Gần 70 hộ dân khốn khổ sống "treo", UBND thành phố Ninh Bình nói gì?
(Dân trí) - UBND thành phố Ninh Bình cho hay, việc 68 hộ dân xã Ninh Nhất gần chục năm sống "treo"giữa thành phố như báo Dân trí phản ánh là do chủ đầu tư dự án (Sở Du lịch Ninh Bình) chưa bố trí được nguồn kinh phí nên công tác giải phóng mặt bằng chậm tiến độ...
Liên quan đến vụ việc 68 hộ dân thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình gần chục năm khốn khổ sống "treo" giữa thành phố mà báo Dân trí đã phản ánh, UBND thành phố Ninh Bình vừa có văn bản phúc đáp nội dung báo nêu.
Theo đó, ngày 2/6/2017, UBND thành phố Ninh Bình có văn bản số 553/UBND-VP gửi báo Dân trí về việc phúc đáp một số nội dung mà báo Dân trí đã phản ánh, trong đó có nội dung liên quan đến 70 hộ dân thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất gần chục năm sống 'treo" giữa thành phố.
Văn bản trên do ông Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình ký thông tin trả lời. Văn bản nêu rõ: 68 hộ dân thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất nằm trong phạm vi quy hoạch GPMB xây dựng Công viên văn hóa Tràng An do Sở Du lịch Ninh Bình làm chủ đầu tư; UBND thành phố Ninh Bình chỉ được giao nhiệm vụ GPMB.
Đến nay chưa thực hiện công tác GPMB đối với 68 hộ gia đình nêu trên với lý do: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 85, Luật Đất đai năm 2013, việc thực hiện GPMB chỉ thực hiện khi đủ các điều kiện: Bố trí nguồn kinh phí để chi trả, hoàn thiện khu tái định cư để phục vụ cho nhân dân xây dựng nhà ở mới.
"Do chủ đầu tư chưa bố trí được nguồn kinh phí nên công tác GPMB chậm thực hiện. Đến nay chủ đầu tư mới chỉ bố trí đủ kinh phí GPMB để xây dựng khu tái định cư. Thành phố đã thực hiện xong công tác GPMB và đang đề xuất với chủ đầu tư khẩn trương khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu tái định cư", Văn bản 533 của UBND thành phố Ninh Bình thông tin.
Văn bản do Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình gửi báo Dân trí cũng khẳng định: "Sau khi chủ đầu tư xây dựng xong cơ sở hạ tầng khu tái định cư và bố trí đủ kinh phí GPMB cho 68 hộ dân, lúc đó UBND thành phố sẽ triển khai GPMB đối với 68 hộ".
Cũng theo văn bản trên, để đảm bảo đời sống của 68 hộ gia đình không bị ảnh hưởng, thành phố vẫn đảm bảo các điều kiện cho các hộ sinh hoạt như: đường giao thông, cấp điện, cấp nước sinh hoạt, công tác an ninh trật tự... và vẫn giải quyết thủ tục cho phép các hộ gia đình được sửa chữa, cải tạo công trình để sử dụng bình thường.
Trước đó, báo Dân trí có bài viết "70 hộ dân gần chục năm khốn khổ sống "treo" ngay giữa thành phố!" phản ánh, năm 2008, 68 hộ dân thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất được UBND thành phố Ninh Bình thông báo phải giải phóng mặt bằng để nhường đất cho dự án du lịch Công viên văn hóa Tràng An.
Tuy nhiên, đến nay đã gần chục năm trôi qua nhưng các hộ dân ở đây vẫn chưa được đền bù GPMB, di dời đến nơi ở mới, phải khốn khổ sống "treo" giữa thành phố không biết đi đâu về đâu. Nhiều hộ dân luôn phải sống trong tình cảnh thấp thỏm, dở khóc dở cười khi nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng không đáp ứng được cuộc sống sinh hoạt, muốn sửa chữa cũng không được mà đập đi xây mới cũng không xong.
Ông Phạm Viết Phú (56 tuổi) thôn Ích Duệ bức xúc, nhà ông cùng nhiều hộ dân khác trong thôn được thông báo GPMB gần 10 năm nay nhưng đến nay việc đền bù chưa thấy, di dời đến nơi ở mới cũng chẳng thấy đâu. Căn nhà cấp 4 của gia đình ông hiện không đủ chỗ sinh hoạt cho cả gia đình, bị xuống cấp nhưng vì thuộc diện giải tỏa nên nhiều năm qua ông có muốn sửa cũng chẳng được vì không được phép nên đành phải "sống chung với lũ".
Không chỉ hộ ông Phú mà nhiều hộ dân khác trong thôn cũng sống trong tình cảnh “dở khóc dở cười” vì không biết ngày nào đi, còn ở lại được ngày nào? Nhà cửa nhiều hộ trật trội, xuống cấp muốn xây dựng mới cũng không được, sửa chữa kiên cố để ở cũng không xong. Chỗ chui ra chui vào của nhiều hộ ngày mưa thì ẩm mốc, ngày nắng thì nóng bức ngột ngạt nhưng cũng đành “sống khổ” gần chục năm qua.
Ông Lê Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất thừa nhận, việc người dân thôn Ích Duệ có ý kiến phản ánh là chính đáng. Không chỉ người dân mà xã cũng rất nhiều lần có kiến nghị lên cấp trên, qua các cuộc tiếp xúc cử tri HĐND tỉnh, đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến nhưng đến nay việc giải phóng vẫn chưa được triển khai.
“Chúng tôi cũng mong muốn dự án xây dựng lòng hồ, công viên văn hóa triển khai nhanh, không chỉ tạo cảnh quan đẹp cho địa phương mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân trong xã”, ông Nam chia sẻ.
Thái Bá