Góc nhìn đầy đủ "Thương vụ Bảo Sơn - Bảo Long"
(Dân trí)- Những ngày gần đây, dư luận báo chí có nhiều thông tin trái chiều xung quanh “Thương vụ Bảo Sơn - Bảo Long”. Riêng Tập đoàn Y dược Bảo Long liên tục có nhiều đơn thư gửi đi khắp nơi “kêu oan” cho mình.
Đơn của ông Nguyễn Hữu Khai gửi đến Báo Dân trí (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Bảo Long "kêu oan"
Theo nội dung đơn kiến nghị của ông Nguyễn Hữu Khai, TGĐ Tập đoàn Y dược Bảo Long phản ánh: Trong những năm qua, do tình hình kinh tế toàn cầu và trong nước khó khăn nên đã tác động mạnh đến tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Bảo Long; và tháng 2/2011 ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Bảo Sơn đã tìm đến Tập đoàn Bảo Long để bàn về việc nâng cấp đầu tư các đơn vị của Tập đoàn Bảo Long. Với cam kết: Nâng cấp Bệnh viện đa khoa Bảo Long thành bệnh viện tiên tiến ngang tầm quốc tế; Đầu tư tài chính nâng cấp xưởng sản xuất Đông dược Bảo Long đạt tiêu chuẩn Quốc tế GMP (Thực hành sản xuất tốt); Đưa trường phổ thông Võ thuật Bảo Long thành trường Phổ thông Quốc tế…
Ngày 3/3/2011, hai bên đã đi đến ký kết “Hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm”.
Theo đó, Điều 1 của hợp đồng này có quy định “Tập đoàn Bảo Long phải chuyển nhượng cho Tập đoàn Bảo Sơn 100% vốn cổ phần của các cổ đông (được ghi danh sách trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nghiệp) và phần vốn góp bổ sung của các cổ đông với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ diện tích đất, tài sản xây dựng trên đất, bản quyền thương hiệu sản phẩm bao gồm các đơn vị sau: CTCP Tập đoàn Y dược Bảo Long; Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân Bảo Long; Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long; Tổng giá trị chuyển nhượng là 227,5 tỷ đồng
Trong khi Tập đoàn Bảo Sơn cho rằng, số tiền 227,5 tỷ đồng là toàn bộ hợp đồng và đã thanh toán đủ với Tập đoàn Bảo Long thì ông Khai dẫn chứng: Theo Điều 1 của hợp đồng nhưng trong hợp đồng còn ghi rõ: “Tổng giá trị vốn chuyển nhượng là 227.513.174.701 đồng (227,5 tỷ đồng). Trong đó gồm:
Giá trị toàn bộ diện tích đất là 53.382,7m2 là 163.991.980.000 đồng
Giá trị công trình xây dựng trên đất là 63.521.194.701 đồng
Do đó, ông Khai cho rằng hai hạng mục này đã đủ số tiền 227,5 tỷ đồng, còn những hạng mục còn lại như: 100% vốn cổ phần của các cổ đông, phần vốn góp bổ sung của các cổ đông, hạ tầng kỹ thuật, vườn hoa cây cảnh và thương hiệu của 3 đơn vị trên chưa được Tập đoàn Bảo Sơn thanh toán.
Theo ông Khai, tổng số tiền của các hạng mục mà Tập đoàn Bảo Sơn còn nợ Tập đoàn Bảo Long là 125 tỷ đồng. (?)
Bảo Sơn "phản pháo"
Trước những thông tin do ông Khai cung cấp cho báo chí, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Bảo Sơn. Ông Sơn khẳng định những điều đó là hoàn toàn bịa đặt.
Theo tài liệu PV Dân trí xác minh cho thấy: Tại “Hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm” giữa hai đối tác trên quy định rõ Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long chịu trách nhiệm chuyển đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi bên B (Tập đoàn Bảo Sơn) chỉ định các thành viên HĐQT, hội đồng thành viên và các cổ đông mới trong 3 đơn vị nêu trên.
Đối với khoản nợ 125 tỷ ông Khai nêu, đại diện Bảo Sơn cho rằng hoàn toàn không có cơ sở. Theo thỏa thuận 2 bên thì Tập đoàn Bảo Sơn đã thanh toán 100% vốn và Bảo Long đã chuyển đổi đăng ký kinh doanh các công ty cho Tập đoàn Bảo Sơn.
Bản thân ông Khai đã ký hợp đồng tư vấn với công ty luật Tư vấn Quốc tế Thành Đạt cho Bảo Long tiến hành thay đổi đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bảo Sơn không tự ý chuyển đăng ký kinh doanh.
Bản cảm kết của Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long ngày 11/7/2011
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Ngày 11/7/2011, ông Khai và bà Lê Thúy Hằng (vợ ông Khai), với ông Nguyễn Hữu Sinh (em ruột ông Khai) đã ký cam kết thực hiện xong chuyển nhượng 100% vốn là đúng pháp luật, và không có kiện cáo bất cứ điều gì.
Thực tế sau khi Bảo Sơn thanh toán 227 tỷ đổng, ông Khai xin vay thêm 80 tỷ để trả nợ. Bảo Sơn đã cho Đông Nam dược Bảo Long vay 80 tỷ, mới giải ngân 51,8 tỷ.
Tuy nhiên Bảo Long lại tiếp tục đề nghị vay tiếp 136 tỷ, nhận thấy có khuất tất, và Bảo Long khó có khả năng thanh toán nợ nên Bảo Sơn không tiếp tục giải ngân.
Bảo Sơn cho Bảo Long thuê toàn bộ địa điểm nhà xưởng đề Bảo Long sản xuất thuốc với giá 500 triệu/tháng, cùng với bán lại thương hiệu và bản quyền 15 mặt hàng thuốc với giá 300 triệu đồng. Như vậy không thể nói Bảo Sơn nợ tiền thương hiệu của Bảo Long.
Vị đại diện cho biết thêm là đến thời điểm này Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long vẫn chưa trả tiền mua thương hiệu và mặt bằng cho Tập đoàn Bảo Long.
Đại diện Tập đoàn Bảo Sơn còn cho biết, việc mua lại này thực sự đã "cứu" Bảo Long khỏi nguy cơ gánh nặng nợ nần không thể trả nổi.
Các tài liệu do phía Bảo Sơn cung cấp cho thấy việc chuyển nhượng 100% vốn từ Bảo Long đã hoàn tất.
Vũ Văn Tiến