Tư vấn pháp luật:
Giải thể công ty TNHH một thành viên khi chủ sở hữu chết?
(Dân trí) - Anh trai tôi thành lập công ty TNHH một thành viên năm 2008, sau đó anh tôi qua đời nên công ty vẫn chưa đi vào hoạt động. Nếu muốn giải thể doanh nghiệp thì ai sẽ là người đứng ra quyết định việc giải thể? (Nguyễn Hoàng Bích Vân, Email: bichvan_ftu@gmail.com).
Trả lời:
Hiện nay Luật doanh nghiệp năm 2005 chưa có quy định nào về trường hợp chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên chết thì phải giải quyết phần vốn góp như thế nào. Tuy nhiên, căn cứ khoản 1, Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế áp dụng theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Số vốn mà anh trai bạn đã góp vào công ty là tài sản của anh trai bạn. Khi anh trai bạn chết, nó sẽ trở thành di sản thừa kế. Áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 thì có hai trường hợp xảy ra:
Trường hợp thứ nhất: Trước khi chết anh trai bạn có di chúc để lại để định đoạt tài sản. Nếu như vậy, bạn căn cứ vào nội dung của di chúc để tiến hành phân chia di sản thừa kế.
Trường hợp thứ hai: Anh trai bạn chết không để lại di chúc. Nếu như vậy thì di sản thừa kế sẽ được chia theo quy định của pháp luật.
Khi phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật thì phải xác định người thừa kế theo quy định tại Điều 676 Bộ Luật dân sự. Những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng di sản của anh trai bạn. Khi không có người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì những người thừa kế thuộc hàng thứ hai được hưởng di sản. Nếu không có hàng thừa kế thứ hai thì hàng thừa kế thứ ba được hưởng di sản…. Người cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản như nhau.
“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm…….
c) …….
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau
3. ……..”
Nếu vốn góp thành lập công ty của anh trai bạn là một khối tài sản chung mà không chứng minh được đó là tài sản riêng của anh trai bạn thì tài sản này là tài sản chung. Sau khi anh trai bạn chết thì tài sản này sẽ được phân chia. Phần tài sản mà anh trai bạn có trong tài sản chung đó sẽ là di sản thừa kế sau khi anh trai bạn chết và được chia theo quy định của pháp luật.
Các đồng thừa kế theo pháp luật phải lưu ý phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế theo quy định tại Điều 683, Bộ Luật dân sự:
“Điều 683. Thứ tự ưu tiên thanh toán
Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;
2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;
3. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;
4. Tiền công lao động;
5. Tiền bồi thường thiệt hại;
6. Thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước;
7. Tiền phạt;
8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác;
9. Chi phí cho việc bảo quản di sản;
10. Các chi phí khác.”
Sau khi đã thực hiện việc phân chia di sản thừa kế thì người hưởng thừa kế sẽ tiếp quản doanh nghiệp của anh trai bạn. Sau khi hoàn thành xong thủ tục khai nhận và phân chia di sản thừa kế và làm thủ tục thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp tại phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính, thì công ty có thể tiếp tục duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Nếu sau khi phân chia di sản thừa kế, công ty có hai chủ sở hữu thì công ty sẽ phải chuyển đổi hình thức từ công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc chuyển đổi thành hình thức công ty cổ phần (nếu công ty có từ ba chủ sở hữu trở lên). Trong trường hợp muốn giải thể công ty, thì các chủ sở hữu mới sau khi được ghi nhận trong đăng ký kinh doanh có quyền quyết định. Việc giải thể doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 157, 158 Luật Doanh nghiệp 2005 và Điều 40 Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Ban Bạn đọc