Bạn đọc viết:
Giáo viên phải “né” học sinh
(Dân trí) - Đã có trường hợp giờ tan học chiếc xe máy của thầy giáo xẹp lốp bất thường, thậm chí bị rạch một đoạn dài trên yên. Bình tâm nghĩ lại thì hóa ra tuần trước thầy có mắng một học sinh không chịu chép bài, lại còn trêu trọc bạn gái đến phát khóc.
Song công tác trong ngành giáo dục đã 15 năm nay, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác thống nhất ngầm với nhau rằng: đối với một số học sinh quá cá biệt, mặc dù mình đã cố gắng để tạo mối quan hệ thân thiện với các em nhưng không tài nào “ thân thiện” được, bởi các em quá chây lười trong học tập, ăn nói ngỗ ngược, vi phạm có hệ thống nội quy nhà trường.
Mặc dù bản thân các giáo viên như chúng tôi đã nỗ lực áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, nhưng xem ra “đối tượng ” đã thực sự “nhờn thuốc ”. Đuổi học chỉ là biện pháp tình thế, ngoài mong muốn của giáo viên.
Để đuổi học một học sinh không phải là chuyện đơn giản, mà chỉ Ban Giám hiệu mới có thẩm quyền quyết định. Nhiều học sinh vi phạm quá mức phải bị đuổi học, nhưng Ban Giám hiệu vẫn cố tình né tránh vì sợ “miệng tiếng” với các trường bạn, với phòng giáo dục, rồi sợ cấp trên phê bình, sợ báo đài phanh phui mổ xẻ.
Hàng ngày những học sinh cá biệt vẫn “ung dung” tới trường để quậy phá nhiều hơn là để học. Một số “đối tượng” vào lớp thì ngủ gà ngủ gật hoặc làm việc riêng thay vì nghe giảng. Khi giáo viên nhắc nhở: Em không tập trung học thì sao mà thi đỗ được ? “Đối tượng” ngắt lời thầy: áp dụng định luật C. Liếc thầy ơi ! Nghĩa là khi vào phòng thi vừa "quay" tài liệu vừa liếc nhìn bài của bạn, thế nào cũng đỗ, có lúc lại đỗ cao nữa chứ ???
Đã có trường hợp giờ tan học chiếc xe máy của thầy giáo xẹp lốp bất thường, thậm chí bị rạch một đoạn trên yên. Thật là “tiến thoái lưỡng nan”. Bình tâm nghĩ lại thì hóa ra tuần trước thầy có mắng 1 học sinh không chịu chép bài, lại còn trêu chọc bạn gái đến phát khóc. Sự việc được trình lên Ban Giám hiệu nhưng rồi sắn vẫn hoàn sắn, khoai vẫn về khoai. Lúc ấy mới thấm thía câu: “Chờ được vạ thì má đã sưng”. Để rồi ngấm ngầm truyền cho nhau “bức thông điệp” là muốn được yên ổn, hòa bình là phải "né” (tránh xa) học sinh cá biệt.
“Né” thiểu số để dồn tâm trí mà giảng dạy cho đa số. “Né” chưa hẳn là sợ mà chỉ để “bảo toàn tài sản”, thậm chí là để “bảo toàn tính mạng” trong những tình huống phức tạp vượt ngoài khả năng ứng xử sư phạm của những ông thầy giáo đã hai màu tóc.
Mười lăm năm giảng dạy, thật biết bao kỷ niệm đẹp khó phai nhòa về tình thầy trò. Mhưng giờ đây chúng tôi vẫn sẵn sàng truyền cho nhau “thông điệp” ấy, và tình trạng giáo viên “né” học sinh là có thật.