Giám đốc nông trường bị “tố” lộng quyền, nhập nhèm trong cổ phần hóa!

(Dân trí) - Không những sắp xếp để vợ và em vợ giữ những vị trí chủ chốt, vị giám đốc còn bị tố cáo có rất nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa, đồng thời thanh lý tài sản của nông trường. Với cương vị là Bí thư Đảng ủy và giám đốc, ông còn “lộng quyền” khi tự quyết toàn bộ các hoạt động khác.

Hàng vạn cây cao su được thanh lý với giá bèo

Báo Dân trí nhận được đơn thư tố cáo của các cán bộ, nhân viên, công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH một thành viên nông công nghiệp 3-2, có trụ sở tại xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, Nghệ An (Nông trường 3-2), là doanh nghiệp nhà nước với hàng trăm cán bộ công nhân viên đang làm việc, gắn bó với những thăng trầm, phát triển của công ty từ khi thành lập vào năm 1958 đến nay.

Đơn tố cáo các cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại đây gửi tới Báo điện tử Dân trí phản ánh những tiêu cực tại công ty này.
Đơn tố cáo các cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại đây gửi tới Báo điện tử Dân trí phản ánh những tiêu cực tại công ty này.

Trong nội dung đơn thư nêu rõ, lãnh đạo công ty đứng đầu là ông Lê Huy Dũng – giám đốc công ty TNHH một thành viên nông công nghiệp 3-2 trước đó đã thanh lý 50 ha cao su với giá rẻ mạt gây thất thoát hàng tỷ đồng. Theo đó, những cây cao su được trồng từ năm 1990 đến nay có đường kính khoảng 40 cm được ông Dũng thanh lý với giá chỉ 130.000 đồng/1 cây. Mức giá này được cho là quá thấp với giá thị trường, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Theo Hợp đồng kinh tế số 01/2017/HĐKT ký kết giữa công ty TNHH một thành viên nông công nghiệp 3-2 và Công ty TNHH SX CB và TM Thắng Lợi ký kết ngày 16/01/2017 nêu rõ số lượng cây cao su thanh lý là 20.000 cây, đơn giá là 130.000 đồng / 1 cây với quy chuẩn là cây có đường kính từ 20 cm trở lên và không cụt ngọn quá 2m.


Công ty TNHH Nông công nghiệp 3/2 nơi xảy ra sự việc.

Công ty TNHH Nông công nghiệp 3/2 nơi xảy ra sự việc.

Mặc dù hợp đồng đã được ký kết từ ngày 16/01/2017 và hai bên đã thống nhất giá cả cho từng cây cao su nhưng phải sau đó khá lâu 3 biên bản kiểm đếm, đánh giá chất lượng từng cây cao su mới được thống nhất và tổng số cây được thanh lý bị “rớt” chỉ còn lại 13.000 cây.

“Giá bán như thế là quá thấp, bởi trên thị trường mỗi cây cao su như vậy có giá giao động từ 500 – 600.000 đồng. Bên bán và bên mua chưa có biên bản kiểm đếm, đánh giá chất lượng từng cây nhưng đã thống nhất giá, số lượng cây. Vậy họ lấy căn cứ gì để đưa ra mức giá như vậy và ký kết hợp đồng với nhau. Việc thanh lý cũng không qua đấu giá mà được giám đốc công ty “tự quyết” tất cả”, một cán bộ tại đây bức xúc.

Những gốc cây cao su với đường kính trên 50cm còn sót lại tại khu vực mà hơn 50 ha cao sau được trồng từ năm 1990 bị thanh lý với giá chỉ 130.000 đồng / cây.
Những gốc cây cao su với đường kính trên 50cm còn sót lại tại khu vực mà hơn 50 ha cao sau được trồng từ năm 1990 bị thanh lý với giá chỉ 130.000 đồng / cây.

Lý giải vì sao giá thanh lý cây cao su lại thấp như thế ông Lê Huy Dũng – giám đốc công ty cho cho biết: “Họ mua cây và phải nhổ gốc, trả lại đất cho mình nên giá mới thấp như thế. Có những cây nhỏ, gãy, không đạt chất lượng nên sau khi thống nhất giá, kiểm đếm thì mới còn lại 13.000 cây trên 50 ha, đây là số cây cao su được trồng từ năm 1990”.

Tại buổi làm việc, khi phóng viên chất vấn liên quan đến việc hợp đồng được ký kết trước, kiểm đếm và đánh giá chất lượng mặt hàng thanh lý sau vậy lấy căn cứ gì để đưa ra mức giá khi ký kết hợp đồng và định giá tài sản. Ông Dũng thừa nhận việc hợp đồng được ký kết trước và đánh tài sản thanh lý sau và cho biết, ký kết xong mới kiểm đếm rồi đưa ra đánh giá, cây nào đạt chất lượng thì họ mua, cây nào không thì mình loại ra.

Một cây cao su lớn với đường kính ước đạt 45cm may mắn còn sót lại sau khi 13.000 cây khác bị thanh lý.
Một cây cao su lớn với đường kính ước đạt 45cm may mắn còn sót lại sau khi 13.000 cây khác bị thanh lý.

Trong khi đó, quá trình phóng viên thực tế tại khu vực nơi công ty đã thanh lý toàn bộ 50 ha cao su được trồng từ năm 1990, chỉ còn lại một bãi đất trống. Bên lề đường chỉ còn lại một số gốc cây chuẩn bị được chở đi nơi khác, những gốc cây còn lại tại hiện trường đều có đường kính rất lớn từ 40 – 75 cm. “Bãi chiến trường” gần như đã được thu dọn sạch với một tốc độ chóng mặt sau khi hợp đồng được ký kết.

Công ty nhà nước nhưng gia đình quản lý

Hiện tại công ty đã được Sở Nông nghiệp Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận triển khai phương án cổ phần hóa. Tuy nhiên cũng bắt đầu từ thời điểm này, tại đây xuất hiện những việc làm được cho là “bất minh” của lãnh đạo công ty trong việc thâu tóm cổ phần, để giữ những vị trí chủ chốt sau khi cổ phần hóa.

Cả vùng đất rộng hơn 50ha với bạt ngàn cao su đã bị thanh lý sạch chỉ sau một thời gian rất ngắn.
Cả vùng đất rộng hơn 50ha với bạt ngàn cao su đã bị thanh lý sạch chỉ sau một thời gian rất ngắn.

Các vị trí chủ chốt như phó giám đốc công ty, đội trưởng đội sản xuất cam đều được ông Dũng sắp xếp cho em vợ và vợ đảm nhiệm. Xây dựng hình thức “gia đình trị” trong công ty. “Một công ty nhà nước mà ở đó ông Dũng làm giám đốc, Bí thư Đảng ủy còn em vợ làm phó giám đốc, vợ làm đội trưởng đội … thì người công nhân như chúng tôi làm già có thể tham gia được các vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty. Ông ấy muốn mua gì, bán gì, thanh lý tài sản cho ai thì chỉ cần gia đình ông ấy quyết là xong, còn chúng tôi có tham gia ý kiến cũng chẳng thể ảnh hưởng đến kết quả…” một cán bộ đang làm việc tại đây xin được giấu tên bức xúc.

Khi công ty bước vào giai đoạn cổ phần hóa, với quyền lực của mình, cổ phần của những công nhân dù chưa mua cổ phần nhưng đã được “gom” lại với nhiều hình thức khác nhau.

Ông Lê Huy Dũng - Giám đốc công ty trong buổi làm việc với phóng viên.
Ông Lê Huy Dũng - Giám đốc công ty trong buổi làm việc với phóng viên.

Theo kế hoạch cổ phần hóa, nhà nước vẫn giữ 30% cổ phần tại công ty, cổ đông chiến lược là công ty vật tư nông nghiệp Nghệ An giữ 25% cổ phần, công đoàn công ty được ưu tiên mua 1 – 3 % cổ phần, cán bộ, công nhân viên công ty được ưu đãi mua 30 % cổ phần với mức giá trị 60 %, số còn lại được chào bán trên thị trường.

“Mỗi năm công tác, một cán bộ công nhân được mua 100 cổ phần với mức giá ưu đãi chỉ 60 % (một cổ phần có giá 10.000 đồng, công nhân được mua ưu đãi với 6.000 đồng / 1 cổ phần). Tuy nhiên khi vừa có danh sách, công nhân lên ký mua cổ phần thì bằng nhiều hình thức khác nhau số cổ phần ít ỏi của công nhân được “chuyển nhượng” ngay sau đó. Theo quy định, sau khi cổ phần hóa công nhân mua cổ phần và gắn bó với công ty thì số cổ phần này mới được chuyển nhượng nhưng khi chưa được phát hành họ đã ngay lập tức ép người ta bán số cổ phần này rồi”, một cán bộ tại đây cho biết.

Danh sách các cán bộ, nhân viên đã nộp tiền để mua cổ phần tại công ty TNHH một thành viên nông công nghiệp 3/2. Tuy nhiên theo phản ánh và chính vị giám đốc cũng thừa nhận có tình trạng một số người đã gom cổ phần ngay sau khi các công nhân có tên trong danh sách được mua cổ phần.
Danh sách các cán bộ, nhân viên đã nộp tiền để mua cổ phần tại công ty TNHH một thành viên nông công nghiệp 3/2. Tuy nhiên theo phản ánh và chính vị giám đốc cũng thừa nhận có tình trạng một số người đã "gom" cổ phần ngay sau khi các công nhân có tên trong danh sách được mua cổ phần.

“Tôi có được mua ưu đãi 200 cổ phần nhưng hôm đó có anh Hòa đến bảo mua lại. Tôi cũng đã chuyển nhượng lại cho anh ấy” anh Th một công nhân tại đây cho biết.

Liên quan đến nội dung này ông Lê Huy Dũng thừa nhận: “Ngay sau khi có kế hoạch cổ phần hóa có một số người đã âm thầm mua bán chuyển nhượng cổ phần phía dưới. Cái này tôi cũng đang chỉ đạo, nhiều người mua bán nhưng mình không nắm hết được. Tôi và gia đình không mua, gom cổ phần như người ta phản ánh”.

“Việc bổ nhiệm ông Cao Xuân Hậu là em vợ tôi làm PGĐ công ty là hoàn toàn đúng quy trình. Vợ tôi là Cao Thị Hòa làm đội trưởng đội trung tâm kỹ thuật trực tiếp quản lý vườn cam hơn 10 ha cũng được phân công làm nhiệm vụ, mua bán thế nào đều có sự tham gia của phòng kế toán. Tôi thấy việc mình giữ chức giám đốc, Bí thư Đảng ủy, em vợ làm phó giám đốc, vợ làm đội trưởng như thế là bình thường vì không liên quan đến kinh tế gì ở đây”, ông Dũng lý giải.

Những gốc cao su lớn nằm bên đường, nhưng vị giám đốc cho biết lượng cây được thanh lý chủ yếu có đường kính nhỏ.
Những gốc cao su lớn nằm bên đường, nhưng vị giám đốc cho biết lượng cây được thanh lý chủ yếu có đường kính nhỏ.

Việc cổ phần hóa, ưu đãi công nhân, cán bộ mua cổ phần để gắn bó trực tiếp quyền lợi, đồng hành cùng quá trình phát triển của công ty để họ có trách nhiệm và hưởng những lợi ích hợp pháp là chủ trương vô cùng đúng đắn. Tuy nhiên khi cổ phần tại đây chưa được phát hành, một số “nhóm lợi ích” đã bắt đầu thâu tóm, dùng quyền lực để “ép” những công nhân thấp cổ bé họng bán lại số cổ phần ít ỏi của mình là đi ngược lại với chủ trương chính sách của nhà nước. Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, Sở NN&PTNT Nghệ An đơn vị trực tiếp quản lý cần nhanh chóng kiểm tra chấn chỉnh để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Nguyễn Phê