Giáo viên với áp lực các loại phí
Gần đây, mới xuất hiện một kiểu “loạn thu” trong nhà trường mà đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp là giáo viên. Mặc dù thấy nhiều khoản thu vô lý, nhưng họ vẫn phải nộp.
Có trường Ban giám hiệu (BGH) trong cuộc họp hội đồng, đề nghị thành lập khoản phí tăng lương (?!) .Theo như lời ông hiệu trưởng thì mỗi giáo viên mỗi khi đến kỳ nâng bậc lương đều phải đóng một khoản phí từ 50-100 ngàn đồng để trả thù lao cho ban xét duyệt nâng bậc lương và tiền công cho nhân viên văn phòng làm và đi nộp hồ sơ. Đây là điều hết sức vô lý mà ai cũng hiểu. Bởi vì, những thành viên tham gia hội đồng lương của nhà trường đều đã được Nhà nước trả tiền trách nhiệm hoặc được tính thêm tiết dạy trong định mức của giáo viên rồi.Và mặc dù hiểu như vậy nhưng không có giáo viên nào phản ứng trước lời đề nghị mà cũng gần như bắt buộc ấy. Bởi ai cũng ngại sợ làm phật lòng Hiệu trưởng, hoặc vì nể nang hay sợ bị “để ý”.
Ở một trường nọ còn có khoản phí hết sức lạ đời. Phí “phần trăm”. Nghĩa là mỗi giáo viên khi được thanh toán tiền dạy thêm, tiền thừa giờ, đều phải trích ra một khoản không nhỏ để làm quỹ. Không biết BGH nhà trường dùng quỹ này để làm gì và được bao nhiêu thì không ai biết. Nếu có giáo viên nào hỏi thì được trả lời chung chung là “để lần sau rồi trả lời” và cuối cùng cũng rơi vào lãng quên.
Một khoản phí vô lý khác cũng đổ lên đầu giáo viên nữa là phí “Hội dâu rể”. Cuộc sống ngày càng được nâng cao thì các mối quan hệ theo đó càng được mở rộng. Đó là điều đáng mừng. Song những “hội” này “hội” kia ra đời mà không có tiêu chí hoạt động, không có tác dụng thiết thực nào thì cũng không nên khiên cưỡng. Thế nhưng khi đã ra đời thì cần phải có kinh phí để cuối năm các thành viên trong hội gặp nhau “vui vẻ” thì mỗi giáo viên phải “bấm bụng” góp vào quỹ gần bằng số tiền thưởng một năm lao động không mệt mỏi để cuối năm được thưởng lao động giỏi.
Người Việt Nam ta có truyền thống tương thân tương ái,sống có tình có nghĩa. Ai cũng ý thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trước cộng đồng, trước những số phận không may mắn. Họ sẵn sàng chia sẻ những khó khăn mà ai đó gặp phải.Người giáo viên hơn ai hết càng phải làm gương cho những hoạt động từ thiện mang tính nhân văn cao cả.
Những khoản phí đóng góp mà Nhà nước và MTTQVN phát động như : Quỹ “vì người nghèo”, quỹ “Nạn nhân chất độc màu da cam”, quỹ “Khuyến học”… Ngoài ra các địa phương còn phát động quỹ “Công đoàn nghèo”, Quỹ “Xây dựng nhà công vụ” nhằm chung sức vì sự tiến bộ xã hội, là việc làm có ý nghĩa. Nhưng họ không chấp nhận những loại quỹ vô lý như BGH đặt ra. Bởi vì nhưng việc làm vô bổ, lại tốn thêm tiền bạc, trong khi họ đang loay hoay với bài toán chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày.
Trong khi đồng lương còn eo hẹp, việc trích ra một khoản từ 8-10% lương cho các khoản phí “Trời ơi” ấy là điều không dễ dàng gì.
Rõ ràng, để hướng tới mục tiêu xây dựng “Trường học thân thiện” mà Bộ Giáo dục phát động trong toàn ngành, thì trước hết phải bắt đầu từ nhận thức của các BGH nhà trường. Họ phải có tư duy thân thiện của người làm công tác quản lý giáo dục.Có như vậy cuộc vận động mới có ý nghĩa thiết thực và phù hợp với nguyện vọng của giáo viên và sự quan tâm của toàn xã hội đối với ngành Giáo dục. Mong rằng, sẽ không còn xảy ra những hiện tượng như trên nữa.
Đinh Xuân Tiễn
(Khu phố 3, thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình)
LTS Dân trí - Tác giả viết bài trên đây đề xuất một ý tưởng đáng hoan nghênh. Đó là việc xây dựng “Trường học thân thiện” phải bắt đầu từ “tư duy thân thiện” của Ban giám hiệu nhà trường, nghĩa là “tư duy” đó phải xuất phát từ quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của giáo viên và học sinh, chứ tuyệt nhiên không phải là kiểu tư duy áp đặt của BGH để đặt ra những khoản thu vô lý, làm cho đời sống của giáo viên đã khó khăn càng khó khăn thêm.
BGH trường nào đặt ra những khoản thu trái với quy định chung như vậy cần sớm nhận ra thiếu sót của mình và hủy ngay quyết định sai trái đó.