Gặp scandal do tin đồn, người nổi tiếng nên “hoá giải” ra sao?
(Dân trí) - Các hoạt động pháp lý phải được tiến hành thật nhanh chóng, gấp rút, có kết quả sớm vì tin đồn sẽ lan nhanh theo cấp số nhân và gây hại cho hình ảnh người nổi tiếng như Virus Corona vậy.
Sự việc Trấn Thành bị lời đồn thổi bay lắc cho thấy những hậu quả rất lớn về uy tín, danh dự, kinh tế đối với người nổi tiếng từ những hành động cẩu thả, vô ý thức của người dùng mạng xã hội.
Sự việc đăng tải tin sai sự thật của hai bạn trẻ và lối ứng xử của Trấn Thành đặt ra nhiều vấn đề pháp lý nếu xem xét, giải quyết thấu đáo sẽ góp phần nhanh chóng hạn chế được những thiệt hại trước mắt, tránh được những phiền toái tương tự trong tương lai.
Sự việc bắt nguồn từ: “Tin đồn xuất phát từ loạt ảnh chụp màn hình tin nhắn giữa hai cô gái. Một người gửi bức ảnh được cho là của một diễn viên đang sử dụng chất kích thích, rồi cho biết Trấn Thành và nam diễn viên trên đang cùng tham gia cuộc ăn chơi với cô này... Tài khoản L.T.M.H. viết rằng loạt tin nhắn chỉ là "giỡn với em gái" chứ cô không quen Trấn Thành hay nam diễn viên kia. Sau đó Trấn Thành đã cùng một số người bạn đến trực tiếp nhà cô gái, trao đổi thẳng thắn rõ trắng đen và có quay lại clip khoảng 31 phút.
Qua nội dung trao đổi có thể thấy cô gái đăng tin với mục đích giỡn chơi với người bạn của mình, với hoàn cảnh sống, hiểu biết của mình cô gái dường như không đánh giá được tin đồn có thể gây thiệt hại lớn cho Trấn Thành. Cô gái có phần rất lo sợ vì hành động sai và bị Trấn Thành đến tận nhà làm việc.
Cách ứng xử của Trấn Thành hết sức thẳng thắn, mạnh mẽ để làm rõ sự thật và bảo vệ uy tín hình ảnh của mình, tránh các thiệt hại kinh tế xảy ra do tin đồn thất thiệt.
Trong sự việc này đặt ra một vấn đề ứng xử xã hội, ứng xử pháp lý của người nổi tiếng thế nào với những tin đồn thất thiệt.
Theo Luật sư Quách Thành Lực (Công ty Luật TNHH LSX), phát hiện lửa cháy, dập lửa nhanh nhưng cũng cần lưu ý sao cho cách dập lửa sẽ không gây phản ứng thiếu thiện cảm từ dư luận hoặc tạo ra những đốm lửa âm ỉ chực bùng phát. Cách xử lý phù hợp sẽ dập tắt tin đồn, hạn chế tối đa những tin đồn tương tự trong tương lai, người hâm mộ nể phục người nổi tiếng trong ứng xử, thêm hâm mộ, tin yêu.
Ứng xử nhanh: Cần nhanh chóng phát hiện ra tin đồn thất thiệt, tìm kiếm nguồn phát tin và làm việc trực tiếp với người đăng tải tin tức ấy.
Chuẩn mực giao tiếp xã hội: Đề nghị gặp gỡ lịch thiệp với người đăng tin, được sự chấp thuận của họ thì tiến hành làm việc. Trong buổi làm việc cần tạo ra không khí trao đổi thẳng thắn, cần sự xác nhận thông tin sai sự thật của người đưa tin. Người đại diện cho người nổi tiếng nên đứng ra trao đổi là điều tốt nhất. Điều này giúp người hâm mộ thêm nhiều thiện cảm với sự cương quyết, mạnh mẽ nhưng rất tế nhị của người nổi tiếng.
Chuẩn mực pháp lý: Việc vào nơi ở của ai cũng rất cần sự đồng ý chấp thuận của người đó. Có thể trong hoàn cảnh nhiều người kéo vào cùng thời điểm, biết mình sai nên người trong nhà miễn cưỡng chấp nhận làm việc. Sau buổi làm việc đó họ hoàn toàn có thể có phản ứng xã hội hoặc pháp lý về việc tự ý xâm phạm nơi ở. Do vậy ứng xử chuẩn giao tiếp, chuẩn pháp lý sẽ hạn chế được phản ứng này.
Ghi nhận nội dung buổi làm việc thông qua Thừa phát lại, lập Vi bằng để làm bằng chứng thừa nhận lỗi sai từ người đăng tin. Đây là cách làm văn minh, có giá trị chứng cứ chứng minh hơn hẳn việc tự quay clip. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự bằng chứng do thừa phát lại lập thành Vi bằng có giá trị rất cao.
Đề nghị người đăng tin đồn thất thiệt cùng với người nổi tiếng liên hệ với Tòa án có thẩm quyền để được thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự. Theo 34 điều Bộ luật dân sự năm 2015 Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tínghi nhận: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình”. Tòa án dựa trên chứng cứ là Vi bằng được lập, sự thừa nhận của người đăng tin sẽ có Bản án, Quyết định ghi nhận tin đồn đó là sai sự thật, bác bỏ những thông tin đó. Ngoài ra trong Bản án, Quyết định của Tòa án còn có thể ghi nhận nội dung yêu cầu cá nhân, tổ chức có liên quan, bị ảnh hưởng từ tin đồn tự đính chính, điều chỉnh hành vi để không gây tổn hại cho người nổi tiếng.
Với môi trường mạng xã hội hiện nay có thể truy tìm, xác định danh tính của người đăng tin đầu tiên những sau đó tin tức này sẽ bị chia sẻ rộng rãi, không thể kiểm soát được nơi đăng, người đăng tin. Lúc này cần vận dụng quy định pháp luật tại khoản 4 điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết: “Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng”. Khi có bản án, quyết định của Tòa án tuyên bố thông tin bay lắc, Scandan là không đúng sự thật được đăng tải rộng khắp thì tin đồn sẽ tự bị loại trừ.
Các hoạt động pháp lý trên phải tiến hành thật nhanh chóng, gấp rút, có kết quả sớm vì tin đồn sẽ lan nhanh theo cấp số nhân và gây hại cho hình ảnh người nổi tiếng như Virus Covid vậy.
Ứng xử với các đối tác và người hâm mộ: Các đối tác cần một hình ảnh người nổi tiếng đẹp, ứng xử hài hòa, văn mình có nhiều thiện cảm, ái mộ của đông đảo người dân. Do vậy khi xử lý khủng hoảng thông minh, hiệu quả sẽ tạo thêm uy tín cho người nổi tiếng.
Với người hâm mộ cần một thái độ thẳng thắn, mạnh mẽ bác bỏ tin đồn sai sự thật, ứng xử nhân văn bao dung với những sai lầm, thiếu hiểu biết của người đưa tin sai sự thật. Sự bao dung, rộng lượng sẽ tạo ra một sự đề kháng tự nhiên tránh những tin đồn tương tự trong tương lai.
Trên đây là vài ý kiến pháp lý luận bàn về ứng xử của người nổi tiếng trước những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, kinh tế.
Xin cảm ơn luật sư!
Khả Vân (thực hiện)