Gửi lại tuổi 20!
(Dân trí) - Tôi gửi lại tuổi 20 một chút gì để nhớ, một chút gì để mong. Tôi bận rộn và hối hả để bon chen với nhịp sống đời thường, nhanh quá, vội vã quá! Tôi đã để tuổi hai mươi trôi qua tự lúc nào!
Tuổi hai mươi của tôi đã đi qua mà chưa làm được những dự định hay những gì tôi đã có kế hoạch vạch ra trước khi bước sang tuổi hai mươi.
* * *
Ở vào tuổi đó, cái độ tuổi mà người ta vẫn gọi là thời xuân trẻ với nhiều khát vọng lớn lao và những ước mơ cháy bỏng, tôi cố gắng sống để theo kịp bước đi của xã hội thời đại mới.
Cuộc sống mới đã tôi luyện cho tôi cách sống vội vàng cuống quýt, tôi cũng nhận thấy mình trở thành con người tồi tệ tự lúc nào!
Tôi thầm ghen tỵ khi đứa bạn thân có được những gì mà mình mong muốn, tôi dẫm đạp lên đầu của những người sau tôi để bước đi, tôi ích kỷ không muốn người khác hơn mình, tôi bỏ cuộc khi thấy mình đã quá mệt mỏi và không đủ tự tin…
Tôi tự hỏi vì sao mình lại như thế, vì cuộc sống thời đại mới như thế hay là chính con người tôi đã thay đổi? Giá như tôi không ích kỷ với người bạn của mình thì tôi đã có một tình bạn tuyệt vời và tôi sẽ gặt được nhiều niềm vui hơn nữa.
Giá như tôi tự bước đi trên đôi chân của mình mà không dẫm đạp lên những người bạn của tôi thì cuộc sống của tôi sẽ có nhiều người quan tâm hơn nữa, giá như tôi không bỏ cuộc và nắm lấy cơ hội của chính mình, giá như tuổi hai mươi của tôi quay lại để tôi làm lại những gì tôi không làm được, tôi lấy lại những gì đã mất…
* * *
Tình yêu tuổi hai mươi của tôi cũng có đủ màu sắc và hương vị của cuộc sống, và nó cũng đủ những gia vị tình yêu: một chút ngọt ngào của hai trái tim hạnh phúc, một tình cảm mãnh liệt, mặn mà sôi nổi như vị của muối, một chút cay khi tôi đang ghen, hay nêm một vị đắng khi tình yêu rời bỏ. Vậy tại sao tình yêu lại rời bỏ tôi?
Là vì người yêu của tôi không rộng lòng tha thứ hay là vì tôi hờn dỗi quá nhiều? Phải chăng, nếu tôi ít hờn dỗi ít đi, tôi vị tha nhiều hơn thì tình yêu tuổi hai mươi của tôi sẽ tốt hơn phải không?
Tôi thầm trách mình giá như ngày đó, tôi không để cho anh chờ đợi tôi dưới những cơn mưa dài, tôi không để người tôi yêu phải bực dọc về tôi, giá như ngày đó tôi nắm tay anh thật chặt để anh mãi không vuột khỏi tầm tay tôi, để rồi tôi bây giờ tiếc nuối và khổ đau khi tình yêu tuổi hai mươi rời xa tôi mãi mãi.
* * *
Tuổi hai mươi, tôi cũng cho đi rất nhiều. Tôi “cho” bạn tôi những câu chuyện nhàm chán đến mức không chịu nổi của tôi, cho bạn tôi những lo lắng khi tôi xa nhà, cho bạn tôi những thất vọng khi không thực hiện lời hứa của mình.
Tôi cho đi những nỗi buồn và sầu tủi, chỉ giữ lại những niềm vui cho riêng bản thân. Hai mươi tuổi tôi chưa hề cho bố tôi một câu nói ngắn gọn với ba từ “con yêu bố”, tôi cũng chưa từng tặng mẹ tôi một nụ hôn yêu thương ngọt ngào.
Và tôi nhiều buồn phiền và rắc rối đến nỗi dành chúng cho bố mẹ của tôi. Tôi xót xa khi trên bàn tay chai sạn của bố tôi đã nhiều vết đồi mồi và đau đớn khi đôi vai mỏng manh của mẹ tôi ngày một yếu đi!
Vậy sao khi ở tuổi hai mươi, tôi đã không làm được gì cho những người thân yêu của mình lại còn đòi hỏi ở họ những gì chứ?
Tôi trách bố mẹ tôi, khi tôi đang sống ở tuổi hai mươi với bao nhiêu kế hoạch và dự định, họ không cho tôi nổi một chiếc xe máy để bằng bạn bằng bè, tôi giận những người sinh ra tôi đã không dành cho tôi những gì người ta có, mà suốt ngàychỉ là những câu nói mà tôi cho là vô nghĩa và lẩm cẩm.
Nhưng, hai mươi tuổi tôi đã có được những gì để tặng bố mẹ tôi? thậm chí tôi không còn biết sinh nhật của họ là ngày bao nhiêu nữa!!! Vậy hai mươi tuổi tôi đã cho ai? Và cho được những gì? Giá như, tôi được trở lại tuổi hai mươi!
* * *
Xuân Diệu đã từng buồn bã “cho thì nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”, những đứa trẻ mồ côi không hạnh phúc và ấm áp vì không nhận được tình yêu của bố mẹ chúng. Còn tôi, tôi sống sung sướng và hạnh phúc hơn so với nhiều người. Bởi tôi nhận được những tình yêu thương.
Khi đau ốm và khó khăn, con người ta cần gì nhất? Đó chính là lúc cần một bàn tay đặt lên trán và lời hỏi han về sức khỏe, cần một lời động viên, tôi sung sướng và hãnh diện hơn ai hết vì tôi có tất cả những điều đó.
Khi vấp ngã, con người ta cần gì nhất? đó không phải là một bàn tay chìa ra và ta nắm lấy nó mà là người mà chỉ dẫn cho ta đứng lên như thế nào, và phải đứng làm sao cho vững. Tôi hạnh phúc và tự hào vì đó là tôn chỉ của bố tôi truyền lại cho tôi, cũng là người bày cho tôi cách đứng lên khi vấp ngã.
Tôi cảm thấy lòng mình ấm áp và cũng tự nhận thấy mình may mắn khi được mẹ của tôi răn dạy cách làm người có đạo đức, sống có tình có nghĩa. Tôi nhận được từ mẹ của tôi từ những bài ca dao là tinh hoa cốt yếu của dân tộc, là niềm tự hào của đất nước Việt Nam.
Làm thế nào để cống hiến, làm thế nào để sống mà không hối tiếc, làm thế nào để xứng đáng với những người làm nên lịch sử, hi sinh xương máu để dành cho ta cuộc sống ngày hôm nay? Tất cả câu trả lời chính là thế hệ tuổi hai mươi phải tiếp nhận gánh trách nhiệm đó trên đôi vai lực lưỡng của mình.
Đừng ngại ngần khi bạn là người khuyết tật, vì đất nước của chúng ta chỉ cần ý chí và lòng quyết tâm xây dựng quê hương chứ không cần đến những người lùi bước.
Đừng tự hào khi bạn là người thật sự giỏi khi bạn chưa cống hiến, mà hãy cố gắng sống cho xứng đáng với đất nước con người Việt Nam.
Một tuổi nữa sắp qua đi, một tuổi nữa lại đến, hãy sống hết mình, làm hết mình, và cống hiến hết mình, đừng để tuổi hai mươi lại đi qua một lần nữa. Hãy sống như cha anh ta đã từng sống, và hãy yêu thương như đất nước ta đã dạy cho ta! Nhất định, tuổi hai mươi sẽ có nhiều ý nghĩa, may mắn,hạnh phúc, lạc quan và tràn đầy hi vọng…
Việt An