Giao tòa ra quyết định thi hành án?
Nhiều ý kiến đề nghị Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung cần để tòa ra quyết định thi hành án để thể hiện quyền lực.
“Tán thành việc giao tòa ra quyết định đưa bản án hoặc một phần bản án ra thi hành, còn cụ thể thi hành những gì là do cơ quan thi hành án (THA) ra quyết định. Trước kia, tòa đóng dấu án có hiệu lực thi hành. Giờ tòa ra quyết định thi hành luôn để thể hiện quyền lực” - ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã phát biểu như vậy tại phiên họp thảo luận góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật THA dân sự vào ngày 8-4 tại TP.HCM.
Ai xác minh điều kiện THA?
Luật THA dân sự năm 2008 quy định trường hợp THA theo đơn yêu cầu thì trách nhiệm xác minh điều kiện THA của người phải THA trước hết thuộc về người được THA. Sau đó nếu người được THA đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được thì có thể yêu cầu chấp hành viên, thừa phát lại xác minh và phải chịu phí.
Nhiều đại biểu đề nghị sửa quy định này theo hướng cơ quan THA cũng có nghĩa vụ xác minh tài sản để đảm bảo việc THA. Bởi lẽ người được THA không có điều kiện xác minh, thực tế ngay cả cơ quan nhà nước khi đi xác minh tài sản còn gặp khó.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền thì cho rằng công dân sẽ tự làm tốt công việc THA hơn Nhà nước. Hơn nữa để Nhà nước làm thay sẽ rất vất vả, tốn kém… Ông lý giải: “Việc dân sự cốt ở các bên, Nhà nước chỉ can thiệp những việc cần thiết. Khi đã đưa tranh chấp ra tòa, người ta sẽ quyết theo đuổi để thi hành bản án. Chủ động khởi kiện, chủ động yêu cầu thi hành thì sẽ tự thi hành được. Qua thực tiễn, chẳng có bên nào xong án thì không cần thi hành nữa, có bản án rồi thì việc kiện tụng nhau để THA vô cùng quyết liệt. Đề nghị xem lại ý kiến để Nhà nước THA”.
Cũng theo đại biểu Quyền, “mấu chốt hiện nay là Nhà nước không nắm được tình hình tài sản, kể cả tài sản của cán bộ, công chức, viên chức dù đã có yêu cầu phải công khai, minh bạch. Điều quan trọng nhất là phải có bàn tay của chính quyền trong việc xác minh tài sản. Tôi biết rất nhiều trường hợp không có tài sản THA nhưng vẫn đi ô tô, ở căn hộ… Nếu quản lý được tài sản của công dân thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề như chống tham nhũng, chống trốn thuế, chống rửa tiền và làm tốt công tác THA dân sự”.
Giao tòa việc THA: Nên hay không?
Về vai trò, trách nhiệm của tòa trong THA dân sự có rất nhiều ý kiến trao đổi khác nhau. Có đại biểu đề nghị sửa theo hướng quy định trách nhiệm của tòa rõ hơn trong THA, ràng buộc trách nhiệm của tòa đối với công tác THA. Có ý kiến thì muốn tòa không chỉ ra quyết định mà còn phải tham gia tất cả khâu THA. Tòa phải có bộ máy, nhân lực để thực hiện công việc này. Đề nghị chuyển toàn bộ công việc THA về tòa để tòa quyết toàn bộ. Lý do: Cơ quan THA muốn ra quyết định thì phải đi xác minh, sau đó chuyển tòa, tòa cũng phải đi xác minh tiếp thì rất bất cập. Luồng ý kiến này cho rằng nếu giao việc THA cho tòa thì tòa có trách nhiệm với bản án của mình và xuyên suốt đến cả quá trình THA.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối vì cơ quan THA dân sự đã ra quyết định rồi mà thêm quyết định của tòa nữa thì không giải quyết được vấn đề gì. Hãy để tòa tập trung xét xử vì tòa đã quá nhiều việc rồi, không thể làm tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp) đề nghị luật sửa đổi giữ nguyên vai trò của tòa như hiện nay, đồng thời tăng cường trách nhiệm của tòa ở việc ban hành bản án trên cơ sở thực tế. Nếu chuyển chức năng ra quyết định THA cho tòa thì vừa hình thức vừa tốn kém và gây phiền hà cho dân. “Tòa phải ra bản án phù hợp thực tiễn, có tính khả thi; xử lý kiến nghị của các bên trong công tác THA dân sự. Khi cơ quan THA dân sự có yêu cầu giải thích bản án thì tòa phải giải thích kịp thời. Thực tế tôi biết có nhiều tòa địa phương ra bản án không rõ ràng, khi được yêu cầu giải thích bản án thì lại chậm trễ dẫn đến việc THA kéo dài” - đại biểu Cường nói.
Một luồng ý kiến trung dung thì cho rằng nên sửa đổi từng bước. Trước hết giao cho tòa ra vài quyết định như quyết định đưa bản án ra thi hành và vài quyết định khác. Trong quá trình xác minh, nếu phát sinh tài sản cần kê biên thì lúc đó tòa phải ra quyết định (vì ra quyết định liên quan tài sản phải bằng lệnh tòa).
Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng: “Luật phải đưa ra tiêu chí trong trường hợp nào thì tòa giải thích bản án, trường hợp nào thì cơ quan THA trả bản án lại cho tòa (liên quan số đo, diện tích, nội dung thi hành). Nếu rơi vào những tiêu chí này thì THA mới được gửi án lại cho tòa. Đúng tiêu chí thì tòa phải giải thích… Nếu không quy định rõ, cụ thể thì việc đẩy qua đẩy lại là vô cùng”.
Không thay đổi mô hình cơ quan THA Kết luận của Bộ Chính trị có hai điểm quan trọng là không thay đổi mô hình tổ chức cơ quan THA; tăng cường vai trò của tòa và UBND trong việc THA dân sự. Kết luận không nói cụ thể phải chuyển việc ra quyết định THA dân sự cho tòa. Theo tôi hiểu thì việc tăng cường vai trò của tòa trong công tác THA dân sự thể hiện ở rất nhiều vấn đề khác nhau chứ không chỉ thể hiện ở việc chúng ta phải giao cho tòa ra quyết định THA thì mới là tăng cường vai trò. Hiện nay vai trò của tòa trong THA dân sự rất mờ nhạt. Nhiều trách nhiệm được giao cho tòa nhưng trong một số trường hợp tòa còn chưa thực hiện hết. Vì vậy cần tăng cường trách nhiệm của tòa trong việc ra bản án, giải thích bản án… Đây chính là tăng cường vai trò trách nhiệm của tòa trong THA dân sự. Dự thảo luật này chỉ chuyển giao tòa ra quyết định THA bên cạnh quyết định đưa bản án ra thi hành của cơ quan THA thì rất hình thức, tăng tài chính, gây phiên hà. Không thể khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác THA dân sự… Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp |
Theo Phương Loan
Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh