi Quang Voòng (là bị đơn) đang thuê 01 căn phòng rộng 15m2 và các công trình phụ gồm nhà bếp, bể nước, nhà tắm, sân của gia đình cụ Cộng để ở. Do thấy gia đình cụ Kỷ khó khăn về chỗ ở nên gia đình cụ Thạch đã cho cụ Kỷ mượn 13,2m2 đất sân và 6m2 đất lối đi thuộc quyền sử dụng đất của gia đình cụ Thạch để làm lối đi chung.

Trong quá trình sử dụng lối đi chung này giữa hai bên gia đình đã phát sinh tranh chấp nên vào năm 1982, gia đình cụ Thạch đã đề nghị UBND phường Minh Khai giải quyết việc mượn đất đối với gia đình cụ Kỷ. Ngày 10/12/1982, UBND phường Minh Khai đã lập Biên bản hòa giải giữa cụ Kỷ với cụ Thạch có xác nhận của Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai là ông Khúc Đình Khiên. Theo biên bản trên thì cụ Thạch vẫn tiếp tục cho gia đình cụ Kỷ mượn diện tích 19,2m2 đất gồm sân, lối đi với điều kiện gia đình cụ Kỷ không được xây dựng, bán, đổi cho chủ khác. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng đất mượn đó, gia đình cụ Kỷ đã sử dụng không đúng như hai bên đã thỏa thuận và cam kết, thậm chí luôn có tư tưởng và đã tìm mọi thủ đoạn để chiếm đoạt đất mà gia đình cụ Thạch cho mượn.

Đến năm 2005, gia đình ông Voòng tiến hành xây dựng nhà và có hành vi lấn chiếm diện tích đất đã mượn nên cụ Thạch đã gửi đơn thư khiếu nại đến UBND phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Đến lúc này, cụ Thạch mới biết được gia đình ông Voòng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2002 trên cả phần diện tích đất mà gia đình cụ Thạch đã cho gia đình ông Voòng mượn. Thậm chí, gia đình ông Voòng còn được cấp Giấy phép xây dựng vào ngày 26/7/2005, mặc dù trong thời gian này giữa các bên vẫn liên tục có đơn thư khiếu nại. Chính vì vậy, gia đình cụ Thạch đã gửi đơn đến UBND phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội yêu cầu giải quyết việc đòi lại đất với diện tích 19,2m2 mà gia đình cụ Thạch đã cho gia đình cụ Kỷ mượn. Do các bên không thống nhất được phương án hòa giải nên ngày 06/6/2006, cụ Thạch đã gửi đơn khởi kiện đến TAND quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội đề nghị Tòa án giải quyết việc đòi lại quyền sử dụng đất với diện tích 19,2m2 trên và được TAND có thẩm quyền thụ lý giải quyết.

Hà Nội: Cho mượn đất, Toà xử mất luôn đất? - 3
Hà Nội: Cho mượn đất, Toà xử mất luôn đất? - 4

Bản án sơ thẩm của TAND quận Hai Bà Trưng đã tuyên người mượn đất phải trả lại đất.

Bản án sơ thẩm của TAND quận Hai Bà Trưng đã tuyên người mượn đất phải trả lại đất.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích:

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2007/DSST ngày 28/9/2007 của TAND quận Hai Bà Trưng đã khẳng định: Quyền sử dụng đất đối với 19,2m2 đất sân và lối đi thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình cụ Thạch và buộc ông Voòng phải trả lại đất mượn đó cho gia đình cụ Thạch. Thế nhưng, các Bản án về sau của TAND thành phố Hà Nội và TAND cấp cao lại tuyên không chấp nhận yêu cầu đòi lại đất của gia đình cụ Thạch. Điều này là hoàn toàn trái pháp luật, thiếu khách quan, bởi các căn cứ sau:

Thứ nhất, đối với diện tích đất 19,2m2 gồm sân và lối đi thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình cụ Thạch:

Một là, về nguồn gốc diện tích đất 19,2m2: Theo chứng thư đoạn mại lập ngày 27/12/1958 thì gia đình cụ Thạch đã mua một phần đất của gia đình cụ Vũ Thị Cộng với diện tích là 204m2 thuộc thửa đất phần A, phần D theo biên bản chia đất và cắm mốc giới do ông Hoàng Hữu Tường, Trắc địa sư lập ngày 29/6/1957. Trong đó, phần diện tích 19,2m2 đất nằm trong thửa đất phần D, diện tích 65m2 trích lục sơ đồ Trắc địa sư lập ngày 29/6/1957.

Hai là, về quá trình mượn đất giữa cụ Thạch và cụ Kỷ: Lý do mà gia đình cụ Thạch cho gia đình cụ Kỷ mượn 19,2m2 là thấy gia đình cụ Kỷ đông con, ăn ở chật chội, hoàn cảnh khó khăn, không có nhà để ở mà phải đi thuê 01 căn phòng diện tích 15m2 của cụ Cộng để ở. Vì thương người và do cụ Kỷ là hàng xóm sát vách nên cụ Thạch đã cho gia đình cụ Kỷ mượn một phần đất 19,2m2 gồm sân và lối đi để sử dụng mà không lập văn bản cho mượn đất. Vậy mà, gia đình ông Voòng lại được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất đi mượn đó. Tuy nhiên, về phía cụ Thạch khẳng định việc gia đình cụ cho gia đình cụ Kỷ mượn đất sân và lối đi là hoàn toàn có thật, điều này cũng được thể hiện qua các lời khai của ông Voòng tại Tòa án. Cụ thể, tại Đơn tường trình gửi TAND quận Hai Bà Trưng ngày 21/8/2006 của ông Voòng có nội dung: “ Năm 1958, ông Thạch mua đất, nhà bà Cộng, nhà ông Thạch cũng có hai lối đi, một ra đường Minh Khai, một lối đi cửa sau cũng có sân liền với sân gia đình tôi. Như vậy lối đi nhà tôi phải đi qua sân nhà ông Thạch, ông Thạch buộc phải cho gia đình tôi đi qua sân. Năm 1982, gia đình ông Thạch có văn bản cho gia đình tôi đi nhờ lối đi nhờ phải qua sân nhà ông Thạch đi” và tại Biên bản đối chất giữa bà Hoàng Thị Liên với ông Bùi Quang Voòng ngày 06/9/2006, ông Voòng khai: “ Đến năm 1983 khi giải quyết ở phường Minh Khai thì giữa ông Kỷ và ông Thạch xác định, thỏa thuận để ông Kỷ tiếp tục mượn diện tích đất gồm sân và lối đi để ông Kỷ sử dụng”. Qua các lời khai đó, ông Voòng đã tự thừa nhận việc cụ Kỷ có mượn đất của gia đình cụ Thạch để sử dụng.

Đồng thời, tại văn bản Trích Biên bản giải quyết nhà đất ngày 10/12/1982 giữa cụ Nguyễn Duy Thạch và cụ Bùi Quang Kỷ của UBND phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã ghi nhận đất sân của nhà lá xây dựng trái phép thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình cụ Thạch. Nhưng do hoàn cảnh thực tế của gia đình cụ Kỷ mà cụ Thạch đã cho cụ Kỷ mượn diện tích đất đó để sử dụng, nhưng không được xây dựng, bán, đổi cho người khác.

Mặt khác, tại Biên bản lời khai của nhân chứng ngày 23/5/2009, ông Nguyễn Gia Hùng – là con trai cụ Vũ Thị Cộng đã khai: “Sân và lối đi của gia đình ông Kỷ nằm trong phần D theo Trích lục sơ đồ do ông Hoàng Hữu Tường, Trắc địa sư lập ngày 29/6/1957”.

Hà Nội: Cho mượn đất, Toà xử mất luôn đất? - 6
Hà Nội: Cho mượn đất, Toà xử mất luôn đất? - 7
Hà Nội: Cho mượn đất, Toà xử mất luôn đất? - 8

Biên bản đối chất về việc mượn đất giữa hai gia đình.

Biên bản đối chất về việc mượn đất giữa hai gia đình.

Như vậy, theo các văn bản và lời khai của các đương sự cho thấy, phần đất sân và lối đi với diện tích 19,2m2 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình cụ Thạch và hiện nay diện tích đất đó đang bị gia đình ông Voòng chiếm đoạt để sử dụng.

Thứ hai, gia đình cụ Bùi Quang Kỷ chưa thực hiện việc trả lại diện tích 19,2m2 đất đã mượn cho gia đình cụ Thạch:

Liên quan đến việc gia đình cụ Kỷ thuê nhà đất của cụ Vũ Thị Cộng nhưng gia đình ông Voòng không chịu trả lại nhà đất đi thuê, cho nên gia đình cụ Cộng đã khởi kiện ông Voòng ra Tòa án để đòi lại nhà đất đã cho thuê và vụ án tranh chấp giữa cụ Cộng và ông Voòng đã được Tòa án phán quyết theo Bản án số 50/PTDS ngày 23/03/1991 của TAND thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa cụ Thạch với ông Voòng thì tại Biên bản đối chất giữa bà Hoàng Thị Liên với ông Bùi Quang Voòng ngày 06/9/2006, ông Voòng khai gia đình ông đã trả đất sân, lối đi cho gia đình cụ Thạch theo bản án số 50/PTDS ngày 23/03/1991 của TAND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, theo bản án số 50/PTDS đó chỉ xử buộc cụ Kỷ phải trả toàn bộ diện tích nhà thuê là 01 buồng 15m2 và các công trình phụ gồm nhà bếp, bể nước, nhà tắm, sân cho cụ Cộng, mà không có bất kỳ phần nào đề cập đến phần đất mượn 19,2m2 gồm sân và lối đi của gia đình cụ Thạch. Do vậy, việc ông Voòng cho rằng gia đình ông đã trả lại phần đất mượn cho gia đình cụ Thạch theo bản án số 50/PTDS ngày 23/03/1991 là hoàn toàn không có căn cứ. Hơn nữa, toàn bộ hồ sơ, tài liệu khác mà ông Voòng cung cấp cho Tòa án cũng không có bất cứ tài liệu nào chứng minh việc cụ Kỷ hay ông Voòng đã trả lại 19,2m2 đất đã mượn cho gia đình cụ Thạch.

Ngoài ra, theo ông Voòng đã trình bày thì sau khi gia đình ông trả lại đất thuê cho cụ Cộng, gia đình ông đã có đường khác để đi lại chứ không đi qua phần sân và lối đi đã mượn của gia đình cụ Thạch theo văn bản thỏa thuận năm 1982 là rất vô lý. Bởi tại văn bản Trích Biên bản giải quyết nhà đất ngày 10/12/1982 giữa cụ Nguyễn Duy Thạch và cụ Bùi Quang Kỷ của UBND phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã ghi nhận phần sân của nhà lá xây dựng trái phép là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình cụ Thạch. Như vậy, nếu gia đình ông Voòng không đi qua phần sân và lối đi của gia đình cụ Thạch thì không biết gia đình ông Voòng đi bằng đường nào khác? vì phần sân gắn liền với nhà mà gia đình ông Voòng xây dựng trái phép là đất của gia đình cụ Thạch.

Như vậy, việc ông Voòng khẳng định đã trả lại phần sân, lối đi mượn của gia đình cụ Thạch là hoàn toàn không có cơ sở.

Thứ ba, việc thiếu trách nhiệm của TAND thành phố Hà Nội trong xác minh nguồn chứng cứ tại Bản án số 25/2015/DS-ST.

Đối với Văn bản Trích Biên bản giải quyết nhà đất ngày 10/12/1982 và Vi bằng do Văn phòng thừa phát lại Hoàn Kiếm ghi lại những ý kiến của ông Nguyễn Như Phụng và ông Khúc Đình Khiên về phần diện tích lối đi và phần sân đang tranh chấp là diện tích đất mà gia đình cụ Thạch đã cho gia đình cụ Kỷ mượn theo Biên bản giải quyết nhà đất năm 1982 là phù hợp với nguồn chứng cứ theo quy định tại Điều 94, Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Văn bản hợp nhất 7821/VBHN-BTP năm 2013 hợp nhất Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định: “Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”. Như vậy, việc Tòa án không chấp nhận Văn bản trích lục biên bản năm 1983 và Vi bằng được lập bởi Văn phòng thừa phát lại Hoàn Kiếm là hoàn toàn trái pháp luật, đã vi phạm nghiêm trọng về nguồn chứng cứ, xác định chứng cứ.

Rõ ràng đối với diện tích 19,2m2 đất sân và lối đi là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình cụ Nguyễn Duy Thạch, gia đình cụ Bùi Quang Kỷ chưa trả lại đất đã mượn cho gia đình cụ Thạch theo như phán quyết của Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2007/DSST ngày 28/9/2007 của TAND quận Hai Bà Trưng. Việc TAND thành phố Hà Nội và TAND cấp cao đã xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của gia đình cụ Thạch là hoàn toàn vô lý, trái pháp luật”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế