Góc nhìn luật sư về clip nhóm học sinh thuê nhà nghỉ bị quay clip, tung lên mạng

(Dân trí) - “Việc đưa hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội, internet khi chưa được sự đồng ý của họ là vi phạm pháp luật là vi phạm quyền nhân thân, bí mật đời tư. “Quyền bí mật đời tư” được pháp luật bảo vệ và tôn trọng. Hành vi vi phạm pháp luật này đã được pháp luật quy định chế tài xử phạt”, luật sư Trương Anh Tú phân tích.

Một nhóm 9 học sinh, 2 nam, 7 nữ, đứng ngồi co cụm ở góc phòng nhà nghỉ, bị một người đàn ông quát mắng, yêu cầu tất cả ngẩng mặt lên để quay clip. Đoạn clip dài 36 giây ghi lại hình ảnh sự việc trên mới được phát tán trên các diễn đàn mạng xã hội.

Trong clip có giọng một người đàn ông quát mắng, chửi bới, yêu cầu nhóm thiếu niên này ngẩng mặt lên để quay clip. Những người dùng tay che mặt hay không ngẩng đầu đều bị người đàn ông trên chửi bới, mạt sát. Cùng với đoạn clip trên, một vài hình ảnh khác cũng được phát tán kèm cho thấy công an phường đưa nhóm thiếu niên trên về trụ sở bằng xe bán tải.


Nhóm học sinh thuê phòng nhà nghỉ để tụ tập. (Ảnh cắt từ clip)

Nhóm học sinh thuê phòng nhà nghỉ để tụ tập. (Ảnh cắt từ clip)

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: Thông thường, “bí mật đời tư”, “đời tư” được hiểu là bí mật về của sống riêng tư (bao gồm cuộc sống vật chất, tinh thần, hình ảnh…) của mỗi cá nhân. Và cuộc sống đó là “bí mật” khi cá nhân đó không muốn tiết lộ, không muốn người khác biết.

Như vậy, bí mật đời tư là những gì liên quan đến cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân mà họ muốn giấu kín, không tiết lộ cho ai biết. Một khi đó là bí mật thì bất cứ một ai đó cố tình thông tin dưới mục đích nào đều là xâm phạm bí mật đời tư.

“Quyền bí mật đời tư” được pháp luật bảo vệ và tôn trọng. Ngoài ra, điều 21 Hiến pháp 2013 nêu rõ “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình...”. Luật đã quy định bất khả xâm phạm nhưng anh ngang nhiên vi phạm, tức đã vi phạm nghiêm trọng.

Đoạn video đã cho chúng ta đã thấy, đồng thời được coi là bằng chứng khi những người bị xâm phạm yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết hành vi vi phạm của những người quay clip, chửi bới, nhục mạ. Theo đó, những người này sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội… như sau: “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Tuy nhiên, mặt khác, chúng ta cũng phải thấy rằng các em không đến trường hay ở nhà học hành, nghỉ ngơi mà lại vào nhà nghỉ thì phần nào cho thấy sự thiếu giám sát, quản lý của gia đình, nhà trường và bản thân các em cũng chưa có ý thức tu dưỡng học tập nên cần phải rút kinh nghiệm. Gia đình, nhà trường cần quan tâm sát sao đến các em hơn nữa.

Được biết, sự việc diễn ra chiều ngày 16/3. Công an phường Định Công kiểm tra hành chính một nhà nghỉ phát hiện nhóm học sinh trên đang thuê phòng nghỉ nên đã đưa về trụ sở để làm rõ. Sau khi xác định các thiếu niên này không có vi phạm gì, cơ quan công an đã yêu cầu gia đình đưa về để quản lý, giáo dục.

Công an quận Hoàng Mai cho biết cũng đã triệu tập người quay đoạn clip trên để làm rõ sự việc.

Anh Thế - Thanh Trầm (ghi)