Gỡ thế bí cho người thắng kiện bị tái lấn chiếm đất sau khi thi hành án
(Dân trí) - Hiện nay để thi hành án bản án đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án, người được thi hành án phải tốn rất nhiều công sức. Bản thân người phải thi hành án thì luôn có tâm lý phản đối đến cùng.
Thậm chí, khi cơ quan thi hành án giao tài sản là quyền sử dụng đất cho người được thi hành án, cắm mốc giới thì chỉ vài giờ đồng hồ sau người phải thi hành án đã dỡ bỏ mốc giới, thực hiện tái chiếm lại tài sản.
Theo luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội, có thể xác định hành vi tái chiếm của người phải thi hành án không còn thuộc về quan hệ tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay quan hệ thi hành án thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thi hành án hoặc quan hệ hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan công an mà phải thuộc về thẩm quyền giải quyết của UBND các cấp.
Việc tái chiếm được xác định là một quan hệ tranh chấp mới, tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước. Tranh chấp này được thụ lý, giải quyết theo quy trình hành chính, được thực hiện bởi cơ quan hành chính chứ không phải quy trình tư pháp được thực hiện bởi các cơ quan tiến hành tố tụng.
Gỡ thế bí cho người dân và cơ quan chức năng
Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, nếu áp dụng trình tự cơ quan hành chính giải quyết yêu cầu của người được thi hành án bị tái chiếm quyền sử dụng đất như dưới đây, sẽ gỡ được bài toán khó cho cả cơ quan nhà nước lẫn người dân.
Theo đó, hành vi tái chiếm quyền sử dụng đất được xác định là hành vi lấn đất theo quy định tại khoản 1, điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về sử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
"Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép". Theo khoản 4, điều 14, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP xác định mức "phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta.
Với số tiền phạt từ 10 triệu đồng thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện theo quy định tại khoản 2, điều 38, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP.
Như vậy thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lấn đất đối với trường hợp tái chiếm của người phải thi hành án thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện.
Tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, khoản 7, điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP để đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án, người có đất bị lấn chiếm. "Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 của Điều này và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này";
Quyết định hành chính của Chủ tịch UBND huyện sẽ được đảm bảo thi hành bằng các biện pháp cưỡng chế được quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu người lấn, chiếm đất không tự nguyện thi hành.