Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam:

Giờ này cô ở đâu Liudmila Ivanovna?

Tôi nhẫn nại nhìn theo hai phía lối ra và vào của tòa nhà, chờ đợi. Một người phụ nữ đậm tròn ngoài 30 tiến lại. Tôi ngập ngừng: “Xin lỗi cho tôi hỏi, chị có biết bà Kontrenko Liudmila Ivanovna?” “Tôi không ở đây”. Chị ta ấn khóa từ, giật cửa, vần mình và mất hút.

 

 Tôi bước vào lối cầu thang 2 ở giữa của ngôi nhà số 10, đại lộ Lexi Ucrainki đúng 7 giờ tối. Cửa đóng kín mít. Chỉ có những con số và loa liên lạc với chủ nhân các căn hộ. Nếu không biết mã số, không có người quen thì xin bạn cứ đợi. Tôi nhẫn nại nhìn theo hai phía lối ra và vào của tòa nhà, chờ đợi. Một người phụ nữ đậm tròn ngoài 30 tiến lại. Tôi ngập ngừng: “Xin lỗi cho tôi hỏi, chị có biết bà Kontrenko Liudmila Ivanovna?” “Tôi không ở đây”. Chị ta ấn khóa từ, giật cửa, vần mình và mất hút. Tôi lẩm bẩm “Có mã mở cửa mà không sống ở đây. Lạ thật”. Từ phía trái một người đàn ông dẫn theo một con chó tiến đến. Tôi lặp lại câu hỏi ban đầu. “Tôi không biết” và anh ta dẫn chó đi thẳng.

 

Lại những phút tần ngần. Gió se lạnh.

 

Một người đàn ông khác, đầu húi ngắn, tóc trắng, cũng khoảng ngoài 30 từ trong cầu thang 1 mở cửa đi ra về phía tôi. Tôi tiến lại với bức ảnh trên tay. Vẫn câu hỏi cũ và lại thêm một câu trả lời cũ với một vẻ bàng quang thờ ơ.

 

Tôi hoang mang không biết mình nên về hay tiếp tục. Trời tối dậm dần. Chỉ những dãy cây Topol với lá đung đưa là kiên trì, không di chuyển.

Cửa kẹt mở, tôi ấm lên trong lòng, một phụ nữ cao ráo, lại cũng khoảng ngoài 30 với mái tóc kastan bước ra. Chị dừng bước, có vẻ đề phòng khi thấy tôi tiến đến. “Tôi tìm cô giáo của tôi, cô ấy đã sống ở đây” và tôi chìa bức ảnh ra. “Cô dạy tôi vào năm 1971-1972. Tôi không nhớ rõ số căn hộ nhưng hình như cô ở tầng 7”. Chị rướn lông mày sửng sốt “Lâu thế rồi ư? Ở đây toàn người mới”. Chị nhìn vào bức ảnh đã hoen ố và lắc đầu xin lỗi rồi bước đi.

Có lẽ mình phải về thôi. Gió giữa thu về đêm lạnh hẳn.

Người phụ nữ có mái tóc kastan quay trở về, ngạc nhiên khi thấy tôi vẫn không rời lối vào. Chị ái ngại “Ở đây có một người nhiều tuổi, bà ta sống từ ngày đầu của ngôi nhà này, chắc bà ta biết”. Chị bật loa liên lạc lên và bắt đầu giải thích. Phía bên kia người phụ nữ đang trả lời phải quay hỏi với “Mẹ ơi mẹ có biết ai là Kontrenko sống ở đây những năm 1971-1972 không?” Tôi khấp khởi, nhưng câu trả lời “không” từ phía bên kia đã dập tắt ngay niềm hy vọng vừa lóe lên. “Anh theo tôi vào, lên tầng 7 mà hỏi, có thể như vậy sẽ tốt hơn”. Tôi đứng trước các cửa phòng 51, 52, 53, 54 ở tầng 7, ngại ngùng không biết phải bấm số nào. Tôi lục lại trí nhớ, không thể nào biết được, thôi đành liều số 52 vậy. Tôi giật mình khi người mở cửa lại đúng là người phụ nữ tròn mập đầu tiên mà tôi gặp. “Tôi đã bảo là tôi không biết mà” và chị ta đóng sập cửa. “Thế mà bảo không sống ở đây”, tôi lại lầm bầm.

Tôi do dự. Không dám bấm chuông bất cứ phòng nào. May quá, từ tầng dưới một thanh niên trẻ đẩy cửa bước ra. Tôi lao xuống. Sau một hồi giải thích, anh tiến đến phòng bên cạnh bấm chuông. Trong phòng có tiếng vọng ra. Tôi nghe không rõ. “Mở cửa, mở cửa ra, đây là hàng xóm của anh chị”. Cửa kẹt mở, một người phụ nữ có khuôn mặt tròn đậm chất thôn dã. Anh thanh niên trình bày. “Tôi biết rồi, lúc nãy tôi hỏi mẹ tôi rồi.” Thì hóa ra đây chính là gia đình mà người phụ nữ có mái tóc kastan đã đàm đạo. “Mẹ ơi, mẹ có nhớ không?” Chị đưa bức ảnh mà tôi đưa, cho mẹ chị - một bà già tóc bạc trắng, gầy nhỏ ngồi trên xe lăn. Tôi chợt nghĩ “Có lẽ cũng chừng tuổi của cô Liudmila Ivanovna. Cầu trời cô còn mạnh khỏe”. Bà mẹ già chăm chú nhìn bức ảnh. Tôi dán mắt vào khuôn mặt bà, mong bà còn minh mẫn. Cái lắc đầu của người lớn tuổi nhất trong ngôi nhà này (có lẽ là như thế) như đặt dấu chấm cho mọi nỗ lực của tôi. Chàng thanh niên trẻ lắc đầu ái ngại.

Tôi một mình lên xuống trong cầu thang. Chột dạ, nhỡ có người nghĩ mình là phường bất hảo. Tôi đẩy cửa, ra khỏi tòa nhà.

Tôi quyết định vào cầu thang số 1. Anh chàng tóc trắng húi cua trở về. “Tìm được chưa?” Tôi lắc đầu. Anh mở cửa và tôi theo vào. Tôi lên tầng 7. Tìm số phòng 75. Đây chính là số phòng mà Mai Hà (bạn cùng lớp) lục lại trong trí nhớ nhưng không dám chắc. Tôi bấm chuông. Có tiếng đàn ông và dường như chủ nhân căn hộ đã nhìn qua “mắt thần”. Tôi mới cất lời thì đã nghe tiếng chân chủ nhân rời khỏi cửa đi về phía trong. Tôi ngập ngừng bấm chuông lần nữa. Tĩnh lặng.

Tôi đực người. Phía dưới, một cô gái nhỏ trẻ, vừa đi vừa điện thoại, đang bấm chuông để vào phòng 82. Tôi chìa bức ảnh và bắt đầu giải thích. “Ở hai phòng này toàn người trẻ cả” - cô chỉ vào phòng 80, 81. “Thế còn phòng này?” Tôi chỉ vào phòng 79. Cô lắc đầu. Tôi nhờ cô bấm chuông với lời giải thích rằng tiếng Nga trọ trẹ của tôi sẽ gây nghi ngờ cho chủ nhân căn hộ. Cô do dự và tôi tự bấm chuông. “Không có ai trả lời”, cô gái trẻ nói với vẻ thông cảm. “Hãy nhấn chuông lần nữa”, cô gái động viên. Nhưng từ phía trong không có dấu hiệu của phản ứng. Tôi nhìn đồng hồ. Đã 9 giờ. Làm sao lại có thể quấy phiền người khác vào giờ này được.

Lòng tôi đầy thổn thức. Tôi đã vượt 10.000 km và cô giáo chỉ ở đâu đây trong vòng 100m mà tôi đành bó chịu. Cô giáo ơi, giờ này cô ở đâu?

Trí nhớ gợi lại lần đầu ngày cô giáo mời chúng tôi đến nhà nhân dịp Cách mạng tháng 10. Đó là lần đầu tiên tôi được ăn xa lát Nga đến no bụng. Tách trà có chanh vàng chuyển sang màu đỏ vàng óng ánh. Lát bánh Tort Kiev ngọt quánh nơi đầu lưỡi.

Buổi tối chúng tôi thường dùng đồng 2 côpec gọi từ điện thoại tự động treo trước cửa ký túc xá cho cô giáo. Gọi chỉ để là gọi. Chẳng có lý do gì cần thiết cả. Cái ao ước được nói chuyện bằng tiềng Nga với cô giáo thật ngây thơ.

Ngày ấy, ngoài cô giáo Nga văn là chủ nhiệm lớp, chúng tôi còn được học tiếng Nga qua các môn Địa lý, Lịch sử, Hóa học.

Cô giáo dạy Hóa có khuôn mặt thuần xlavo, ở vùng Darnhitxa bên kia sông Đơ nhiep, cũng mời chúng tôi đến chơi nhà, còn đưa chúng tôi tới trường con cô học. Các cháu học sinh quàng khăn đỏ cùng với thầy cô giáo nhà trường đón chúng tôi một cách nồng ấm, tràn đầy tình thân.

Cô giáo dạy Địa lý, to đậm, có khuôn mặt tươi đôn hậu với đôi mắt xanh lơ đến nao lòng, gợi một thời xuân sắc. Cô bắt chúng tôi học tên các biển quanh Liên Xô, các mỏ khoáng sản, các sông lớn và 15 nước Cộng hòa mà bây giờ không còn trong một Liên Bang nữa.

Cô giáo dạy Sử nhỏ nhắn thoáng nét của người lai Á Âu, đã có lần đến ký túc xá thăm chúng tôi. Tôi còn nhớ mình và bạn Lê Thế Giới đã rót cốc nước chè mang “màu thuốc Bắc” mời cô uống. Chè đen Grudin của Ấn Độ nếu pha để nguội lâu sẽ chuyển sang gần giống “màu thuốc Bắc”. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy ái ngại. Khi cô giảng đến bài quân Nguyên xâm chiếm Châu Âu, tôi đã hỏi cô “Dân số Mông Cổ bao nhiêu” và cô bảo là khoảng 5 triệu người. Tôi hỏi người Mông Cổ đi đâu mà giờ chỉ còn 1 triệu. Cô cười lắc đầu. Tôi nhắc chuyện này vì đến bây giờ số liệu lịch sử về chiến binh thời Đông Chu, Tam Quốc, Tống, Nguyên vẫn là những con số đầy mâu thuẫn cho tôi.

Tôi tự trách mình đã không cẩn trọng. Dẫu rằng trước đó chúng tôi đã nhờ Sứ quán tìm hộ. Cả ngày hôm đó chúng tôi gọi tới Khoa ngoại quốc của trường Tổng hợp Đỏ nhưng không có tiếng trả lời. Tôi cũng đã nhờ sự giúp đỡ của Văn phòng thông tin (xpravotrnui biuro) nhưng thật không may từ năm ngoái đã cấm cung cấp những loại thông thông tin dạng này. Thời Xô Viết, sự quản lý hộ khẩu chặt đến nỗi chỉ cần 5 côpec, bạn có thể biết được địa chỉ của bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu, vào thời gian nào, dẫu là trước đó nhiều năm và di chuyển liên tục nhiều địa điểm. Thời internet ngày nay, tiện ích hơn nhiều trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, tọa độ của những người đã về hưu từ trước thì tắc tịt. Tôi đã phải viện cứu tới một bạn học người Kiev thời đại học - bây giờ đã là một giáo sư - tìm kiếm qua Viện Hàn mang tên Paton, nơi chồng cô (mà cô mang họ) đã từng làm việc. Website của viện cũng không có chỗ cho các thế hệ trước.

Tôi mông lung không dứt được kỷ niệm ngày đầu tiên đến Kiev. Thật là tình cờ vì mảnh đất Ukraina cũng là địa chỉ phương Tây đầu tiên trong cuộc đời tôi.

Vào mùa hè năm 1962, trong khi lục tìm “Tam Quốc Diễn Nghĩa” tôi thấy một cuốn sách dày nhiều trang, mất bìa, mất gáy, nhàu mục - dấu ấn của sự qua tay nhiều người. Cuốn sách do anh trai đầu của tôi mang về và cất trên gác. Tôi phải leo lên cột nhà mới lấy được. Ngay trang đầu tiên thu hút sự tò mò của tôi là bức ảnh đen trắng của một người Châu Âu xa lạ. Dưới có đề “Nhicôlai Ôstrôpski”. Sự tò mò mang tính ma lực là câu mở đầu đồng điệu với tuổi học trò hằn mãi trong trí nhớ của tôi: “Trong bọn bay đứa nào đến nhà tao học bài hôm trước trong ngày lễ Thánh, đứng dậy - Người mặc áo dài thâm lừ mắt quát học trò”.

Run rủi số phận để rồi 9 năm sau vào khoảng 2 giờ sáng ngày 12/8/1971 tôi đến nơi mảnh đất mà Paven Kortragin, thần tượng một thời của bao thế hệ trẻ, đã từng sống.

Tàu vào ga. Đèn neon xanh lạnh. Đón chúng tôi là các anh năm trên của trường Đại học Dân dụng hàng không Kiev. Ba mươi bảy năm mà như vừa mới hôm qua.

Thời trẻ thấy thời gian lâu. Tuổi già nhìn thời gian chóng. Nhịp sống sinh học tỷ lệ nghịch với cảm giác thời gian.

Nếu còn sống (cầu trời) cô Ludmila Ivanovna chừng 80 tuổi. Tôi nhớ lúc đến nhà, cô cho chúng tôi xem bức ảnh của cô chụp năm 1951, khi mới vừa tốt nghiệp Đại học ở Lvov. Và như vậy có thể dự đoán cô sinh trong khoảng những năm 1927-1931.

Trong ảnh cô trẻ và thật đẹp. Tôi có cảm giác cô đẹp hơn con gái Irina của cô lúc đó vừa mới lấy chồng. Chị Irina có chiếc mũi to giống bố. Người ta bảo con cái thường đẹp hơn bố mẹ. Tôi thấy tiêng tiếc cho chị Irina.

Hồi đó tôi phát âm không tốt, nhất là đối với những âm khó. Chỉ có chữ l và n mà cô phải chữa mãi. Sau này tôi mới hiểu tại sao mình nói tiếng Nga không được hay. Người có năng khiếu thanh nhạc dễ bắt chước cách phát âm hơn, nhất là sau tuổi trưởng thành. Tôi hoàn toàn không biết hát.

Cũng ngẫu nhiên, lớp tôi hình như không có ai xuất sắc về phương diện thanh nhạc. Cô giáo tôi cũng vậy. Vì thế trong sinh hoạt văn nghệ của trường, lớp tôi rất khiêm tốn. Tôi nhớ cả lớp chỉ tham gia hát một lần. Bài hát về Lênin trong dịp kỷ niệm ngày sinh của Người. Dạy hát chúng tôi hình như là cô giáo chủ nhiệm lớp 13, là lớp hay có hoạt động ngoại khóa với lớp 12 chúng tôi nhất.

Khoa dự bị của chúng tôi nằm trên phố Proxvesenie, gần ký túc xá của trường Xây dựng. Quản lý sinh hoạt khối học sinh Việt Nam 171 người là chị Irina, vốn là một cử nhân tiếng Anh, vào thời đó không được sử dụng nhiều nên phải chuyển vị. Quản lý khối Châu Phi là chị Tamara, người cao lớn, dường như không được thiện cảm của các nam sinh viên Việt Nam. Chị Irina nhỏ người, má đỏ màu đào chín, thoáng gợn những đốm tàn nhang vàng đặc thù của nước da người Châu Âu.

Chị Irina là người đưa chúng tôi tới Bách hóa trung tâm (XUM) để mua quần áo. Đi cùng là một anh (chị) biết tiếng Nga, học năm trên. Đi đến XUM từ ký túc xá số 6 chúng tôi ở có thể lên xe troleibus số 8, sẽ có bến đậu trước mặt XUM ở Đại lộ Kreshatik. Khi về thì bến ở phía mặt bên, đường Lênin (Bây giờ là Bacdan khmenhitskava). Cũng có thể đi bằng troleibus số 9 rồi đi bộ một quãng.

Hồi đó mỗi học sinh Việt Nam mới sang được cấp mua quần áo giá trị 300 rup. Tôi nhỏ người nên chọn quần áo rất khó. Chị Irina phải dẫn đi 2 lần mà không mua hết. Nơi chọn quần áo là ở kho tầng 6. Các bạn nam được chọn thêm ở tầng 4, các bạn nữ ở tầng 3 là hai tầng tương ứng trưng bày quần áo dành cho nam nữ. Riêng tôi phải đi xuống tầng 2 là nơi bán quần áo trẻ con.


Khác với chúng tôi chỉ có 2 bộ vét (một bộ được phát từ nhà), cô giáo của chúng tôi là người khá diện, nói theo từ bây giờ là rất fashion. Cô có đủ các bộ cánh để thay đổi trong cả tuần. Kèm theo là các đồ trang sức và khăn choàng. Cô hút thuốc. Tôi không thích những người phụ nữ hút thuốc. Nhưng với riêng cô giáo, tôi không hề mất cảm tình. Giờ giải lao, cô thường ra cuối hành lang để hút thuốc. Trong mọi dáng điệu của cô đều phảng phất sự đài các, tạo dáng.

Dường như bóng dáng hoa mỹ của cô thấp thoáng đâu đây, theo bước chân tôi trên con đường ngày xưa cô từng đưa chúng tôi về nhà. Tôi thấy ánh mắt cô sau cặp kính nhòa tan trong ánh đèn đêm. Một làn gió mát lạnh tràn về từ sông Đơ nhiep mang theo hơi thở mênh mang của thảo nguyên Ukraina làm tôi bừng tỉnh.

 

Kiev- Thang 9, 2009
Nguyễn Ngọc Chu