Giáo dục và tự giáo dục

Giáo dục và tự giáo dục là hai mặt của một vấn đề. Kinh nghiệm chỉ rõ: muốn thực hiện tốt việc giáo dục người, trước hết phải biết tự giáo dục chính bản thân mình, lấy mình ra làm mẫu cho mọi người noi theo!

Nhưng xưa nay, việc giáo dục người thì dễ, chứ tự giáo dục mình e là rất khó! Chẳng hạn, chỉ riêng việc kêu gọi tiết kiệm trong dịp Tết thôi, nhưng nhiều năm rồi, chẳng chuyển biến là bao. Cuối năm vẫn cứ xe con, xe bé từ các địa phương cuồn cuộn chở đồ lễ tết về Thủ đô.  

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Rượu ngoại, thuốc lá ngoại, tiền ngoại,... cứ đắt như "tôm tươi"! "Xếp" không nhận thì "phu nhân xếp" nhận; đưa một phu nhân không nhận thì đưa mười, thế nào phu nhân cũng nhận! Cửa chính đàng hoàng không mở thì đi cửa sau! Giáp tết dễ lộ thì đi trước tết cả tháng,... Báo chí thấy vài ba ông Thứ - Bộ trưởng đi xe ôm đến cơ quan làm việc, vội khuếch trương. Nhưng lại lờ đi (hoặc chưa thấy) chuyện hàng trăm quan chức khác, ngành có, địa phương càng có,  vẫn thường xuyên dùng ôtô cơ quan đi Tết, đi du Xuân, đi lễ cầu tài cầu lộc!

Rồi còn "chuyện dài nhiều tập" liên hoan tổng kết nữa: dantri.com.vn ngày 1/2/2008 đăng bài của hai tác giả Cấn Cường và Phương Thảo về sự "quá tải tiệc liên hoan tổng kết" của các cơ quan dịp năm hết tết đến này:

"Cơn bão giá cả đã tác động lớn đến đơn giá của các khách sạn, nhà hàng vào dịp cuối năm. Tại các khách sạn mức giá phổ biến cho tiệc đứng hiện nay không dưới 150 ngàn đồng/suất. Chẳng hạn, tại khách sạn Hoà Bình, một suất ăn cho tiệc đứng được tính giá 180.000đ, trong khi tại khách sạn Công đoàn một suất là 160.000đ (chưa kể đồ uống). Nếu tiệc ngồi, khách sạn Công đoàn có 4 thực đơn khác nhau, với chung một giá 100.000đ/người, chưa kể đồ uống.

Tiền thuê hội trường được tính riêng là 4 triệu đồng. Làm một phép tính, một cơ quan 100 người tiêu nhẹ nhàng cũng hết hơn 20 triệu cho cuộc vui cuối năm".

Tiền nào chi vào các khoản tiệc tùng linh đình ấy? Trong đám thực khách, hẳn có nhiều vị đã từng và sẽ còn đứng trên bục, giảng giải về "thực hành tiết kiệm", "noi gương đạo đức Hồ Chí Minh"!  Và hẳn là không bao giờ, trên các bàn tiệc linh đình cỗ bàn ấy, có mặt người nông dân hai sương một nắng hoặc người công nhân mặt mũi lấm lem dầu mỡ? Và hẳn không bao giờ đó  là "tiền túi" của các thực khách?!. Các vị ấy suy nghĩ gì khi đọc được những tin như tin về "Những bé em bán lì xì mua… Tết" (dantri.com.vn ngày 1/2/2008):

"...Nguyễn Văn Cư 12 tuổi, đang học Lớp 4 Trường tiểu học Mỹ Kim, cũng như anh em U - Nhàn, Cư phải len lỏi trong chợ suốt ngày để bán bao lì xì phụ giúp mẹ. Ba mất sớm, một mình mẹ Cư phải đi gom rác nuôi 4 anh em Cư đi học. Cư kể: "Mạ em đi từ sớm lắm, sáng nào em dậy mạ cũng đi rồi, em ăn cơm nguội đi học mang theo cả bao lì xì chiều về chợ bán luôn, tối em mới về nhà...".           

Vua chúa ngày xưa, được gọi là Thiên Tử (con Trời), nhưng thực ra lại rất gần gũi với chúng dân. Lịch sử đã ghi lại chuyện Vua cải trang đi thị sát, lẫn vào đám dân nghèo, để được thấy rõ hoàn cảnh, tâm tư của họ và truy tìm bằng chứng về bọn quan lại tham nhũng, ức hiếp dân lành để về lập án trị tội.

Đương nhiên, xã hội nào cũng có mặt này mặt kia, nhưng xã hội ta là xã hội XHCN, tính ưu việt chính nằm ở chỗ không có kẻ "ăn trên ngồi chốc", cho nên không thể chấp nhận được những kẻ hưởng thụ phè phỡn trên lưng giai cấp cần lao - đối tượng của Cách mạng!                  

Biết, thậm chí giỏi giáo dục quần chúng, sao không biết tự giáo dục chính bản thân mình, gia đình mình? - Xin được mở ngoặc hỏi riêng một số vị ... "đầy tớ Dân" - số này không nhiều lắm, nhưng mà có!

Nhưng dù sao, Xuân mới, cũng đang kề cận. Một mùa xuân tràn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn của Đất Nước và Con Người Việt Nam trung dũng kiên cường!

Trần Huy Thuận (Nam Định)


LTS Dân trí - Có lẽ mọi người không lạ gì cái cảnh biếu xén lũ lượt cửa trước cửa sau, rồi ăn uống phè phỡn, linh đình trong những ngày giấp Tết mà ít “người trong cuộc” lại chạnh lòng nghĩ đến những cảnh em bé bán vé số, bán báo, bán bao lì xì... cơm ăn chưa đủ no, áo chưa đủ ấm trong những ngày giá rét này. Họ cũng quên mất luôn việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà mình đã từng được học tập, thậm chí đã từng đứng trên bục rao giảng cho mọi người !

Những hiện tượng tiêu cực mà tác giả bài báo nói trên nêu ra là những điều đáng lên án. Dù sao đấy là câu chuyện sắp thuộc về năm cũ. Chúng ta tin tưởng rằng, năm mới sẽ có tiến bộ mới.

Công cuộc phòng chống tệ nạn tham nhũng, lãng phí đi đôi với việc thực hành tiết kiệm sẽ được đẩy mạnh bằng những biện pháp đồng bộ và có hiệu quả hơn.