Gương sáng, gương mờ

(Dân trí) - Trong khi xã hội ta vẫn có rất nhiều tấm gương sáng về sự hảo tâm, lòng nhân ái dốc sức vì những công việc thiện nguyện, thì cũng vẫn còn đó những gương mờ về sự vô lương tâm, vô trách nhiệm, vô ý thức gây hậu quả nghiêm trọng...

Biết bao nước mắt đã rơi, biết bao trái tim xa xót cùng lời kêu gọi “Hãy cùng chung tay đóng góp!”… được bạn đọc thường xuyên gửi tới diễn đàn Dân Trí, trước những mảnh đời bất hạnh, những số phận không may phải chịu quá nhiều thiệt thòi.

 

Và cũng có vô số những lời lẽ tốt đẹp ngợi ca, cảm phục, bày tỏ tin tưởng vào chân lý “Cái thiện tất sẽ chiến thắng cái ác" được bày tỏ trước những  nghĩa cử cao đẹp của những con người bình dị mà cao quý.  Một trong những tấm gương sáng như vậy là anh Tống Phước Phúc ở thành phố Nha Trang – người cha của những sinh linh bé bỏng, những bé thơ bất hạnh bị bỏ rơi.

 

Cần những biện pháp mạnh hơn nữa! Phải xử lý thật nghiêm để đủ sức răn đe và làm gương cho những kẻ khác! Phải cho bóc lịch dài dài để các can phạm đủ thời gian suy ngẫm về những việc làm thất đức!... Đó là những cụm từ luôn được bạn đọc một lần nữa nhấn mạnh với những vụ việc được coi là điểm nóng đầu tuần trên các phương tiện thông tin đại chúng, khiến dư luận một lần nữa lại sôi sục nỗi bất bình.

 

Đó là  những lái xe và bảo vệ cấu kết với nhau vừa gây ra vụ đổ trộm chất thải lấp hàng chục ngôi mộ của dân tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội. Cùng những ai phải chịu trách nhiệm gây ra “những cái ao” trên mặt cầu chỉ chưa đầy 1 năm sau khi dự án trải nhựa lại mặt cầu Thăng Long tiêu tốn ngót 100 tỷ đồng hoàn tất.

 

Ai cũng hiểu rằng những điều tốt đẹp vẫn là xu thế nổi trội trong  xã hội chúng ta, nhưng vì sao những cái xấu, cái ác thiểu số hơn rất nhiều mà vẫn có xu hướng ngày càng lấn át. Rất nhiều lý giải được đưa ra phân tích, mổ xẻ, song song với những kiến nghị, đề xuất… Nhưng tình hình có vẻ vẫn chưa mấy khả quan.

 

Có vẻ như ai cũng muốn quy trách nhiệm của người khác, của xã hội cùng “các cơ quan chức năng”, nhưng trong đó… không có mình bởi những lý do rất chính đáng. Quả đúng là phê phán thì dễ, nhưng làm mới thực là khó biết bao, dù tất nhiên chúng ta không phủ nhận và có muốn cũng không thể phủ nhận được thực tế - xã hội vẫn còn tồn tại rất nhiều hiện tượng tiêu cực và các loại tệ nạn, dễ khiến người dân nản chí, mất lòng tin…

 

Song nếu mỗi người trong chính chúng ta đều thực sự sống có ý thức, thực sự có cái tâm làm việc tốt và việc thiện, luôn biết tự mình sống tốt cũng như giáo dục các thế hệ mai sau noi theo những tấm gương sáng, tránh xa những gương mờ thì cuộc sống chắc hẳn sẽ tốt đẹp, chí ít là cũng đẹp "như ngày xưa" như nhiều bạn đọc từng bày tỏ. Đó là cái thời mà như GS Ngô Bảo Châu tâm sự tối 29/9 tại Hà Nội: "Tôi sinh ra trong kháng chiến chống Mỹ, lớn lên trong thời kỳ bao cấp, tuy không ai thích ôn nghèo kể khổ, nhưng từ khi còn nhỏ tôi đã hiểu, bố mẹ đã phải nhịn ăn nhịn mặc nuôi tôi khôn lớn. Tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài, tôi hiểu rằng, tuổi thơ của tôi, các bạn của tôi có thể thiệt thòi về cái ăn cái chơi, nhưng việc học tập thì chưa chắc..."

 

Hãy cùng làm những công dân tốt đích thực, dũng cảm trở thành những “công an mini” khi "giữa đường gặp chuyện bất bình" như anh bạn Dâu Tây từng viết trong chuyên mục “Chuyện 2 -6”. Hãy cùng tạo nên "sức mạnh nhân dân" dẹp bỏ tệ nạn đạo chích trên xe buýt, nạn “đinh tặc”,  "lâm tặc"...Hãy làm những người cha, người mẹ, người anh, chị kết nối vòng tay yêu thương những mảnh đời bất hạnh... Hoặc đơn giản mỗi người chúng ta hãy là những người tốt, luôn sống với cái tâm  hướng tới “Chân – Thiện – Mỹ”!

Kiều Anh