Giếng làng

(Dân trí) - Người xưa bảo, trẻ nhớ nhà, già nhớ làng. Từ khi bước sang tuổi "tri thiên mệnh", tôi thường hay nhớ về làng mình.

Nhưng cái làng tôi nhớ không phải là cái làng đường sá sạch sẽ, nhà cửa khang trang, xe máy chạy đầy đường và trên mái nhà đổ bê tông luôn ngất ngưởng từng giàn ăng ten...
 
Tôi nhớ cái làng lầm lũi tuổi ấu thơ với những căn nhà mái tranh lụp xụp như chui lủi dưới luỹ tre già, nơi có những con đường lỗ chỗ vết chân trâu như câu thơ của một người bạn "Đường làng đau vết chân trâu - Thơ tôi nợ tự câu đầu nợ đi". Tôi nhớ lắm ngôi đình tuổi thơ, nơi có cái giếng làng nước xanh ngằn ngặt đầy bí hiểm.

Cái giếng cổ làng tôi chẳng biết được đào từ bao giờ, có lẽ nó phải có từ trước cái buổi mà ông bà, cụ kị tôi sinh ra trên thế gian này. Nó già nua và nhiều truyền thuyết.

Ngày tôi còn bé, tôi thấy người làng tôi thuở đó đều tin rằng dưới đấy giếng đình làng tôi có một mạch ngầm thông ra sông Diêm. Vì vậy, nếu tối hôm trước thả quả bưởi xuống giếng thì sáng hôm sau, nó sẽ trôi ra sông Diêm rồi tìm ra biển. Vào mỗi độ rằm tháng bảy hay rằm tháng tám, nhiều đêm tôi thường lặng lẽ thả những quả bưởi vàng rực ước mơ vặt ở nhà mình và cả vặt trộm ở nhà hàng xóm xuống giếng làng để rồi sáng hôm sau, tha thẩn đi tìm dọc bờ sông Diêm hộ. Tôi chưa bao giờ tìm thấy quả bưởi mà mình đã thả nhưng không hiểu vì sao tôi vẫn cứ tin điều đó là có thật và cần mẫn làm điều đó như một kẻ bị ám ảnh. Ôi tuổi thơ nhẹ dạ, cả tin và chính vì thế mà nó trở nên thơ mộng và đẹp đẽ. Chợt nhớ có lần đọc ở dâu đó chuyện về một nhà khoa học tên tuổi từng được giải Nobel rằng, khi người ta hỏi ông là nhà khoa học, ông có tin vào Chúa không thì ông đã trả lời đại để là với tôi, ngay cả việc có chúa hay không cũng không quan trọng mà tôi cần ở đó một niềm tin. Một niềm tin, dù là nhẹ dạ, cả tin vẫn cần lắm cho cuộc đời này.

Chẳng biết vì sao mấy năm nay, cứ vào độ hanh khô tháng 10, tháng 11 là giếng lại cạn khô đến đáy. Vào dịp hội làng từ ngày 10 - 12 tháng giêng, để che đi những vết nứt nẻ nơi đáy giếng và cũng là để bớt đi sự vô lý của hòn non bộ mới được đắp nổi trên mặt giếng, người ta thường bơm nước ao vào đó. Thế nhưng cũng chỉ được mấy hôm, nước lại rút đi đâu sạch để lại cái nền đáy nứt nẻ toang hoác.

Làng tôi giờ đèn điện sáng choang, xe máy chạy đầy đường. Sẽ mãi mãi chẳng bao giờ còn nữa những chú bé ngu ngơ, cả tin đêm đêm đem thả những quả bưởi mơ ước xuống giếng làng để mong chúng đem ước mơ của mình ra với đại dương xa tít tắp...

Bùi Hoàng Tám