Chuyện buồn ở xã nông thôn mới - Bài 2:
Gia cảnh “chị Dậu” của người đàn ông tàn tật vẫn phải đóng 13 khoản phí
(Dân trí) - Những bước đi khập khiễng, không vững, trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ kỹ… thế nhưng người đàn ông tàn tật này chẳng khác nào “chị Dậu” năm xưa vẫn phải còng lưng đóng tới… 13/24 khoản phí.
Mỗi năm, người dân ở xã Nghi Thái phải đóng hơn 20 khoản phí và quỹ khác nhau. Dù là trẻ nhỏ, hộ nghèo hay tàn tật đều phải đóng quỹ không trừ một ai khiến người dân tỏ ra bức xúc.
Nhận tiền trợ cấp tàn tật không đủ đóng "thuế" cho chính quyền
Như đã phản ánh ở bài trước, nhiều năm nay người dân ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc, Nghệ An) phải "gồng mình" gánh chịu nhiều khoản thu phí cao và họ cho rằng có phần bất hợp lý. Dù là già trẻ hay hộ nghèo thì họ vẫn phải đóng góp nhiều khoản cho xã, xóm.
Giấy 24 khoản thu của gia đình anh Dũng.
PV Dân trí và nhiều PV các báo vào cuộc điều tra tại gia đình anh Dũng.
Người dân xã Nghi Thái cho hay, nhiều lần thấy các khoản thu bất hợp lý, họ đã "kêu" lên vì không còn đủ sức đóng. Thế nhưng vấn đề đó chẳng bao giờ được giải quyết mà có khi tiền đóng năm sau còn cao hơn năm trước nên dần dần họ cũng đành im lặng cam chịu.
Trong đó có thể nói đắng cay nhất là những hộ nghèo, tàn tật, người nhiều tuổi, già cả, neo đơn… dù không làm gì ra tiền nhưng hàng năm cũng phải đóng gần cả triệu đồng tiền quỹ.
Anh Dũng bị tàn tật từ nhỏ trước căn nhà không ra nhà, thế nhưng mấy năm trở lại đây anh vẫn phải còng lưng đóng các khoản "thuế'?
Điển hình như hộ anh Vương Đình Dũng (SN 1967; trú xóm Thái Học). Anh Dũng bị tật nguyền từ nhỏ. Gia cảnh khó khăn, túng thiếu đủ đường… Cách đây không lâu, vợ anh Dũng không may bị đuối nước và vĩnh viễn ra đi, để lại cho anh Dũng tàn tật đứa con thơ dại.
Vốn bị tàn tật từ nhỏ, gia đình lâm cảnh khó khăn, thiếu ăn… nên anh được Nhà nước cho chế độ người tàn tật mỗi tháng hơn 800 ngàn đồng. Song, với anh trụ cột gia đình, không làm được việc nặng nhọc, không nghề nghiệp, không thu nhập và với anh tất cả mọi chi tiêu sinh hoạt chỉ dựa vào số tiền trợ cấp ít ỏi nói trên. Nên dường như quanh năm đều thiếu ăn, đói và có phần khổ hơn trước.
Anh Dũng đưa toàn bộ giấy tờ cho PV xem.
Không những được giảm hoặc miễn trừ “thuế” cho anh, mà chính quyền địa phương còn bắt anh phải đóng góp nhiều khoản phí, quỹ cho xóm và xã.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà lụp sụp, nằm trũng hơn những hộ gia đình khác, trong nhà thì tối tăm dù đã được bật bóng đèn sáng. Lọ mọ mãi trong góc nhà tối tăm, anh đem ra cho chúng tôi xem một cái bọc ni lông được gói gém cẩn thận, rồi anh bắt đầu đưa ra từng giấy tờ được lưu giữ như một “bảo vật” của gia đình.
Rồi anh bảo: “Đây là “bảo vật” của gia đình đó các chú nhà báo”. Và anh bắt đầu đưa ra hàng loạt giấy tờ cá nhân, đến cuốn sổ theo dõi và tờ “Phương án hộ gia đình” gồm các loại phí quỹ hàng năm của xã, xóm.
Anh Dũng luôn thuộc hộ nghèo.
“Các nhà báo thấy đó, cái tờ này (phương án hộ gia đình) có tới 24 khoản thu gồm của xã 15 khoản, xóm 9 khoản đó. Gia đình tôi phải đóng tới 13 khoản cho cả xã và xóm. Nói thật là người tàn tật như tôi thì làm được gì mà họ lại bắt đóng nhiều thế cơ chứ. Tôi cũng không biết nữa”, anh Dũng buồn bã nói.
Cầm trên tờ “Phương án hộ gia đình” chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những khoản thu mà chỉ cần nhìn qua cũng thấy vô lý. Cụ thể, anh Dũng vốn là người nghèo, tàn tật thế những cũng phải đóng quỹ như: “Quỹ vì người nghèo” 20 ngàn đồng/hộ; hay như “Quỹ chế độ gián tiếp cán bộ” 20 ngàn đồng/khẩu; Quỹ phụng dưỡng người cao tuổi, Quỹ đền ơn đáp nghĩa …
“Năm 2016 này, gia đình tôi phải đóng cho xã và xóm số tiền 903.400 đồng. Nhưng vì quá khó khăn nên tôi chỉ mới đóng được 100 ngàn đồng”, anh Dũng nói.
PV làm việc với anh Dũng.
Vợ chết, anh Dũng nai lưng đóng thuế.
Ngoài những khoản đóng nói trên, anh Dũng còn phải nai lưng đóng khoản xây dựng tại xóm với mức thu 300 ngàn đồng. Cũng do không có tiền “trả nợ” xã những năm trước nên “dư nợ” của anh năm 2015 được thống kê trong tờ “Phương án hộ gia đình” 2016 còn phải trả là 294 ngàn đồng (nợ năm 2015). Chứng tỏ, việc đóng quỹ này đã "quá sức" đối với gia đình anh Dũng.
Cụ già, người mù đóng tiền "Quỹ phụng dưỡng người cao tuổi"!?
Ở xóm Thái Cát (xã Nghi Thái), người dân cũng rất bất bình bởi những khoản thu quỹ, phí áp dụng cho người tàn tật, người mù mà đáng lẽ ra họ phải được miễn giảm.
Như hộ chị Nguyễn Thị Huyền bị mù từ lúc 3 tuổi. Hiện chị ở một mình nuôi con nhỏ. Cuộc sống của chị Huyền và con chỉ dựa vào những đồng tiền trợ cấp và sự che chở của người thân.
Anh Dũng bức xúc vì các khoản thu vô lý.
Chị Huyền - hộ người mù ở xóm Thái Cát thì phải đóng 5/25 khoản. Điều đáng nói, xóm này có tới 25 khoản thu dù trong một xã.
Thế nhưng năm nào chị Huyền cũng phải đóng nhiều loại phí, quỹ. Dù những khoản tiền này không cao nhưng nhìn vào ai cũng bất bình, bức xúc.
Trong tờ giấy phương án thu năm 2016 của chị Huyền, chúng tôi thấy chị phải đóng nhiều khoản như: Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo + chất độc da cam, quỹ môi trường, quỹ văn hóa xã hội.
Ở phần thu của xóm, mẹ con chị Huyền vẫn phải đóng 30 nghìn tiền "nuôi" cán bộ. Tổng cộng cả các khoản, chị Huyền phải đóng 148 nghìn đồng.
Cùng chung cảnh này, bà Nguyễn Thị Lâm (trú xóm Thái Học) năm nay đã ngoài 80 tuổi. Do tuổi cao sức yếu nên bà chỉ ở nhà và nhờ vào sự chăm sóc của con cái sống cạnh nhà.
Cụ Lâm người cao tuổi nhưng vẫn phải đóng quỹ "Phụng dưỡng người già".
Dù không còn làm lụng gì được nữa nhưng đều đều hàng năm, cụ Lâm vẫn phải đóng nhiều khoản phí quỹ của xã và xóm. Trong tờ thu các khoản đóng góp năm 2016 gửi về cho cụ Lâm, chúng tôi thấy cụ phải đóng đến 12 khoản phí các loại với tổng số tiền là 563 nghìn đồng.
Số tiền dù không lớn lắm nhưng nhìn vào bảng thu tiền của cụ Lâm, nhiều người thấy nhiều khoản bất hợp lý.
Trong khi cụ Lâm là người cao tuổi thì cụ lại phải đóng tiền “Quỹ phụng dưỡng người cao tuổi”, đóng quỹ “Chế độ gián tiếp cán bộ” mức 20 nghìn đồng…
Riêng khoản tiền đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng của xã, vì cao tuổi nên cụ Lâm được miễn với mức 200 ngàn đồng. Thế nhưng tiền đóng góp xây dựng xóm với mức 300 ngàn đồng thì cụ Lâm vẫn phải nai lưng để đóng mà không được miễn.
Gia đình anh Tình phải đóng 1,5 triệu đồng.
Cách đó không xa là hộ gia đình anh Trần Văn Tình (SN 1977, xóm Thái Học) có 4 nhân khẩu. Mấy tháng nay vợ anh là chị Trương Thị Tâm (SN 1984) luôn phải nằm trong viện điều trị vì căn bệnh ung thư quái ác.
Thường ngày, anh Tình làm thợ xây còn vợ làm nông nghiệp. Nhưng hơn 2 tháng nay, anh Tình đi viện điều trị nên vợ anh cũng phải bỏ làm, gửi con nhỏ cho mẹ để chăm sóc vợ.
"Bệnh của cái Tâm phát hiện từ đầu năm rồi đi khám suốt. 2 tháng nay thì phải ở luôn ngoài viện Hà Nội để xạ trị.
Anh Dũng người tàn tật lâu năm nhưng phải đóng rất nhiều khoản thu vô lý.
Nhà được 2 con bò với cái xe, thằng Tình bán và vay thêm tiền để đi chữa cho vợ luôn rồi", bà Thủy (mẹ anh Tình) nói và cho biết dù con cái đi viện cả tháng trời nhưng chính quyền vẫn gửi giấy về yêu cầu hộ anh Tình đóng góp lên đến 1.500.000 đồng.
Lo tiền cho vợ chữa bệnh chưa đủ nên số nợ chính quyền này, vợ chồng anh Tình đành khất lại mà chưa biết bao giờ mới trả được.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Nguyễn Duy