Bài 4:
Áp thuế theo Thông tư 44: Doanh nghiệp đá Nghệ An cận kề ngày "khai tử"?
(Dân trí) - Qua khảo sát giá bán một số loại tài nguyên trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì giá bán trên thị trường hiện nay thấp hơn nhiều so với khung giá do Bộ Tài chính quy định. Trước việc này, thì hàng trăm doanh nghiệp đá tại Nghệ An đứng trước nguy cơ phá sản, trả mỏ .... trong năm 2018.
Sống dở chết dở vì Thông tư 44?
Điều này đã và đang đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Quỳ Hợp nói riêng không có đủ khả năng nộp nghĩa vụ ngân sách, phải ngừng sản xuất ảnh hưởng đến hàng vạn lao động, nguy cơ doanh nghiệp bị phá sản và ngành công nghiệp khai khoáng đổ vỡ.
Nhất là ngành đá ốp lát marble và ngành công nghiệp chất độn (Cacbonatcanxi) là ngành phụ trợ cho trên ba nghìn lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Theo ghi nhận của PV Dân trí đã có một số doanh nghiệp, công ty đã buộc phải trả mỏ vì gánh thuế quá cao.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An xót xa chia sẻ với Dân trí, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp, công ty trên địa bàn đã trả mỏ, hoặc chưa trả cũng không thể khai thác hoặc đã khai thác cũng để đó, chứ chưa thể tiêu thụ nổi.
“Ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp khai thác và chế biến đá hoa trắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, biểu giá tính thuế tài nguyên trước đây của tỉnh Nghệ An được xây dựng rất công phu, khoa học và phù hợp với thực trạng của phẩm cấp, chất lượng, chủng loại sản phẩm và giá cả thị trường.
Tuy nhiên, từ khi “xảy ra” sự không phù hợp của Thông tư 44 …, lãnh đạo huyện Quỳ Hợp, các sở ngành và UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức các cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp, kiểm tra, thẩm định, phân tích, tổng hợp các số liệu và đã có văn bản đề xuất (đề xuất giữ nguyên giá cũ - PV), văn bản giải trình gửi Tổng Cục thuế và Bộ Tài chính kịp thời theo tinh thần điểm 2, mục B, điều 6 của Thông tư này”, ông Hoài nhấn mạnh.
Ông Hoài đau đáu cho biết thêm: “Tại phiên họp Quốc hội vừa qua đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đoàn Nghệ An cũng đã có ý kiến về vấn đề này trước Quốc hội. Tuy nhiên, cho đến nay theo tôi được biết, Tổng Cục thuế và Bộ Tài chính cũng chưa có các bước giải quyết cụ thể.
Như vậy, buộc UBND hai tỉnh Nghệ An và Yên bái phải thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên được xây dựng theo khung giá của Thông tư 44… Kéo theo đó là hầu như toàn bộ các doanh nghiệp khai thác và chế biến đá trên địa bàn sẽ phá sản.
Hiện nay chỉ còn khoảng 50% các doanh nghiệp được cấp mỏ thực sự đang hoạt động, các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp đã đầu tư quy mô, đều có nhà máy chế biến sâu và tâm huyết với nghề góp phần lớn vào sự hình thành một nghành đá ốp lát và phụ gia công nghiệp CaCo3 nước nhà”.
Ông Nguyễn Giang Hoài cũng mong muốn Bộ Tài chính cần sớm điều chỉnh khung tính giá thuế thật hợp lý, theo thực tế, sát với thị trường để đỡ các doanh nghiệp thiệt thòi.
“Các doanh nghiệp hiểu rằng giá cả hàng hóa là một chỉ số biến động về cả thời điểm lẫn địa điểm, đặc biệt là những loại như đá nguyên liệu phụ gia công nghiệp chỉ cần vận chuyển đi 150km thì giá đã tăng lên gấp đôi, doanh nghiệp cũng không trông chờ một mức giá thấp hơn thị trường. Tuy nhiên chỉ việc áp dụng Thông tư 44/BTC thì giá nhảy vọt lên gấp gần 3 lần. Như vậy, các nghĩa vụ về thuế và phí ngay lập tức tăng lên gần 3 lần là vượt quá sức chịu đựng của tất cả các nhà sản xuất và khách hàng.
Nguyện vọng của chúng tôi là Bộ Tài chính sớm có những điều chỉnh khung giá tính thuế, tính phí sát với thị trường. Trước mắt đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đá - nộp một lần trước 31/3/2018 cho cả năm 2018, cho phép các địa phương tạm áp giá cũ để các doanh nghiệp có thể tiếp tục sản xuất trước thềm năm mới mậu tuất - 2108”, ông Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Quỳ Hợp não nề sẻ chia với PV Dân trí.
Còn ông Nguyễn Thành Trung - Công ty TNHH Thành Trung cho biết: “Theo cấp phép thì chất lượng đá nhiều nơi không thể đạt được như bước đầu. Có nhiều mỏ chỉ khai thác được từ 5 - 10 % đá thành phẩm. Trong khi đó số lượng sản phẩm nhỏ này đã phải gánh tất cả các loại thuế cho cả 95% đá không thể sử dụng. Vậy thì doanh nghiệp làm sao có thể hoạt động được. Việc áp dụng Thông tư 44 như hiện nay không riêng gì doanh nghiệp tôi mà hàng trăm doanh nghiệp làm đá khá tại địa bàn Quỳ Hợp và tỉnh Nghệ An cũng chết theo. Đồng nghĩa với việc đó là số lao động địa phương làm việc tại các doanh nghiệp, công ty bấy lâu nay thất nghiệp”.
Ngay ngáy lo Tết cho người lao động, doanh nghiệp biết đi về đâu
Một doanh nghiệp khác (xin được dấu tên) cho biết thêm: “Hiện nay theo tôi được biết, là Cục kinh tế và Sở TNMT Nghệ An đang tính toán điều chỉnh thu tiền cấp quyền theo Thông tư 44 sắp “thực thi”. Với việc này thì doanh nghiệp chúng tôi chết thôi, phá sản hoàn toàn thôi. Như năm ngoái, công ty chúng tôi đã phải vay hơn 3 tỷ để nạp tiền cấp quyền khai thác, trong khi đó doanh nghiệp tôi vẫn phải vay ngân hàng để nạp số tiền nói trên mà chưa trả nợ được.
Kéo theo đó, thì việc đầu tư cũng trả nợ của doanh nghiệp chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Và quan trọng hơn cả là phải đóng cửa nhà máy, đóng cửa mỏ, hàng trăm lao động không có việc làm và điều đặc biệt là chúng tôi mất toàn bộ khách hàng đã gây dựng bấy lâu không thể lấy lại được. Và dĩ nhiên số khách hàng này họ sẽ sang các nước khác như Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia ... để đầu tư và lấy hàng. Tôi rất mong muốn và đề xuất lên Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế… sớm có điều chỉnh, quan tâm hơn nữa về việc áp thuế theo đề xuất của tỉnh Nghệ An và Yên Bái đã đã trình lên các Bộ, ngành”.
Ông Chu Đức Mạnh - Công ty CPXD và hợp tác đầu tư Đất Việt cho rằng: “Chúng tôi là một doanh nghiệp ở ngoại tỉnh vào đầu tư làm đá tại mảnh đất Quỳ Hợp này với nhiều máy móc thiết bị được trang bị và giờ đang nằm chất đống. Còn một phần đá được khai thác ra bị om, rạn nứt ... kéo theo đó sản phẩm làm ra chỉ bán ra được 5-10%.
Từ năm 2014 đến nay, thì chi phí đầu vào tăng rất cao, giá dầu từ hơn 9.000 đồng/1 thì nay đã lên hơn 15.000 đồng. Với thuế suất tài nguyên từ năm 2016 là 9% nay đã lên 15%; giá điện cũng tăng 0,68% và một số loại chi phí khác ... Tuy nhiên, giá thị trường trên thế giới không tăng, đáng chú ý thị trường Trung Quốc đang có chiều hướng đi xuống, trong khi đó ở Việt Nam mình thì lại tăng "chóng mặt". Bây giờ năm mới đã cận kề, mà doanh nghiệp chúng tôi như ngồi trên đống lửa vì nợ chồng lên nợ. Còn thời hạn nạp tiền cấp quyền năm 2018 đã cận kề, như vậy chúng tôi chả biết thế nào nữa".
Ông Tống Minh Hiệu - Công ty CP An Lộc phân trần: “Hiện nay giá tính thuế áp dụng theo Thông tư 44 là không phù hợp với thông tin tài liệu địa chất trong đánh giá trữ lượng của mỏ. Vì, trong đánh giá trữ lượng địa chất thì chỉ đánh giá khối tích vật thể, chứ không xét đến chất lượng vật thể (có nghĩa lớn hơn 0,4m3/1 vật thể đá như: đá ốp lát thì không kể về chất lượng, màu sắc)….
Trong khi đó, giá tính thuế theo Thông tư 44 quy định bây giờ được điều tra là không phải giá bán thực tế trên thị trường chung. Đa số thành phẩm bán ra trên thị trường nội địa thì có giá rất thấp. Ví dụ như 1m2 đá nội địa chỉ bán được 70-80 ngàn đồng/m2. Trong khi đó, thực tế tính mà áp dụng theo Thông tư 44 thì lại rất cao. Còn nếu quy về giá trung bình cho tất cả các loại sản phẩm thì chỉ đạt đến 40-50% theo giá quy định của Thông tư 44".
Ông Hiệu cũng nóng ruột: “Ngày 31/3/2018 là hạn chót của kỳ nộp tiền cấp quyền 2018, mà số tiền nạp rất cao tăng 3-4 lần so với trước (tùy theo từng loại hình khoáng sản). Mặt khác, doanh nghiệp chúng tôi đang chịu sức ép về thanh toán chi phí cho người lao động cuối năm nên hết sức lo lắng".
Ông Hiệu cũng kiến nghị: “Nghỉ Tết xong cũng là đến kỳ nộp số tiền này, và như vậy có thể đẩy doanh nghiệp vào thế khó, không có khả năng trả nợ và triển khai kế hoạch sản xuất cho năm mới. Ngoài việc điều chỉnh giá phù hợp với thông tin địa chất và giá cả thị trường nên chăng cần phải điều chỉnh thời điểm thu các khoản vào thời điểm khác như 30/6 hoặc 30/9/2018".
Chị Đinh Thị Thu Hiền - GĐ Công ty TNHH Hoàng Danh cho biết: “Thực tế công ty tôi có 70 % sản lượng xuất khẩu, trong nước chỉ có 30%, hiện tại thị trường nước ngoài chúng tôi cũng đang gặp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt. Trong khi đó, thuế tài nguyên ở các nước khác rất thấp so với Việt Nam (ở Đài Loan chỉ có 5%, Malaysia 3% còn Việt Nam 15%) đẩy giá thành cao sản phẩm lên rất cao… không thể bán được. Như thế thì ngành đá của Việt Nam có nguy cơ mất hẳn thị trường xuất khẩu, không thể cạnh trang với các nước”.
Nghệ An là một tỉnh có nhiều loại tài nguyên đặc biệt là tài nguyên khoáng sản. Trong những năm qua nguồn thu từ thuế tài nguyên trên địa bàn đã góp phần không nhỏ trong tổng thu ngân sách trên địa bàn của tỉnh; tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động. Tuy nhiên, việc áp dụng Thông tư 44 đã và đang làm cho hàng trăm công ty, doanh nghiệp khai thác đá phá sản, hàng vạn lao động tại địa phương này không có việc làm, thất nghiệp…
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Nguyễn Duy