Giấy phép con cho dạy thêm?

(Dân trí) - Dự thảo dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục & Đào tạo được đưa lên mạng để lấy ý kiến toàn dân và đã được nhiều ý kiến phản hồi tích cực, tâm huyết. Điều này cho thấy xã hội vô cùng quan tâm tới lĩnh vực hệ trọng này.

Nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình với điều 2.2: “Việc dạy thêm của tổ chức hoặc cá nhân chỉ được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép”. Như vậy là nếu dự thảo này được thông qua, sẽ có thêm một loại giấy phép nữa xuất hiện trong xã hội. Có nên không khi đề ra cách quản lý việc dạy thêm của giáo viên và nhu cầu học hành của học sinh theo cách này.

Không ai cấm được sự học cả. Việc học thêm là một nhu cầu của công dân, và muốn học thì phải có người dạy. Trước tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, nhiều ý kiến lên tiếng phản đối, trong đó không ít người là phụ huynh.

Kể cũng lạ, đa số phụ huynh có nhu cầu đảm bảo kiến thức của con cái, hoặc bị phong trào lôi kéo đã bắt buộc con em mình đi học thêm. Vậy mà cũng chính họ lại ồn ào lên án và xem dạy thêm, học thêm như một tệ nạn. Có lẽ chúng ta chưa có cái nhìn thật khách quan, bắt buộc con cái phải đi học thêm triền miên  là cực đoan, nhưng phản đối việc học thêm lại rơi vào sự cực đoan khác.

Trên thực tế, rất nhiều học sinh không theo kịp chương trình chính khóa, nên rất cần học thêm để bù đắp kiến thức. Vậy nhu cầu học thêm của chính em đó và của phụ huynh là chính đáng.

Một thực tế khác là nhiều gia đình, bố mẹ phải đi làm suốt ngày nên không có thời gian quản lý con cái. Các bậc phụ huynh này có nhu cầu cho con cái đi học thêm để tạo điều kiện cho các em sử dụng thời gian hiệu quả.

Hầu hết phụ huynh đều lo lắng, nếu con cái rảnh rỗi sẽ dễ bị bạn bè lôi kéo chơi bời lêu lổng, hoặc tham gia vào các trò chơi không lành mạnh. Sự lo lắng đó rất có căn cứ, và việc tổ chức cho con cái tìm thầy để học thêm là một lựa chọn không tồi.

Dự thảo còn có điều quy định giáo viên không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. Có thể đâu đó cũng có trường hợp thầy cô giáo làm điều đó, nhưng chắc chắn không phải phổ biến.

Những trường hợp thầy cô giáo ép học sinh học thêm tất nhiên cần phải có biện pháp xử lý, nhưng từ phía phụ huynh cũng phải tự xem xét về trách nhiệm của mình. Điều rõ nhất hiện nay là chính từ nhu cầu của xã hội, của từng cá nhân học sinh nên thầy cô mới dạy thêm để đáp ứng nhu cầu đó. Trong việc này, tất nhiên có nhu cầu cá nhân của thầy cô giáo về mưu sinh.

Nhưng đó là việc rất bình thường, bất cứ ai cũng có thể bằng nghề nghiệp mà mình được đào tạo, làm thêm để kiếm sống. Đồng lương của giáo viên còn thấp, thầy cô dạy thêm để có thêm thu nhập là rất chính đáng. Còn ngành Giáo dục muốn giảm áp lực học tập cho học sinh thì nên nghiên cứu cắt giảm chương trình học và những môn học không phù hợp.

Thầy cô giáo bằng lương tâm nghề nghiệp, bằng sức lao động của mình để dạy thêm là không có gì xấu, ngành Giáo dục không nên cấm và càng không thể bắt các thầy cô phải xin phép ai cả.

Còn việc học thêm có cần thiết không, có chính đáng không là do các bậc phụ huynh tự hiểu nhu cầu của gia đình mình, con cái mình. Việc đưa ra các biện pháp hành chính, giấy phép xin - cho chưa chắc đã quản được ai mà không chừng lại làm rối thêm.

Lê Chân Nhân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm