Nghệ An:
Giả mạo chữ ký rút tiền hỗ trợ người dân tái định cư?
(Dân trí) - Không nhận được bất kỳ một đồng nào từ dự án xây dựng công trình phụ trợ tái định cư. Thế nhưng, 3 hộ dân đã bị giả mạo chữ ký có tên trong danh sách quyết toán, ký nhận với số tiền lên đến 50 triệu đồng/hộ.
Đó là những nội dung đã được 3 hộ dân gồm: ông Lăng Văn Hùng (SN 1954), anh Hà Văn Hải (SN 1959) và anh Hà Văn Thanh (SN 1977), trú Bản Lốc, điểm tái định cư Pù Sai Cáng, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An gửi đơn thư tới Báo Dân trí.
Có chữ ký nhưng… không được nhận tiền
Năm 2012, cùng với các hộ dân trong bản, gia đình ông Lang Văn Hùng, anh Hà Văn Hải và anh Hà Văn Thanh cùng với hàng trăm hộ dân khác dứt “tình cũ”- nơi mình chôn nhau cắt rốn (bản Lốc) để di dân tới điểm tái định cư mới Pù Sai Cáng, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, Nghệ An. Họ ra đi, để nhường lại phần đất của gia đình để xây dựng công trình thủy điện Hủa Na.
Cũng như các hộ dân khác, khi chuyển đến nơi ở mới các hộ dân đều được hứa hỗ trợ xây dựng nhà ở, công trình phụ trợ nhằm đảm bảo đời sống, an cư lạc nghiệp... Tuy nhiên, do dự án thực hiện chậm nên ba hộ dân này đã tự bỏ tiền, thuê nhân công để xây dựng các công trình phụ trợ trước để khắc phục những khó khăn trong đời sống.
“Chúng tôi là những gia đình chuyển xuống khu ở mới sớm hơn mọi người trong bản. Ra nơi ở mới, do quá bức bách nên gia đình tôi tự bỏ tiền ra làm các công trình như nhà ở, công trình phụ trợ để sinh hoạt. Làm xong, đợi mãi không thấy tiền hỗ trợ đâu, thì cuối năm 2016 chúng tôi lên xã hỏi mới biết đã có ký nhận rồi. Thấy vậy, chúng tôi quá bất ngờ, vì không biết ai đã ký thay và nhận tiền của chúng tôi nữa…., chị Vi Thị Dung (vợ Hà Văn Hải) cho biết.
3 hộ dân này cho biết, cuối nằm 2016 họ mới biết có nguồn hỗ trợ cho các công trình phụ trợ, nhà vệ sinh của 22 hộ tại điểm tái định cư Pù Sai Cáng. Dù 19 hộ dân khác đều được nhận đầy đủ, song 3 hộ ông Hùng, anh Hải và anh Thanh lại không được nhận tiền, nhưng trong biên bản ký nhận đều có tên và chữ ký đầy đủ.
“Nếu nhận công trình thì có đơn vị thi công họ về trực tiếp đưa vật liệu, nhân công đến để làm cho. Còn ai tự xây dựng thì được hỗ trợ bằng tiền. Mỗi hộ nếu tự xây dựng thì được hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng/1 hộ. Cả bản ai cũng được nhận rồi, duy nhất còn 3 hộ chúng tôi là không được nhận nhưng trong sổ sách lại có chữ ký. Tôi thấy làm lạ quá, không biết họ giả mạo chữ ký của chúng tôi rồi lấy tiền rồi đó”, ông Lang Văn Hùng cho biết.
Được biết, hoàn cảnh ông Lang Văn Hùng cũng khá khó khăn. Bản thân vợ chồng ông không có việc làm, đang nuôi mẹ liệt sĩ là cụ Lang Thị Khoa 94 tuổi và thờ phụng liệt sĩ Hạnh (em trai ông Hùng là Lang Đại Hạnh - sinh năm 1956). Anh Hạnh hy sinh năm 1979 tại Campuchia.
“Vợ chồng tôi không có việc làm, sinh được 3 người con gái cũng đều đi lấy chồng hết rồi. Kể từ ngày trong ở bản cũ chuyển ra khu tái định cư mới, họ (phía chủ dự án đầu tư thủy điện Hủa Na) họ đền bù cho gia đình ta được 350 triệu để làm nhà nhưng lại chia làm hai đợt. Còn tiền hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ khác thì họ nói sẽ cho 50 triệu.
Đến cuối năm 2016, họ phát cho bà con trong bản, gia đình ta cũng đến hỏi thì họ nói đã nhận rồi, vì đã có chữ ký trong sổ sách. Lúc đó, thấy lạ quá, vì tôi là chủ nhà đã lấy tiền đâu mà có chữ ký nhận. Tôi cùng với gia đình anh Thanh, anh Hải đều bị như vậy. Sau đó cả ba gia đình tôi đã làm đơn gửi xã và huyện thì họ nói phải đưa sang công an để giám định chữ ký”, ông Lang Văn Hùng bức xúc nói.
Sau đó 19/22 hộ dân tại điểm tái định cư Pù Sai Cáng, xã Thông Thụ đều đã được chi trả số tiền trên. Còn ba hộ dân này mới đem thắc mắc lên chính quyền địa phương và HĐND huyện Quế Phong thì mới tá hỏa khi biết gia đình mình vẫn có trong danh sách được nhận tiền và đã được chi trả. Và các cấp chính quyền liên quan thì chỉ dẫn 3 hộ dân này làm đơn gửi công an huyện để giám định chữ ký.
“Chúng tôi không được nhận một đồng tiền nào mới đi đòi. Đây là quyền lợi chung của mọi người đều như nhau. Vậy, ai đã thay chúng tôi để ký nhận và lấy số tiền nói trên. Qua xem trong bản danh sách ký nhận, tôi khẳng định đây không phải chữ ký của tôi. Tôi không viết được chữ đẹp như vậy”, anh Hà Văn Hải bức xúc.
Chữ ký bị giả mạo và cần giám định?
Theo biên bản bàn giao nhà ở để đưa vào sử dụng, được lập vào ngày 19/6/2014 đối với trường hợp gia đình ông Hà Văn Hải ghi rõ: Thi công xây dựng nhà ở hộ dân và công trình phụ trợ cụm 1 điểm tái định cư Pù Sai Cáng.
Bao gồm có các thành phần: Đại diện Ban quản lý dự án tái định cư, đại diện chủ đầu tư Công ty cổ phần thủy điện Hủa Na, đại diện tư vấn giám sát, đại diện nhà thầu thi công liên doanh công ty TNHH xây dựng và thương mại Tuấn Hùng & Công ty xây dựng Quang Anh; đại diện UBND xã Thông Thụ là bà Lương Thị Hồng - Chủ tịch UBND xã; đại diện Ban quản lý điểm tái định cư Pù Sai Cáng là ông Lương Văn Bích - Trưởng bản, đại diện hộ dân là ông Hà Văn Hải - chủ hộ.
Biên bản này có ghi rõ thời điểm kiểm tra, nội dung kiểm tra, sau đó các bên đi đến kết luận: Công trình vệ sinh và chuồng trại lô số 62 (gia đình ông Hà Văn Hải) đã xây dựng đúng thiết kế được phê duyệt, đảm bảo chất lượng, đúng mẫu và lựa chọn trong phiếu xin ý kiến thiết kế. Kể từ ngày 19/6/2014 gia đình ông Hà Văn Hải nhận công trình vệ sinh, chuồng trại để đưa vào sử dụng.
“Biên bản viết là vậy, nhưng không có ai đến gia đình tôi để kiểm tra cả. Tôi cũng không ký vào cái biên bản này. Bác Lương Văn Bích - trưởng bản Lốc cũng không ký vào đó. Vậy họ đã phát tiền cho ai?...”, ông Hải bức xúc.
Trong biển bản, ngoài chữ ký của các đại diện như đã nói ở trên, còn có đại diện trưởng bản Lốc lúc đó (năm 2016) là ông Lương Văn Bích (ông Bích nay là Bí thư Chi bộ bản Lốc). Cũng bức xúc với 3 hộ dân trên, dù mình không chứng kiến, không được biết nhưng chữ ký của ông Bích vẫn “xuất hiện” trong biên bản bàn giao.
Ông Lương Văn Bích (nguyên là trưởng bản Lốc) rất bức xúc: “Đây không phải chữ ký của tôi. Tôi không ký vào các biên bản này, tại sao lại có người ký thay tôi, làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân tôi cũng như mất đoàn kết trong bản. Tôi cũng mong cơ quan chức năng làm rõ vấn đề để trả lại danh dự cho tôi. Tôi cũng đã làm đơn gửi cơ quan chức năng rồi”.
Để rõ hơn về các chữ ký của 3 hộ dân thực hư ra sao, phóng viên yêu cầu các hộ dân này thử ký tên vào một tờ giấy trắng để bước đầu xác minh chữ ký. Trong các hộ dân có ông Hà Văn Hải thậm chí còn không rõ mặt chữ, phải nhìn theo từng nét viết tên mình để “vẽ” lại. Chữ ký của ông nguệch ngoạc khác hẳn với từng nét chữ trong văn bản bàn giao.
Đem vấn đề trên trao đổi với bà Lương Thị Hồng - Chủ tịch UBND xã Thông Thụ, và được bà Hồng xác nhận chữ ký trong biên bản trên là của mình.
“Đó là chữ ký của tôi. Tôi thấy trong biên bản có các hộ dân ký, trưởng bản ký và các ban ngành cũng đã ký nên tôi ký. Nhiều lúc cá nhân tôi không thể trực tiếp cùng đoàn đi kiểm tra được từng hộ dân. Sau khi nhận được thông tin từ 3 hộ dân này xã cũng đã hướng dẫn cho họ lên Hội đồng huyện để làm rõ. Đồng thời báo cáo sự việc lên Hội đồng nhân dân huyện”.
Vậy ai đã cả gan ký thay các hộ dân, nhận toàn bộ số tiền hộ trợ? Mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ vấn đề tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài gây mất trật tự trên địa bàn, trả lại quyền lợi chính đáng cho những hộ dân vốn đã khốn khổ trăm bề khi phải di dời nhường đất cho dự án.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc này đến bạn đọc.
Nguyễn Duy